nhieu-benh-nhan-sa-sut-tri-tue-khong-nhan-ra-tinh-trang-benh

Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ không nhận ra tình trạng bệnh

Hưởng ứng ngày Sa sút trí tuệ thế giới, ngày 21/9, Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức chương trình “Hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới” nhằm lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc bệnh Alzheimer.

Ngày bệnh Alzheimer thế giới được ra mắt đầu tiên vào ngày 21/9/1994 tại Edinburgh, Scotland nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Alzheimer thế giới. Từ đó đến nay, ngày bệnh Alzheimer thế giới được xem là một chiến dịch quốc tế, tổ chức thường niên vào ngày 21/9 ở các quốc gia trên thế giới, với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh Alzheimer và hướng đến xây dựng một cộng đồng thân thiện với người mắc sa sút trí tuệ.

Hưởng ứng ngày Sa sút trí tuệ/Alzheimer thế giới: Forget me not – Đừng quên tôi! - Ảnh 1.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức chương trình “Hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới” nhằm lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc bệnh Alzheimer.

Năm nay, chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới được Bệnh viện Lão khoa TW phối hợp với Hội Lão khoa VN tổ chức với chủ đề ‘Xin đừng quên tôi – Forget me not’. Điểm nhấn chính là nâng cao nhận thức của cộng đồng về sa sút trí tuệ, khuyến khích người cao tuổi đi khám để phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

Tại đây, GS.TS Phạm Thắng chia sẻ: “Căn bệnh Alzheimer có thể gọi là căn bệnh hiểm ác đối với người già, đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển như nước ta. Số lượng người bệnh được chuẩn đoán Alzheimer rất ít, chứng tỏ đây là tình trạng đáng báo động khi các bệnh nhân không nhận ra tình trạng của chính mình”.

Hưởng ứng ngày Sa sút trí tuệ/Alzheimer thế giới: Forget me not – Đừng quên tôi! - Ảnh 2.

Tiết mục múa đầy ý nghĩa của bệnh nhân Alzheimer cùng người chăm sóc.

“Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có thêm thuốc điều trị mới, 2 loại thuốc gần nhất được sử dụng trong điều trị bệnh Alzheimer đã được phát minh từ hai năm trước, dù vậy, đây vẫn là dấu hiệu tốt, manh nha bước đầu cho những nghiên cứu sâu hơn.

Qua chương trình, tôi muốn kêu gọi tất cả quý vị đồng nghiệp, các tổ chức xã hội, người cao tuổi nâng cao hiểu biết về Alzheimer và cùng nhau đồng hành, không để người bệnh nào bị lãng quên”, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam nói thêm.

Bệnh Alzheimer là bệnh lý thoái hóa thần kinh, thường khởi phát từ từ, diễn biến tăng dần và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, trái ngược lại với những gì thường thấy ở một bệnh nhân Alzheimer, tại chương trình Hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới, những tiếng ca, bài múa được thể hiện bởi chính các bệnh nhân khiến nhiều người tham gia không khỏi xúc động.

Chương trình là nơi chia sẻ, gắn kết giữa các bệnh nhân Alzheimer với người chăm sóc nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung. Sa sút trí tuệ được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người cao tuổi, đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt và chi phí điều trị tốn kém.

Hưởng ứng ngày Sa sút trí tuệ/Alzheimer thế giới: Forget me not – Đừng quên tôi! - Ảnh 4.

Các tranh vẽ của bệnh nhân Alzheimer được trưng bày tại chương trình.

Chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer – ‘Xin đừng quên tôi – Forget me not’ kết thúc với hoạt động ghép tranh, làm hoa bằng giấy thủ công và ngắm tranh vẽ của các bệnh nhân Alzheimer.

Chị Trần Thị Hạnh (Tình nguyện viên tham gia chương trình) bày tỏ: “Đây là hoạt động rất hay và có ý nghĩa sâu sắc đối với người cao tuổi và người bệnh Alzheimer. Chương trình không những giúp người cao tuổi cải thiện trí nhớ mà còn giúp các cụ gắn kết với cộng đồng, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *