nhieu-nguoi-ha-noi-noi-ngua-do,-bong-troc-da-vi-“vat-lon”-trong-nuoc-ngap-qua-lau-sau-mua-lon

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì “vật lộn” trong nước ngập quá lâu sau mưa lớn

Nhiều người Hà Nội bị ngứa đỏ, lên mụn nước vì “bì bõm” trong nước ngập quá lâu sau bão

Cách đây 2 ngày, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở Hà Nội đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa lớn kéo dài, nước chưa kịp thoát dẫn đến ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến đường của Thủ đô. Việc ngập úng tại nhiều tuyến đường khiến giao thông và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì

Người Hà Nội vật lộn trong nước bẩn vì mưa lớn 2 ngày trước đó. Ảnh: Gia Khiêm

Không chỉ vậy, việc người dân phải lội nước liên tục khi di chuyển trong nhiều ngày đã khiến không ít người xuất hiện những triệu chứng bệnh ngoài da.

Chị Hải (30 tuổi, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều người trong khu vực đã phải “bì bõm” trong nước ngập 2 ngày qua mỗi khi đi làm và trở về nhà, khiến đôi bàn chân của chị xuất hiện nhiều dấu hiệu của bệnh ngoài da.

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì

Người dân bì bõm trong nước để vào nhà. Ảnh: Gia Khiêm

Hôm qua (24/7), đúng 20h tối, chị Hải mới về đến chung cư nơi mình sinh sống. Dù nơi làm việc chỉ cách nhà khoảng 4km, nhưng con đường về nhà sau mỗi trận mưa lớn lại trở nên dài hơn bao giờ hết.

“Đi mấy vòng xe máy để hy vọng có thể tìm đường khác không bị ngập nhưng không có kết quả, tôi lại quay trở lại con đường ban đầu, đó là đường Phùng Hưng, Hà Đông. Trước mỗi đoạn ngập, dòng xe xếp dài, ùn ứ. Các phương tiện dè dặt di chuyển qua đây. Những làn sóng nước do mỗi lần ô tô đi qua đoạn ngập khiến xe máy của tôi liêu xiêu. Mấy lần định dừng lại vì sợ hãi nhưng tôi đã cố gắng vừa hét vừa phóng xe qua đoạn ngập. Thế rồi cuối cùng cũng về đến nhà, nhưng mất những 3 giờ đồng hồ”, chị Hải chia sẻ.

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì

Người thuê trọ tại chung cư mini ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội trèo lên nhà bằng thang thoát hiểm. Ảnh: Gia Khiêm

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì

Nhiều trẻ nhỏ vui đùa trong nước ở dưới khu vực sân chung cư ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Vật lộn mãi mới thoát khỏi “cửa ải” tắc đường, chị Hải lại phải loay hoay tìm cách chữa bệnh ngoài da do ngâm chân quá lâu trong nước bẩn. Chị Hải có cơ địa dị ứng nên chân ngâm quá lâu trong nước sẽ bị ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Mỗi lần như vậy, chị lại phải đi khám để được bác sĩ kê thuốc.

Không chỉ chị Hải, rất nhiều người dân Hà Nội 2 ngày gần đây đều phải đứng chờ dưới mưa lạnh, ngâm xe và chân trong nước ngập. Không ít người sau khi trở về đến nhà lại phải dắt xe đi sửa và đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da. Có nhiều khu vực trẻ nhỏ chơi đùa với nước bẩn cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Bác sĩ cảnh báo gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, Thạc sĩ, BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên hội da liễu Việt Nam cho biết, khi cơ thể bị ngâm nước trong thời gian quá lâu, sẽ làm giảm sự liên kết của các tế bào sừng. Biểu hiện là da sẽ bị nhăn nheo và dễ bị tổn thương.

Hơn nữa, khi phải ngâm chân quá lâu trong nước ngập úng còn có thể gây nên một số bệnh ngoài da khác. Bởi bản chất nước ngập úng thường rất bẩn, có thể là nước mưa kết hợp với nước thải sinh hoạt… khiến tình trạng của người bị ngâm nước càng trầm trọng hơn.

Nhiều người Hà Nội nổi ngứa đỏ, bong tróc da vì

Hình ảnh người bệnh bị viêm da do tiếp xúc với nước bẩn. Ảnh: BSCC

Lúc này có thể gây ra tình trạng bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da cơ địa tái phát, tổ đỉa, viêm kẽ… Đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng, bàn tay, bàn chân dễ bong tróc, sẽ càng nhạy cảm hơn khi da tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

Bác sĩ Thành cho hay, biểu hiện của những bệnh nêu trên bao gồm da bị ngứa, đỏ, lên mụn nước, nứt kẽ ngón chân, phồng rộp tại những nơi tiếp xúc với nước bẩn. Những biểu hiện có thể bị lan rộng ra những nơi không tiếp xúc với nước.

“Trong mùa mưa lũ, để tránh phải tiếp xúc nhiều với nguồn nước bẩn, người dân khi đi qua những nơi ngập úng cần sử dụng ủng, găng tay cao su hay quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với nước. Nếu không may bị tiếp xúc với nước thì cần rửa chân tay, nơi tiếp xúc bằng nước sạch, với xà phòng dịu nhẹ. Tuyệt đối không sử dụng xà phòng giặt để rửa lại chân tay, hoặc ngâm chân tay vào nước muối, nước lá cây với mục đích giảm ngứa, viêm”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Bác sĩ cũng cho biết, rửa bằng xà phòng giặt, ngâm chân tay vào nước muối hay nước lá quá lâu, có thể khiến da bị khô, hoặc gây viêm da kích ứng với chính loại nước lá, khiến tình trạng viêm da càng trở nên trầm trọng hơn. Cách tốt nhất là nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ để rửa với nước sạch, sau đó bôi dưỡng ẩm trong 2-3 ngày. Nếu triệu chứng không giảm, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ kê đơn, tránh tình trạng da bị bội nhiễm.

Một số người bị dị ứng với cao su, nên không thể sử dụng ủng hoặc găng tay cao su khi làm việc phải tiếp xúc với nước. Với trường hợp này có thể sử dụng găng tay nilon hoặc buộc nilon vào chân trước rồi mới đeo găng tay cao su hoặc ủng.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, khi bị ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước khó chịu, người dân cũng tuyệt đối không cào gãi, hay dùng kim đâm vỡ mụn nước, tạo thành vết thương hở. Việc này sẽ khiến tổn thương lan rộng, gây bội nhiễm, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *