LÊ HOÀN – CÔNG VÀ TỘI
Tháng 10 năm Kỷ Măo (979), cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại, Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua.
Nhà Tống nghe tin nước ta có binh biến nên đem quân đánh, tình thế bức bách, các quan quân mới “thuyết phục” bà thái hậu đang nhiếp chính nhường ngôi cho Lê Hoàn đang là “phó vương” lên làm vua. Dương thái hậu đã lấy chiếc long cảo choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng hô reo dậy trời của quân sĩ, tỏ ý nhường ngôi trong hoàn cảnh ấy, biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có khối óc lớn, xứng đáng được coi là anh hùng. Lê Hoàn lên ngôi rồi đem quân giết được tướng giặc Hầu Nhân Bảo, diệt quá nửa quân Tống, buộc vua Tống phải xuống chiếu lui quân. Đại thắng năm Tân Tị (981) đã mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng bọn phong kiến phương Bắc. Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên trong, Lê Hoàn chống cát cứ, xây dựng cơ sở của nền kinh tế. Đối với bên ngoài ông thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập của đất nước. Ông là vị vua nội trị, ngoại giao đều xuất sắc nhưng mắc tội tư thông với vợ của tiên hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) và giết Đinh Toàn cướp ngôi nhà Đinh. Thời phong kiến thì 2 tội ấy rất to.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau?”
Lê Văn Hưu nói: “Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.”
Năm Quí Tị, nhà Tống sách phong cho vua Đại Hành làm Giao chỉ quận vương rồi năm Đinh Dậu (997) là Nam Bình Vương. Đến lúc vua mất, các hoàng tử tranh nhau ngôi, đánh nhau trong 7 tháng. Khi Long Việt vừa lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Đĩnh giết chết.
______
Có lẽ vì thấy Lê Hoàn có công đánh ngoại xâm mà các chính sử đã bỏ qua các tội lỗi khác của ông, đưa toàn hình ảnh đẹp Lê Hoàn là vậy.
_______
Nguồn tra cứu:
– Đại Việt sử ký toàn thư.
– Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX.
– Việt Nam sử lược.
– Ảnh minh họa: Việt sử giai thoại.