Em nhận thấy là có hai giai đoạn diễn giải chung xung quanh bộ phim này:
Giai đoạn đầu tiên, những phản ứng ban đầu sau khi lần đầu xem bộ phim này thường nghiêng hẳn về phía nhân vật Tom, một anh chàng si tình vô vọng (hopeless romantic), người bị khinh thường bởi kẻ phản diện nhẫn tâm, cô nàng Summer.
Giai đoạn thứ hai, đó là sự phản ứng với phản ứng ban đầu, sau khi xem lại bộ phim, người ta đã nhận ra rằng sự đồng cảm của họ dành cho Tom đã hoàn toàn bị đặt sai chỗ. Tom là một người có những tư tưởng về tình yêu và lãng mạn theo kiểu chuyện cổ tích được lấy cảm hứng từ điện ảnh, thứ mà cậu ấy đã tự áp đặt lên Summer, mặc cho việc nàng đã nói với cậu ngay từ ban đầu rằng cô ấy không có hứng thú với những gì nghiêm túc. Ta không nên “về phe” Tom. Ta nên học hỏi từ thái độ sai lầm, dẫu cho ngây thơ, của cậu ấy đối với sự lãng mạn.
Em hầu như đồng tình đối với phân tích này vì nó liên quan tới nhân vật Tom.
TUY NHIÊN
Hầu hết những lần khi mà em nghe những diễn giải này, mọi người hoàn toàn bỏ qua phần phân tích khi nó liên hệ tới Summer. Và điều này chủ yếu xuất phát từ sự khăng khăng rằng “Summer đã báo trước với cậu ta là cô ấy không hứng thú với thứ gì nghiêm túc rồi! Cậu ấy thật là vô lý vì đã ngó lơ nó chỉ bởi vì sự lạc quan lãng mạn tới mức tuyệt đối ấy!”
Lập luận đó cũng hợp lý ở một mức độ nào đó, nhưng cũng chỉ tới một cảnh quan trọng ở khoảng giữa của bộ phim mà thôi. (Thứ mà vốn không khiến các nhà biên kịch tham vọng ngoài kia phải ngạc nhiên chút nào – bởi cảnh giữa phim (midpoint sequence) là “điểm không thể quay đầu” của cốt truyện). Tom đã đấm một gã ở quán rượu bằng một nỗ lực đầy trẻ con và lạc lối nhằm “bảo vệ danh dự của Summer” theo kiểu đầy lãng mạn. Gã kia đã hạ gục Tom. Về sau, Summer đã chỉ trích Tom vì hành động này một cách rất chính đáng, nói rằng cô chưa bao giờ yêu cầu cậu phải làm thế và phần nào ám chỉ rằng cậu ấy làm điều ấy phần nhiều vì bản thân mình hơn là vì cô, cả hai luận điểm đều rất chính xác.
Nhưng điều xảy ra tiếp theo lại rất quan trọng. Tom đã trải hết lòng mình. Cậu thẳng thắn nói với cô rằng cậu không hứng thú với việc tiếp tục một mối quan hệ dưới mức nghiêm túc nữa. Về cơ bản, cậu nói rằng nếu như những gì em muốn chỉ là gì đấy qua đường (casual), vậy thì chuyện này cần phải kết thúc. Sau đó cậu rời đi.
Giờ thì, nếu như Summer không thực sự tìm kiếm thứ gì đó nghiêm túc, vậy thì rõ ràng chỉ có một điều duy nhất nên xảy ra ngay khoảnh khắc này. Họ chia tay nhau. Vậy là xong phim. Mọi chuyện kết thúc. Tom đã quá ngu ngốc mà hoài tốn tâm tư vì cậu ta xem quá nhiều phim của Disney. Thôi dọn đồ đạc ai về nhà nấy. Còn gì nữa đâu mà phân với tích.
Nhưng tất nhiên đấy đâu phải chuyện đã diễn ra. Summer đã quay lại với cậu, và về cơ bản thì nói rằng cô ấy đã sẵn sàng để nhìn nhận mối quan hệ này một cách nghiêm túc hơn.
Hẳn nhiên, điều này không nhất thiết tha thứ Tom vì những việc xảy ra sau đó, chứ đừng nói tới bất cứ việc gì đã xảy ra cho tới thời điểm đó. Nhưng nó chắc chắn có nghĩa rằng bất kỳ những phân tích nào nói giảm nói tránh về nhân vật của Summer xuống còn “cô ấy luôn nói rằng cô ấy không hứng thú với những gì nghiêm túc” đều không chính xác. Em thật lòng cũng chẳng hiểu ý tưởng ấy cớ làm sao mà lại thu hút nhiều chú ý tới vậy, khi ta cân nhắc việc cô ấy đính hôn chỉ vài tháng sau khi chia tay với Tom. Cứ như thể cô ấy không đi từ “không có hứng thú với thứ gì nghiêm túc” thành “Tôi muốn kết hôn” trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy ấy.
Đúng hơn thì, Summer KHÔNG RÕ mình muốn gì, bởi cô ấy không biết tình yêu thực sự nên cảm thấy ra sao – ví dụ như phân đoạn mà xung đột cảm xúc y hệt đã định rõ nhân vật của Tom. Khán giả còn được cung cấp những điểm tương đồng rõ rệt cho những đối lập song song này ở cách cả hai nhân vật nhận lấy gợi ý từ những bộ phim. Tom rõ ràng đã có cảnh nhạc kịch nổi tiếng của Disney sau khi “hành sự” xong. Nhưng ngay cả Summer cũng có khoảnh khắc y vậy. Quyết tâm ra quyết định và chia tay với Tom của cô bị kích thích sau khi cô nhìn thấy phần kết của The Graduate, chứng kiến nhân vật chính của bộ phim đó nhận ra trong sự bối rối và lúng túng rằng những say đắm, đam mê chỉ vài giây trước thôi giờ chỉ còn là thực tại đầy lạnh lùng và xấu xí.
Cú hích lớn nhất dành cho nhân vật của Summer mà thực sự chính đáng là cảnh đám cưới diễn ra. Ngay cả khi không đi sâu vào vấn đề này một cách quá nghiêm túc, thì khi nhìn một cách khách quan, cũng khá lạnh lùng khi có một đêm lãng mạn kết nối lại với người yêu cũ của bạn tại một đám cưới, người mà bạn sau đó lại mời đi dự tiệc mà không báo cho họ rằng bạn không chỉ đang ở trong một mối quan hệ nghiêm túc, mà thậm chí còn là đã đính hôn! Nhìn từ góc nào thì đấy cũng là một điều không hay. Nó không khiến Summer trở nên xấu xa theo bất kỳ cách nào cả, nhưng nó rất không hay, đặc biệt là khi không có ai tranh luận một cách hợp lý rằng Summer không nhận ra chuyện này có thể khiến Tom thấy thế nào. Cô ấy đâu có ngu ngốc gì cho cam, và cô ấy biết rõ Tom là người lãng mạn hoá quá mức mọi thứ.
Thêm vào đó, mặc dù đây chỉ là cách diễn giải của em mà thôi, nhưng chuyện này ngụ ý rõ ràng rằng Summer đã làm việc mà nhiều người hay làm ngay trước khi họ bước chân vào hôn nhân – nói chuyện hoặc gặp gỡ với người cũ một lần cuối để cân nhắc xem liệu cảm xúc của mình dành cho người kia có đúng thật là khác biệt không, rằng ta đang ra quyết định đúng đắn. Về sau khi cô ấy ngồi trên ghế trò chuyện cùng Tom, và cậu ấy hỏi kiểu “Sao em lại làm vậy?”, tất cả những gì cô ấy đáp chỉ là “Bởi vì em muốn vậy”. Không phải là một câu trả lời hay ho gì… nhưng nếu ta tiếp tục nghe, em nghĩ rằng câu trả lời thực sự vẫn nằm trong đoạn đối thoại ấy. Cô ấy giải thích rằng cô ấy không cảm nhận được “tia lửa” đó với Tom, nhưng cô ấy thấy vậy với hôn của mình. Cô bảo rằng mình không tránh được chuyện ấy, cũng đúng và hợp lý thôi, nhưng nó củng cố cho ý kiến rằng cô ấy đã “dắt mũi” Tom trong đám cưới để kiểm tra kỹ lại xem “tia lửa” ấy thực sự cảm thấy như thế nào.
Với tất cả những dòng lan man trên đưa em đến luận điểm về 500 Ngày Yêu mà nhiều người đã lỡ mất vì trớ trêu thay họ đã tập trung quá mức vào Tom.
Tom đã “chiến thắng”. Chủ nghĩa lãng mạn đã chiến thắng. Toàn bộ hệ tư tưởng của Tom dựa trên thứ công thức (cliche) “tình yêu đích thực từ cái nhìn đầu tiên” đã được chứng minh là đúng ở cuối phim, ở cái “tia lửa” mà Summer đã bắt được với một anh chàng khác. Điều trớ trêu nhất trong câu chuyện của Tom là cậu ấy đã dành toàn bộ thời gian để nghiền ngẫm về việc Summer đã phá huỷ niềm thán phục và niềm tin vào tình yêu tựa như một đứa trẻ của cậu như thế nào, trong khi cô ấy lại CHỨNG MINH rằng điều ấy là ĐÚNG… Cô ấy chỉ không yêu cậu thôi, chàng trai ạ.
Phân tích rất hay. Thật sự thì bộ phim đã làm rất tốt trong việc cho khán giả thấy những cảm xúc phức tạp đan xen của những mối quan hệ ngoài đời thực. Không có ai là “kẻ xấu” cả và cả hai nhân vật đều đáng được thông cảm.
Summer có muốn gì đó nghiêm túc chứ. Chỉ là không phải với cậu ấy mà thôi. Hồi đại học em bị cáu vì nó lắm. Em chỉ mong Autumn sẽ là người dành cho cậu ấy.
Ê tớ cũng xem phim ấy hồi còn học đại học này. Xem xong tớ cứ nẫu hết cả ruột và buồn man mác suốt nhiều ngày liền vì quan điểm về tình yêu của tớ khá giống với Tom. Tớ dễ sa vào tình yêu với các cô gái lắm và không hiểu tại sao họ lại không thích lại mình theo cách như vậy, dù cho tớ cũng đối xử với họ nice lắm chớ bộ. Trong đầu tớ lúc ấy cứ đinh nằng, đó là lỗi của họ.
Thực sự thì không hẳn vậy. Tớ thấy tệ vì đã tin là như vậy. Họ chỉ là không thích tớ theo cái cách mà tớ muốn và như thế cũng chẳng sao.
Xem bộ phim này lần nữa vào vài năm sau khiến tớ trân trọng nó RẤT NHIỀU, đây là một trong những bộ phim yêu thích nhất của tớ. Ấy là còn chưa kể đến kỹ thuật quay phim và nhạc phim, mà theo ý kiến của tớ, là cực kỳ hoàn cmn hảo.
Vấn đề lớn nhất của em với những phân tích thường thường về bộ phim này là mọi người cứ nhận định rằng cảm thấy thương Tom nghĩa là ta nghĩ rằng Summer đã làm gì sai. Đâu có phải vậy đâu. Mọi tranh cãi không nhất thiết phải có “người tốt” và “kẻ xấu”, như thể bọn trẻ con đang chơi cảnh sát bắt cướp vậy.
Cả hai đều sai. Người đứng về phía Tom thường lờ đi những sai lầm của cậu ấy, như khi họ ở trong cửa hàng băng đĩa và việc cậu ấy tỏ ra khó ưa, hay như cảnh quán rượu ấy, hoặc cách cậu ta thi thoảng đẩy Summer trong khi rất rõ ràng là cô ấy không thấy thoải mái chút nào.
Người ủng hộ Summer lại thường bỏ mặc những tín hiệu lẫn lộn của cô nàng. Đúng, đúng là cô ấy có nói mình không tìm kiếm cái gì đó nghiêm túc, nhưng hành động có ý nghĩa như lời nói vậy. Như bác đã chỉ ra, cô ấy đã làm những việc đối lập lại với lời nói của mình.
Em nghĩ rằng những người về phe một trong hai nhân vật, ở một thời điểm nào đó, đã từng ở trong một mối quan hệ giống như Summer và Tom. Vậy nên khi họ nhìn thấy hai nhân vật phản ánh mình như vậy, họ muốn mình ở thế đúng. “Cô ấy đã bảo từ ban đầu rồi” (Summer là người đúng), hoặc “Cô ấy lợi dụng cậu ta” (Tom là người đúng).