Từ công binh thành phóng viên chiến trường
Chúng tôi về thăm ông Nguyễn Thế Viên (94 tuổi, trú xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) trong không khí kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nay râu tóc đã bạc phơ nhưng ông Viên vẫn rất minh mẫn và say mê kể về nghề báo. Lần giở những bức hình kỷ niệm, ông Viên cho biết, đến với nghề báo làm một phóng viên chiến trường như một cái duyên.
Năm 1951, sau khi học xong phổ thông ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong rồi hành quân ra Bắc. Vốn mê viết lách từ nhỏ nên ngày ông cùng đồng đội đi phá đá mở đường, đêm về lại tranh thủ viết về công việc mở đường, những tấm gương trong đơn vị gửi cho Báo Cứu quốc.
Năm 1953, ông được chuyển về Trung đoàn 6, Sư đoàn 312, mặt trận Điện Biên Phủ. Đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của ông Viên.
Tại đây, ông Viên đã viết bài “tốc ký” đội công binh phá thác trên sông Nậm Na. Bài “tốc ký” được viết ngay trên những mảnh giấy nhàu nát từ vỏ bao thuốc lá. Sau đó, bài báo được đăng tải trên tờ Tin tức Mặt trận và nhận được nhiều lời khen. Sau bài báo này, ông được Sư đoàn 312 điều động về làm phóng viên cho tờ Tin tức Mặt trận.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, phóng viên chiến trường như ông chỉ có cái bút và tập giấy. Ông Viên cầm bút lăn lộn hầu khắp các chiến trường, bám sát trận địa để kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
Nhặt bao thuốc để viết, suýt mất mạng
Ông Viên chia sẻ, gian nan nhất đối với phóng viên chiến trường là thiếu giấy để viết. Lúc đó ông thường sử dụng những tờ giấy đã viết ngâm vào nước để tẩy trắng rồi phơi khô sử dụng lại. Những vỏ bao thuốc lá nhặt được trên chiến trường cũng được ông Viên dùng viết tin tức.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Viên được cử đi đào tạo 18 tháng lớp Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kết thúc khóa đào tạo, ông Viên được điều về làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm báo của ông Nguyễn Thế Viên là 3 lần đi theo Bác Hồ để đưa tin. Đó là những lần Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, về thăm xã Vĩnh Thành và chỉ đạo chống úng ở Hải Dương. Mỗi lần như thế đều để lại cho ông một kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là những lời dặn dò của Bác, làm hành trang và động lực cho sự nghiệp cầm bút của ông.
Năm 1974, khi ông Viên gắng tiến sát để chụp ảnh chiếc máy bay bị cháy tại trận đánh ở đèo An Khê, tỉnh Bình Định thì bị địch bắn pháo. Lúc đó, ông bị pháo nổ làm hỏng một mắt, quai hàm bị gãy, toàn bộ máy ảnh và các tư liệu bị vỡ. Trọng thương, ông Viên phải lui về khu vực hậu chiến điều trị.
Nghề báo – không khái niệm nghỉ
Năm 1986, ông Viên nghỉ hưu, trở về quê hương. Để nuôi sống bản thân và gia đình, ông nhận 1ha đất hoang rồi cải tạo trồng cây, đào ao thả cá. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, ông vừa tranh thủ thời gian làm thơ, viết báo gửi đăng trên nhiều báo, tạp chí từ trung ương tới địa phương để thỏa niềm đam mê của mình.
Ở cái tuổi 94, ông vẫn đi và say viết. Ông vẫn rất đam mê nghề báo, cái nghề đã thấm vào máu, không thể dứt được. Sức khỏe cũng không còn tốt như trước, tuy nhiên ông Viên vẫn tự đặt cho mình một “định mức” là viết ít nhất 4 bài báo mỗi tháng. Bài viết của ông chủ yếu xoay quanh những cựu chiến binh, nông dân làm kinh tế giỏi trong vùng.
Không sử dụng được máy tính, ông miệt mài viết bài ra giấy như hồi còn ở chiến trường rồi đóng vào bì thư, hoặc nhờ con cháu viết lại trên máy tính rồi gửi tới một số tòa soạn. Với ông, còn đi là ông sẽ còn viết, còn say với nghề báo và ông sẽ vẫn tiếp tục viết và viết…