NHẬT KÝ NỮ PHÁP Y – HOA TUY-LIP MÀU XANH (PHẦN 1)

Nạn nhân lớn tuổi với nhiều nhát dao trên người, thi thể máu me be bét trong phòng làm việc sang trọng được xác nhận là bị người khác giết, hiện trường vụ án xuất hiện dấu vân tay của con gái nạn nhân đã tự tử chết cách đây hai năm. Trước mộ mẹ đẻ của bác sĩ pháp y Đội Hình sự xuất hiện một bó hoa tuy-lip màu xanh lam bí ẩn, người bố chưa từng nhúng tay vào công việc đột nhiên đến thăm dò tình hình vụ án, có điều muốn nói nhưng lại thôi. Ân oán vướng mắc được lột bỏ từng lớp, chân tướng càng ngày càng gần……

1.

Tiết Thanh Minh năm 2014. Trời âm u.

Nghĩa trang Lý Lăng Viên thành phố Sở Nguyên.

Nếu không phải phía nhà xuất bản thúc giục, có lẽ câu chuyện này sẽ mãi không ra đời, bởi nó ghi chép lại những chuyện trong quá khứ có liên quan đến bố tôi, những chuyện tuy đã xảy ra từ rất lâu song vẫn không thể động đến, một khi động đến sẽ đau thấu tâm can.

Ở cuốn sách trước có nhắc đến, bố tôi từng là Trưởng phòng Nghiên cứu trực thuộc Văn phòng Cảnh sát tỉnh, hiện đã về hưu. Mẹ tôi đã qua đời vì bệnh được nhiều năm, tro cốt của bà ấy được chôn cất tại nghĩa trang Lý Lăng Viên cách trung tâm thành phố 20km.

Hàng năm, vào tiết Thanh Minh và ngày giỗ mẹ, tôi và bố đều đến mộ phần của bà ấy để quét dọn. Nhưng tiết Thanh Minh năm nay lại xảy ra một chuyện kỳ lạ.

Từ xa mấy mét, tôi và bố đã nhìn thấy một bó hoa tuy-lip đặc biệt được đặt trước bia mộ của mẹ. Nói đặc biệt, vì nó có màu xanh đậm, xanh đến hóa đen, khiến người khác phải hoài nghi màu của nó là được nhuộm.

“Thật là quá đáng.” Tôi lẩm bẩm một câu.

Sở Nguyên là nơi sản xuất hoa tuy-lip lớn nhất cả nước, nghe nói còn đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hà Lan, năm nay có quá nhiều xếp hạng [Thứ nhất], thật giả sẽ không bàn đến nữa, tạm thời cứ cho nó là thật đi. Tuy nhiên, lễ hội hoa tuy-lip ở đây vào tháng 4 hàng năm lại là đại tiệc của những bông hoa hàng thật đúng giá. Bắt đầu từ 1994, lễ hội hoa tuy-lip ở Sở Nguyên đã trải qua được 20 năm, gần hai nghìn mẫu đất và hàng triệu đóa hoa tuy-lip đã thu hút hàng triệu người yêu hoa từ khắp nơi trên thế giới. Cánh đồng hoa tuy-lip như những nốt nhạc bay bổng, chồng chéo đan xen, dệt nên một bản nhạc đầy màu sắc, hòa thành một biển hoa. Lúc này trong lòng ai cũng vui, người trồng hoa vui vì một vụ mùa bội thu, người ngắm hoa vui vì bữa tiệc thị giác này.

Nhưng loại hoa tuy-lip màu xanh đậm kia, dù ở nơi sản xuất hoa tuy-lip lớn nhất cũng rất hiếm gặp. Trước đây tôi cũng chỉ thấy đúng một lần.

Lần trước nhìn thấy nó là vào tiết Thanh Minh, cũng là ở trước mộ của mẹ.

Khi ấy tôi tưởng ai đó đặt nhầm nên không quá để ý. Nhưng năm nay, bông hoa tương tự lại xuất hiện ở đây, khiến người ta không thể không hoài nghi.

Tôi nhìn xung quanh, ở hai bên mộ của mẹ, đều có dấu vết của người đến cúng bái. Tôi đột nhiên nhớ đến hai người phụ nữ mình gặp ở sườn núi lúc leo lên đây, khi đó tôi còn liếc mắt nhìn họ, nghĩ bụng cô gái này trông thật xinh đẹp.

Hai người đó trông như mẹ con. Bộ dạng của người mẹ tôi không nhớ rõ nữa, hình như là một người đàn bà khí chất sang trọng. Bộ dạng của cô con gái thì tôi lại nhớ như in.

Cô gái đó mặc áo khoác trắng và quần bò, sạch sẽ không chút phấn son, mái tóc dài dày như rong biển, khiến cô ấy toát lên hơi thở xinh tươi thuần khiết. Làn da trắng như ngọc ngà, trông hơi uể oải, nhợt nhạt. Gương mặt trong trẻo, lông mày nhạt, sống mũi thẳng, bờ môi hồng phớt, trong ánh mắt điềm tĩnh của cô ấy phảng phất một thứ tình cảm sâu lắng như đại dương không đáy, nhưng con ngươi lại vô cùng lạnh nhạt.

“Là hoa của hai người phụ nữ đó đặt sao?” Tôi nói, “Họ quen mẹ hả bố?”

“Hai người phụ nữ nào?” Bố tôi không hiểu.

“Là hai người mà chúng ta gặp lúc leo núi ấy.”

Sắc mặt của bố hơi mất tự nhiên: “Làm gì có chuyện? Chẳng quen biết gì, sao lại đặt hoa trước mộ mẹ con chứ, đừng có nghĩ lung tung.”

Tôi tự nhủ: “Đợi đến tiết Thanh Minh năm sau, mình sẽ núp ở đây từ sớm xem sao? — Nhất định phải tìm ra được người đến cúng hoa, vô duyên vô cớ, không nên làm như vậy.”

Bố dùng ánh mắt hoài nghi liếc nhìn tôi.

Tôi nói: “Con nghi, bó hoa này vốn dĩ để cúng cho hai ngôi mộ bên cạnh.”

Bố tôi không đáp lại, chỉ lắc đầu.

Tôi nói: “Là hai người phụ nữ đến dọn mộ kia đã đặt nó sang mộ của mẹ.”

“Sao có chuyện như thế được.” Bố tôi căn bản không tin.

“Có đấy bố,” Tôi đáp, “Nhất định phải tìm ra người đó. Bất luận là thiện ý ác ý hay vô ý, làm như vậy là không thể chấp nhận được.”

2.

Ngày 8 tháng 5 năm 2014. Trời quang.

Tập đoàn Ascendas.

Một tháng sau.

Hiện trường án mạng là một văn phòng làm việc vô cùng xa hoa. Trong phòng được lắp đặt nhà vệ sinh, phòng họp, bốn vách tường xung quanh treo không ít những tranh chữ của các văn nhân mặc khách từ cổ chí kim. Ở một bên vách tường của văn phòng, ẩn giấu một cánh cửa ngầm bí mật, bên trong là buồng ngủ được trang trí đẹp đẽ. Vách tường mạ vàng, bậc đá cẩm thạch, thảm trải sàn đắt đỏ, tượng đá ngọc, ghế so-fa màu tím đậm, đèn chùm pha lê phản chiếu ánh sáng rực rỡ, một lư hương to đùng nghi ngút khói hương được đặt trên mặt bàn làm việc.

Mấy chiếc ghế so-fa màu nâu bằng da thật vây quanh chiếc bàn trà bằng gỗ đàn hương, trên mặt bàn được đặt hai chiếc cốc thủy tinh tinh xảo, bên trong chứa trà xanh đã được uống một nửa, dường như vẫn còn phảng phất hương thơm.

Một cái xác nằm xấp trên mặt đất.

Ông ta từng là chủ nhân của căn phòng làm việc xa hoa này.

Thi thể có mái tóc hoa râm, thân hình mập mạp, rõ ràng là một người lớn tuổi. Trên người ông ta có một vũng máu lớn đã đông cứng. Nhìn bằng mắt thường, có thể thấy trên lưng nạn nhân có mười mấy vết thương, máu me be bét. Không có hung khí ở hiện trường.

Sắc mặt của Thẩm Thư vô cùng nghiêm nghị, thấy tôi bước vào, không thèm hỏi han, đi thẳng vào vấn đề: “Đã chứng thực nạn nhân là Đổng Văn Bằng, chủ tịch tập đoàn Ascendas, bộ phận kỹ thuật điều tra đang khám xét hiện trường để thu thập bằng chứng, chỉ có vết chém sau lưng là vết thương ngoài chí mạng. Thi thể chưa bị động vào, đợi cô đến giám định.”

Hiện đang là 3 giờ 45 phút sáng, tôi vội vã rời khỏi nhà, đầu bù tóc rối, hai mắt lim dim, trên đường đi cố gắng điều chỉnh bản thân ở trạng thái làm việc.

Sau khi kỹ thuật viên chụp một vòng phần mặt, cổ, thân trước, thân sau, hai tay, hai chân, đỉnh đầu, lòng bàn chân của thi thể để cố định trạng thái ban đầu của xác chết, tôi mới bắt đầu giám định lớp ngoài tử thi. Mục đích giám định lớp ngoài tử thi là để tìm hiểu tổn thương trên bề mặt tử thi, đồng thời thu thập những manh mối và dấu vết có thể còn sót lại trên tử thi.

Vết thương mà thi thể nhận phải vừa nhìn là biết, công tác giám định không hề phức tạp.

Vết thương sau lưng thi thể do vật nhọn gây ra, tổng cộng 17 vết, trong đó có 11 vết chí mạng. Thông thường mà nói, vật nhọn và dài đâm vào cơ thể, sẽ hình thành vết đâm. Loại công cụ sắc bén như vậy có thể là lưỡi lê, dao găm, lê ba cạnh, dao nhỏ, chọc tiết lợn, kiếm,… Đặc trưng của vết đâm là miệng vết thương trên bề mặt nhỏ, ăn sâu vào mô, sức tàn phá lớn. Hình thái miệng vết đâm, có quan hệ mật thiết với hình thái mặt cắt ngang của bộ phận vật nhọn đâm vào.

Tôi vừa giám định thi thể, vừa báo cáo cho Thẩm Thư: “Dựa vào nhiệt độ phòng và độ cứng của thi thể để phán đoán, thời gian tử vong trong khoảng 5 đến 8 tiếng đồng hồ. Hung khí là một vật có lưỡi nhọn, vết đâm hình tam giác, mép vết thương một bên cùn một bên bén, theo phân tích là dao găm một lưỡi. Xung quanh miệng vết thương và mép vết thương có biểu bì bong tróc, phán đoán bề mặt hung khí sần sùi, có lẽ là một vật sắc nhọn kiểu cũ. Gần miệng vết thương có một dải xuất huyết nhẹ dưới da. 17 vết thương đều ở vai và lưng của nạn nhân, có thể xác định là bị người khác giết hại.”

Thẩm Thư cau mày, thi thoảng đáp lại một tiếng để thể hiện mình đang chăm chú lắng nghe. Vết thương ngoài của thi thể này đã rõ ràng, kết quả giám định chẳng qua chỉ để xác nhận, không giúp ích quá nhiều cho công tác làm án.

Danh tính của nạn nhân vô cùng nhạy cảm. Tập đoàn Ascendas là một doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, chuyên sản xuất hàng may mặc dệt kim, áo thun cổ bẻ, áo phông, áo ngủ,… Có thể coi Ascendas là một doanh nghiệp tiêu chuẩn và có quy mô lớn nhất trong ngành dệt may của Sở Nguyên, lợi nhuận và thuế lớn. Đổng Văn Bằng lại càng là một nhân vật có sức ảnh hưởng trong thành phố, gần như ngày nào cũng xuất hiện trên sóng truyền hình. Người có thân phận như vậy bị giết trong phòng làm việc, chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm sự chú ý của giới quan chức và truyền thông.

3.

Sáng ngày 8 tháng 5 năm 2014. Trời quang.

Đội Cảnh sát hình sự thành phố Sở Nguyên.

11 giờ 30 phút sáng, Thẩm Thư chủ trì mở cuộc họp phân tích tình hình vụ án. Hội nghị thông báo, Đổng Văn Bằng đã bị giết hại trong khoảng thời gian từ chiều đến đêm ngày 7 tháng 5, trong một khách sạn căn hộ trên đường Đại Nam được sử dụng làm nơi làm việc. Trên mặt bàn uống nước ở hiện trường án mạng có hai cốc thủy tinh, đều chứa trà xanh đã được uống một nửa, chứng tỏ từng có khách tới thăm. Mà thân phận của vị khách này không rõ ràng, vô cùng đáng nghi.

Phát hiện cái chết của Đổng Văn Bằng là con gái ông ta, tên Đổng Khanh. Thông thường, nếu Đổng Văn Bằng làm tăng ca ở công ty hoặc ra ngoài tiếp khách, đều sẽ gọi điện báo về nhà. Tôi hôm đó, bà vợ Lý Văn Huệ của Đổng Văn Bằng đợi mãi mà không thấy tin tức gì của chồng, điện thoại thì chẳng bắt máy. Lý Văn Huệ ruột gan như lửa đốt, nhưng biết Đổng Văn Bằng không thích bà ấy nhúng tay vào chuyện làm ăn, bèn nhờ cô con gái Đổng Khanh đi xem thế nào. Đổng Khanh đến trụ sở công ty trước, phát hiện mọi người đã về hết, lại chạy đến nơi làm việc ở khách sạn căn hộ trên đường Đại Nam thì phát hiện điều bất thường. Lúc đó, cửa phòng khóa chặt, cô mới gọi nhân viên quản lý dùng chìa khóa dự phòng để mở cửa, trông thấy cảnh tượng thê thảm liền la lên thất thanh.

Tôi trình bày kết quả giám định thi thể cho các điều tra viên tham gia cuộc họp thảo luận về tình hình vụ án:

Sở Cảnh sát thành phố Sở Nguyên

Trung tâm Kỹ thuật giám định hình sự

Giám định thi thể số x ngày 8 tháng 5 năm 2014

1, Đơn vị ủy thác: Chi đội Cảnh sát hình sự thành phố Sở Nguyên.

2, Thời gian ủy thác: Ngày 8 tháng 5 năm 2014.

3, Hạng mục ủy thác: Tiến hành phân tích đối với thi thể nạn nhân được gửi đến.

4, Đối tượng giám định: Đổng Văn Bằng, nam, 64 tuổi, chủ tịch tập đoàn Ascendas thành phố Sở Nguyên.

5, Tư liệu giám định: Thi thể nam giới.

6, Thời gian giám định: Ngày 8 tháng 5 năm 2014.

7, Địa điểm giám định: Trung tâm Giám định tư pháp kỹ thuật hình sự thành phố Sở Nguyên; Hiện trường nạn nhân tử vong.

8, Khái quát tình hình vụ án:

23 giờ ngày 7 tháng 5 năm 2014, người nhà Đổng Văn Bằng không liên lạc được với ông ấy, đến phòng làm việc để tìm, phát hiện ông ta đã tử vong.

9, Quá trình giám định:

Giám định tử thi: Có một vết thương dài 30 cm ở khoang liên sườn thứ tư ở lưng trái của nạn nhân, vết thương một bên cùn một bên bén, tim bị đâm thủng, có khoảng 2000 ml máu và cục máu đông ở trong khoang ngực. Trên vai và sau lưng có 17 vết thương do vật sắc nhọn gây ra, miệng vết đâm hình tam giác, xung quanh miệng và mép vết thương có biểu bì bong tróc, phán đoán bề mặt hung khí sần sùi, gần miệng vết thương có một dải xuất huyết nhẹ dưới da.

Giám định hiện trường: Có một vũng máu kích thước 60 cm x 4 cm trên mặt đất ở hiện trường, độ dày vũng máu trong khoảng 02 ~ 05 cm.

10, Kết luận giám định:

Đổng Văn Bằng bị người khác dùng dao găm một lưỡi đâm vào ngực, gây ra vết thương hở vùng ngực, làm thủng tim, xuất huyết cấp tính dẫn đến tử vong.

Người báo cáo giám định: Thục Tâm

Trung tâm Giám định tư pháp Đội Kỹ thuật hình sự Sở thành phố Sở Nguyên

(Đóng dấu báo cáo giám định tư pháp)

Ngày 8 tháng 5 năm 2014.

Thẩm Thư đọc qua báo cáo giám định thi thể cho các điều tra viên, nói: “Theo những gì nắm được trước mắt, những người biết văn phòng làm việc thứ hai của Đổng Văn Bằng không nhiều. Khi Đổng Văn Bằng tử vong, căn phòng đang ở trạng thái khóa kín, ngoại trừ chìa khóa dự phòng, bản thân Đổng Văn Bằng có một chìa, trong két sắt của công ty có một chìa, tổng cộng là ba chìa. Vì là cửa khóa điện tử, nên có thể loại trừ khả năng hung thủ dùng chìa khóa khác, và cửa phòng cũng không có dấu hiệu bị cạy phá. Cho nên, vấn đề nằm ở chỗ — Đâu là chiếc chìa khóa cuối cùng mở cửa phòng?”

“Đương nhiên, có thể cho rằng, hung thủ là những người xung quanh ba chiếc chìa khóa này, hoặc là người có cơ hội lợi dụng chiếc chìa khóa. Số lượng những người này rất có hạn. Tuy nhiên, từ lúc xảy ra vụ án đến giờ, chúng ta đã điều tra tất cả những người có cơ hội tiếp xúc với chìa khóa, nhưng họ đều có chứng cứ ngoại phạm.”

Khả Hân tiếp lời: “Trên cốc nước tại hiện trường còn lưu lại dấu vân tay của khách, chúng ta có thể căn cứ vào đây để dễ dàng tìm ra đối tượng tình nghi. Nhìn vào hình dạng mảnh mai của dấu vân tay, khả năng chủ nhân của nó là nữ giới. Nhưng tôi và các điều tra viên đã thu thập mẫu vân tay của người nhà và những người có quan hệ xã hội với Đổng Văn Bằng, vẫn chưa phát hiện ra dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay ở trên cốc trà. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là hung thủ không nằm trong số những người có thể tiếp xúc được với chìa khóa phòng. Đó là vấn đề khó nhằn nhất tính đến thời điểm hiện tại.” Sau khi tiến vào hiện trường, Khả Hân đã làm theo lệnh của Thẩm Thư, thu thập dấu vân tay ở trên cốc trà, đồng thời triển khai một loạt những công tác điều tra, tuy nhiên kết quả lại không được lạc quan.

Điều tra viên lão Lữ là người có thâm niên, nói năng rất ít kiêng nể, tiên phong đặt câu hỏi: “Toàn bộ dấu vân tay của những người có liên quan đã thu thập hết chưa?”

Câu hỏi lộ ra sự không tín nhiệm, nhưng Khả Hân chẳng hề bận tâm: “Tất cả dấu vân tay của những người có liên quan đều đã được thu thập, bao gồm dấu vân tay của người nhà Đổng Văn Bằng, thậm chí cả những nhân viên sửa chữa ra vào phòng làm việc của ông ta cũng không bỏ lọt. Dù thế, vẫn không có bất cứ một phát hiện nào.”

Thẩm Thư bổ sung thêm: “Thân phận của Đổng Văn Bằng rất đặc biệt, khách sạn căn hộ nằm trên đường Đại Nam cũng kín đáo, cho nên những ai có thể ra vào phòng làm việc và được Đổng Văn Bằng tiếp đãi, nhất định phải có mối quan hệ không bình thường với ông ta. Ngoài ra, còn một điểm đáng ngờ nữa, thông thường mà nói, cốc mà khách đến chơi dùng, đáng lẽ phải lưu lại dấu môi, nhất là khi vị khách đó là nữ.”

Khả Hân bổ sung: “Trên cốc thủy tinh không có dấu môi, dường như có dấu vết bị lau chùi. Điều này thật khiến người ta phải suy nghĩ, hung thủ đã lau dấu môi, nhưng lại không lau dấu vân tay.”

Cuộc họp diễn ra đến tận trưa, Thẩm Thư để mọi người đến nhà ăn dùng bữa. Đồ ăn ở nhà ăn Đội Hình sự cũng khá ổn, tuy rằng đầu bếp đôi lúc lại có suy nghĩ khác người, làm mấy món [Ẩm thực hắc ám], chẳng hạn như khoai tây rút dây, trứng gà xào chuối,… Nhưng tổng thể mà nói thì khẩu vị cũng tạm được.

Ăn xong, Thẩm Thư bảo tôi đi cùng cậu ấy đến nhà Đổng Văn Bằng một chuyến.

4.

Chiều ngày 8 tháng 5 năm 2014.

Nhà Đổng Văn Bằng.

Nhà Đổng Văn Bằng nằm ở ngoại ô phía Nam thành phố Sở Nguyên, chiếm diện tích hơn 3 mẫu đất, hai căn biệt thự tọa lạc chính giữa sân, rường hoa xà chạm, đình đài lầu gác, trông như một trang viên thời xưa. Tôi trộm nghĩ, chủ nhân của căn biệt thự này, liệu có phải rất mong được trở về xã hội cũ, để khoe khoang và bóc lột một cách quang minh chính đại hay không.

Sau khi gặp vợ con Đổng Văn Bằng, tôi vô cùng kinh ngạc, không ngờ họ chính là hai cái người mà tôi gặp trước mộ mẹ vào tiết Thanh Minh. Thì ra họ là vợ con của Đổng Văn Bằng, bà mẹ tên Lý Văn Huệ, con gái tên Đổng Khanh.

Họ không có chút ấn tượng gì với tôi. Cũng phải thôi, một người qua đường, ai mà nhớ rõ được cơ chứ? Còn tôi nhớ họ, một là do quan hệ nghề nghiệp, được huấn luyện nhận diện khuôn mặt; Hai là tình cảnh ngày hôm đó đặc biệt, cộng thêm việc trước ngôi mộ của mẹ tự dưng xuất hiện một bó hoa tươi, nên tôi mới nhớ lại bộ dạng của hai người đó; Vẫn còn một nguyên nhân nữa là Đổng Khanh trông rất xinh đẹp.

Lúc này tôi quan sát họ ở cự ly gần, phát hiện ngũ quan của Đổng Khanh và Lý Văn Huệ gần như y hệt nhau. Lý Văn Huệ vốn cũng là một mỹ nhân, tiếc là thân hình hơn thấp và mập mạp, lại không trang điểm mấy, đứng bên cạnh cô con gái tỏa sáng ngời ngời, bỗng trở nên mờ nhạt.

Hai mẹ con không hề tỏ ra chống đối trước việc tôi và Thẩm Thư đến nhà, thái độ cũng rất thành khẩn, tuy đang đắm chìm trong nỗi đau mất chồng mất cha, thi thoảng lại nghẹn ngào không thốt nên lời, những vẫn hỏi gì đáp nấy. Có thể nghe ra mối quan hệ hòa thuận giữa họ và Đổng Văn Bằng, tình cảm vợ chồng và tình cảm cha con đều rất nồng hậu, không có dấu hiệu ngăn cách hay xa lạ.

Bọn họ rủ rỉ kể lại quá trình lập nghiệp của Đổng Văn Bằng, trong ngữ khí có sự hoài niệm, lưu luyến, bi thương.

Lý Văn Huệ kể, ba mươi mấy năm về trước, Đổng Văn Bằng vừa mới tốt nghiệp Đại học, đúng vào thời kỳ biến cách chưa từng có của Trung Quốc. Thói đời trong chán ngoài thèm, Đổng Văn Bằng và Dương Chiêu – bạn thân hồi Đại học, đã hợp tác với nhau và chọn cách tự kinh doanh. Ngành công nghiệp Sở Nguyên lúc đó đang phát triển rầm rộ và dồi dào sức sống. Mới đầu, hai người họ cùng mấy người thợ may sống chung trong một căn trọ rộng chưa tới 40 m2. Ban ngày, trước đêm, ông ta là một công nhân là quần áo vất vả, làm một lúc cho ba xưởng may; Đến khi trời tối mịt mới trở về tổ, ngủ mê mệt. Ba năm sau, hai cậu thanh niên Đổng – Dương đã trở thành những thợ may lành nghề. Năm đó, bọn họ đã mở một xưởng may nhỏ, tiếp tục lấy công việc vất vả để mưu sinh. Sau 10 năm phấn đấu, tập đoàn Ascendas được thành lập, Đổng Văn Bằng làm chủ tịch, Dương Chiêu làm giám đốc điều hành. Sau hơn 30 năm phát triển, tập đoàn Ascendas đã và đang từng bước phát triển trong lĩnh vực may mặc, không chỉ được một số nhãn hàng quốc tế chọn làm nhà sản xuất OEM, mà còn có thương hiệu bán lẻ cho riêng mình. Hai người bạn thân lần lượt lấy vợ sinh con. Đổng Văn Bằng lấy Lý Văn Huệ, đẻ con gái là Đổng Khanh. Dương Chiêu thì lấy Vương Chiều Hà, đẻ con trai là Dương Văn Di, hiện đã đi du học châu Âu trở về, giữ chức giám đốc tài chính của tập đoàn.

Trên vách tường nhà Đổng Văn Bằng, treo một tác phẩm thư pháp mà Dương Chiêu tặng, đại khái có thể giải thích cho nửa đời gặp gỡ và một đời tình nghĩa của hai huynh đệ: Thành bại và ngày đêm, âu lo và thư thái, yên tĩnh và náo nhiệt, đều là nội tâm siêu thoát, thuận theo lẽ tự nhiên.

Ai có thể ngờ, Đổng Văn Bằng phấn đấu một đời, nhưng đến khi công thành danh toại, tuổi đã ngoài 60 lại gặp phải tai bay vạ gió, khiến người ta không khỏi nghẹn ngào.

Lý Văn Huệ kể lại quá trình lập nghiệp của chồng, lại lấy ra mấy tờ báo đã ố vàng cho tôi và Thẩm Thư xem: “Đây đều là những bài báo viết về ông nhà tôi ở những thời kì khác nhau, ghi chép lại quá trình phấn đấu của ông ấy.”

Tôi lật giở mấy tờ báo, bên trên có in ảnh Đổng Văn Bằng và Dương Chiêu hồi còn trẻ. Đổng Văn Bằng hồi đó rất gầy gò, khí thế hừng hực, bộ dạng của Dương Chiêu thì già hơn một chút. Tôi đột nhiên ngờ ngợ, sao trông họ hồi trẻ lại quen thế nhỉ, mình đã từng gặp ở đâu rồi sao?

Lúc sắp cáo từ, tôi vờ như vô ý hỏi: “Đổng Khanh, hôm Thanh Minh có phải cô đã đến nghĩa trang Lý Lăng Viên đúng không?”

Đổng Khanh ngớ người, đáp: “A — Đúng vậy, tôi đi cùng mẹ, sao cô lại biết?” Tôi nói: “Vì tôi đã bắt gặp hai người ở dưới chân núi, mộ của mẹ tôi ở đó. Kể cũng lạ, đã hai năm liên tiếp rồi, trước mộ bà ấy lúc nào cũng xuất hiện một bó hoa tuy-lip màu xanh, không biết là ai đặt ở đó, là trò đùa ác ý hay gì.” Tôi vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào Đổng Khanh, quan sát phản ứng của cô ta.

Đổng Khanh không hề đề phòng, đáp: “À, là tôi để ở đó, thật là xin lỗi cô. Tại tôi thấy trên mộ mẹ cô không có hoa tươi, nên tiện tay đặt một bó, không ngờ lại gây phiền toái cho cô, tôi vô cùng xin lỗi. Kể ra cũng thật trùng hợp, mộ của mẹ cô và mộ của người nhà tôi lại ở sát cạnh nhau.” Nhìn phản ứng của Đổng Khanh, không có chút mưu mô nào, không giống như đang nói dối.

Tôi cố làm ra vẻ độ lượng, nói: “Tôi biết vậy là được rồi, cũng chẳng có gì to tát, nói cho cùng do chúng tôi dọn mộ hơi muộn, làm cô tưởng nhầm là mộ của mẹ tôi không có ai chăm sóc. Thế mộ nhà cô là của ai vậy?”

Đổng Khanh buồn bã đáp: “Là của chị gái của tôi, chị ấy mất được hai năm rồi, do tự sát.”

“Khanh Khanh,” Lý Văn Huệ ngăn không cho cô ấy nói tiếp, “Cái gì không liên quan đến vụ án của bố thì đừng nói.”

Không ngờ Đổng Khanh lại có một người chị, hơn nữa còn tự sát vào hai năm trước — Điều đó khiến đầu óc tôi đảo lộn, nhưng vẫn làm ra vẻ không quan tâm, tôi thấy Lý Văn Huệ có vẻ giữ chuyện này kín như bưng, nên không hỏi thêm nữa, tránh gây kích động đến vết thương lòng của bà ta. Tôi nghĩ, việc chị Đổng Khanh tự sát không phải là chuyện nhỏ, trở về Sở kiểu gì cũng tìm ra manh mối.

Thẩm Thư để lại danh thiếp của mình, dặn dò họ nếu nhớ ra ai hay chuyện gì, phải kịp thời liên hệ với cảnh sát, hai bên hợp tác mới có thể mau chóng bắt được hung thủ, rửa oan cho Đổng Văn Bằng.

[Còn tiếp]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *