nhieu-chu-tro-“than-troi”-vi-khong-co-khach-thue

Nhiều chủ trọ “than trời” vì không có khách thuê

Những dãy trọ “nằm dài” chờ khách

Đứng trước dãy phòng trọ ế khách từ vài tháng nay, chị Phạm Thị Hồng (SN 1990) – chủ nhà trọ ở phường Long Bình (TP. Biên Hoà, Đồng Nai) không khỏi ngao ngán. Cho thuê trọ là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình chị, thế nhưng giờ đây cũng không khá khẩm bởi vắng khách. 

Thậm chí, chị Hồng còn rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì có khách thuê nhưng khách không có tiền để trả. 

Nhiều chủ trọ ở Đồng Nai “than trời” vì không có khách thuê - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Hồng (SN 1990) – chủ nhà trọ ở phường Long Bình (TP. Biên Hoà, Đồng Nai) đứng trước căn phòng trọ đã nhiều tháng không có người thuê. Ảnh: Nguyệt Minh

Chị Hồng chia sẻ, những năm trước, dãy trọ nhà chị thậm chí còn không đủ để cho thuê. Thế nhưng giờ đây, khung cảnh đó giờ chỉ còn là ký ức. “Ngay cả lúc trong và sau đợt dịch Covid 19 cũng không ế khách. Nhưng năm nay, tôi còn khoảng 30% phòng chưa cho thuê được” – chị Hồng dãi bày.

Khu vực chị Hồng ở là nơi có nhiều khu nhà trọ giá rẻ do gần các khu công nghiệp lớn, người lao động tứ xứ đổ về. Giá phòng trọ dao động 1.000.000 – 3.000.000 đồng. Hiện nay, chị Hồng đều đã giảm giá tiền cho thuê, vậy nhưng vẫn không có công nhân đến ở.

“Chi phí cho cuộc sống ngày càng đắt đỏ, tôi vẫn phải nuôi con cái đi học. Việc bị giảm đi một nguồn thu nhập chính đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình” – chị Hồng tâm sự.

Cùng hoàn cảnh với chị Phạm Thị Hồng, dãy phòng trọ của ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1967) nay đã thưa thớt khách đến thuê.  Ông Hùng bắt đầu cho thuê trọ gần chục năm nay, thế nhưng, ông chưa bao giờ cảm thấy không khí tại khu trọ của mình lại ảm đạm như vậy. 

Nhiều chủ trọ ở Đồng Nai “than trời” vì không có khách thuê - Ảnh 2.

Nhiều dãy trọ tại khu vực phường Long Bình thưa thớt người đến thuê. Ảnh: Nguyệt Minh

Ông Hùng thông tin gia đình có 20 phòng trọ, hiện tại còn khoảng 5 phòng chưa có khách thuê. 

“Những năm trước, tôi gần như không gặp trường hợp khách đến thuê phòng mà không trả tiền. Thế nhưng bắt đầu từ năm ngoái, nhất là năm nay, đã có một vài trường hợp thuê trọ nhưng không trả tiền. Đa số họ bị mất việc, không có việc để làm chứ không phải có tiền mà không trả” – ông Hùng nói. 

Đã có trường hợp ông Hùng mất trắng tiền cho thuê, nhưng đành phải chấp nhận. Ông Hùng bất lực: “Họ sẵn sàng để lại đồ đạc, bỏ đi luôn trong đêm, mình cũng không thể nào lường trước. Gọi điện không bắt máy thì biết làm sao bây giờ”. 

Không cho thuê bỏ trống phòng thì tiếc, cho thuê cũng chưa chắc đòi được tiền, đó là tình cảnh tiến thoái, lưỡng nan của ông Hùng. 

Ông Vũ Mạnh Truật (SN 1956) – Tổ trưởng tổ 28, khu phố 8, phường Long Bình (TP. Biên Hoà, Đồng Nai) xác nhận, trên địa bàn có tình trạng nhiều khu trọ ế ẩm, không có khách đến thuê, gây ảnh hưởng đến thu nhập của không ít chủ nhà trọ. 

Không có việc, công nhân phải về quê

Theo ông Truật, bắt đầu từ 5 năm trước, những khu nhà trọ tại phường Long Bình mọc lên như nấm. Đây là tác động từ sự phát triển của các khu công nghiệp, nhà xưởng tại địa phương. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, nhiều khu xưởng phải đóng cửa, công nhân không có việc làm nên đành phải về quê. 

Nhiều chủ trọ ở Đồng Nai “than trời” vì không có khách thuê - Ảnh 3.

Ông Vũ Mạnh Truật (SN 1956) – tổ trưởng dân tổ 28, khu phố 8, phường Long Bình (TP. Biên Hoà, Đồng Nai) xác nhận, trên địa bàn có tình trạng nhiều khu trọ ế ẩm. Ảnh: Nguyệt Minh

Ông cho biết: “Những người thất nghiệp còn có quê để về đã là may mắn, có những người mất việc vẫn phải bám trụ lại đây với đủ thứ việc làm khác. Bởi về quê cũng không có nhà để ở, không có việc để làm. Vì thế mới dẫn đến việc có nhiều người không thể trả tiền thuê phòng trọ”. 

Một trong những lí do khác khiến tình trạng cho thuê trọ ế ẩm là bởi làn sóng dịch chuyển lao động từ Đồng Nai về các tỉnh. Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 60%.

Từ sau dịch COVID-19, một lượng lớn lao động dịch chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước 50.000 – 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên.

Dịch chuyển lao động được cho là bởi việc hình thành các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nên công nhân di chuyển về quê tại các tỉnh này để sinh sống và làm việc sẽ thuận lợi so với cuộc sống hiện tại ở trong các khu nhà trọ chật hẹp.

Giờ thì tấm biển còn phòng cho thuê vẫn treo ở cửa dãy phòng trọ của chị Hồng, thế nhưng không biết bao giờ mới có người đến thuê trọ. Bài toán làm sao để có khách thuê trọ là việc mà gần như các chủ nhà trọ không thể tự giải quyết. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, chế độ trợ cấp cho người lao động khó khăn,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *