Rau muống là một món ăn quen thuộc trong các bữa cơm của người Việt, bởi loại rau này không chỉ có vị ngon, dễ ăn mà còn rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, có nhiều mối lo ngại liên quan tới vấn đề rau bị nhiễm kim loại nặng hay tồn dư chất hoá học, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Trên mạng xã hội, không ít người chia sẻ cách phân biệt rau muống sạch và rau nhiễm hoá chất, kim loại nặng (chì). Theo các lời chia sẻ này, rau muống nhiễm chì “có lá màu xanh đen do hấp thụ quá nhiều kim loại nặng, trong đó có chì”.
Ngoài ra, “thân rau muống nhiễm chì sẽ to hơn bình thường và khi rửa rau, bong bóng nổi nhiều”. Còn đối với rau muống có tồn dư chất bảo vệ thực vật và phân bón, “nước luộc và rau sẽ có màu xanh đậm”. Trước những ý kiến trên, nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi, liệu đây có phải cách phân biệt đúng hay không?
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, nếu ai đó dựa vào màu sắc lá rau, thân rau, nước luộc rau mà biết được rau bẩn có hoá chất và kim loại nặng thì chỉ là “đoán mò”.
“Do rau muống có nhiều loại khác nhau, có loại ngọn to, có loại ngọn nhỏ, nên không thể áp dụng theo mẹo chọn rau này để tránh rau bẩn. Khi luộc rau muống, nước rau có màu xanh là do chất diệp lục có trong lá. Việc xác định rau có tồn dư phân đạm, chất bảo quản thực vật hay không bằng màu nước luộc là chưa thực sự chính xác”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cũng lý giải, khi luộc rau có màu xanh hay đỏ là do nhiệt độ khi nấu. Nếu đun nước sôi xong cho rau vào luộc, rau sẽ rất xanh, màu đẹp mắt. Nhưng nếu nước chưa sôi, cho rau vào luộc, rau chín từ từ thì sẽ có hiện tượng chuyển sang màu đỏ.
“Ngay cả việc luộc rau quá ít nước cũng khiến cho màu sắc của rau bị vàng hoặc đỏ. Do vậy, nhìn màu sắc của rau sau khi luộc không phải là cách để phát hiện rau đó có phân bón hay tồn dư chất hoá học”, ông Thịnh cho hay.
Vị chuyên gia thực phẩm này cũng cho rằng, bằng cảm quan thì rất khó để phát hiện rau có nhiễm kim loại nặng, tồn dư chất hoá học hay không. Vì vậy, để chọn rau an toàn thì người dân nên mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm định rõ ràng.
“Rau muống có nguy cơ nhiễm kim loại nặng nếu được trồng ở nơi không an toàn, ví dụ như khu vực ao tù, nước đọng hoặc trồng thả bè trên những dòng sông ô nhiễm. Các kim loại nặng có trong nước sẽ hấp thu vào rễ và chuyển hóa lên thân, lá. Ngoài ra, rau muống trồng tại môi trường ô nhiễm còn có nguy cơ nhiễm vi sinh vật, giun, sán… cao. Đặc biệt, nếu trong nước có nhiều amoniac, rau muống cũng có thể hấp thu nitrat và nitrit không tốt cho sức khoẻ”, ông Thịnh khuyến cáo.
Ngoài ra, đối với rau tự trồng, người dân nên tránh trồng ở những nơi ven đường hoặc gần cống rãnh có nước thải. Khi trồng rau, cần phải tuân thủ những nguyên tắc về phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đủ ngày mới thu hoạch để đảm bảo an toàn.