Tôi ngồi trước hiên nhà vào thứ tư, chỉ còn vài phút nữa là đến nửa đêm. Tôi sẽ không nhận được tờ Nhật Báo Bán Dạ nào vào đêm nay…nhưng hầu hết mọi người trong khu phố của tôi sẽ nhận được. Và nếu họ đọc nó, bất kì tờ báo nào cũng có thể trở thành sự thật. Tôi không biết liệu mọi bản sao của tờ Nhật Báo Bán Dạ có cùng một nội dung hay liệu mỗi tờ sẽ có thông tin khác nhau rồi chúng sẽ đồng loạt trở thành hiện thực, trong cùng một khung thời gian.
Tôi cũng không có ý định tìm hiểu.
Chuông điện thoại của tôi reo lên, báo thức giờ đã là 11:59. Tôi phóng nhanh sang nhà bên cạnh chỉ để rồi sững người. Tôi không định can thiệt vào quá trình vận chuyển vì chính tôi đã tự rút ra được bài học cho mình. Giờ đây, tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo, một kẻ đứng giữa tờ Nhật Báo Bán Dạ và người nhận chỉ định của nó. Không hiểu sao nhưng tôi có cảm giác rằng bất kì thực thể hay hệ thống phân phối nào đó của tờ báo này sẽ không vui vẻ gì mấy trước sự hiện diện của tôi.
Vì thế nên tôi đợi thêm một phút. Tôi thấy ánh sáng trước hiên nhà hàng xóm khẽ nhấp nháy, tắt dần rồi tắt hẳn. Sau đó, tôi nháy mắt và nó đã sáng trở lại, hoàn toàn bình thường như chưa hề có gì xảy ra. Không có gì khác biệt so với nơi tôi đang đứng nhưng hơn ai hết, tôi người hiểu rõ chuyện gì vừa xảy ra. Nơi đó đã khác, một thứ khác biệt không thể giải thích, một thứ khác biệt không thể thay đổi. Một thứ gì đó đã xuất hiện trên tấm thảm chào mừng của người hàng xóm kề tôi và nó có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời của anh ấy mãi mãi.
Tôi thận trọng đi về phía tấm thảm chào mừng của họ và nhìn qua khung cửa sổ tối tăm xem có chuyển động hay ánh sáng nào không. Tôi biết rằng tờ Nhật Báo được giao đến luôn đi kèm ba tiếng gõ cửa, có nghĩa là gõ vào màn chống muỗi hay gì đó trước cửa nhà họ. Nếu anh ấy bị đánh thức bởi tiếng động vừa rồi thì đoán xem ai sẽ bị phát hiện khi thập thò trước cửa nhà người ta nào.
Tôi bước vài bước cuối cùng, vài bước qua ranh giới ngăn cách giữa việc có một buổi tối bình thường và một buổi tối phạm pháp. Tôi cũng sắp vượt qua một ranh giới khác nếu kế hoạch lần này thành công.
Ở đó, ngay trên tấm thảm sờn rách đến mức có thể đếm được còn bao nhiêu sợi vải, xuất hiện một bọc giấy màu đen. Tờ Nhật Báo Bán Dạ. Không hề do dự, tôi đã hành động hệt như thể bó giấy trước mặt mình chứa thuốc nổ hay gì đó.
Tôi lao tới, vươn tay và toan nắm chặt lấy tờ báo trong một nốt nhạc. Tôi kéo tay mình lên. Hạ xuống rồi lại kéo lên lần nữa. Có lẽ do tôi lú lẫn hay tưởng tượng ra nó rồi chăng? Có lẽ tôi quên không khép tay lại, có lẽ dây thần kinh của tôi tự đánh lừa và…không. Đôi mắt tôi không lừa tôi tẹo nào. Tay tôi trống không. Tôi lại vớ lấy tờ báo với tốc độ chậm hơn rất nhiều, đảm bảo rằng các ngón tay của tôi hạ xuống gần tấm thảm hết mức có thể. Tôi tập trung, hướng những ngón tay run rẩy của mình về phía bó giấy mày đen, vạch ra trong đầu quỹ đạo di chuyển các thứ như thể lần đầu tiên được chạm vào nó…nhưng rồi ngón tay tôi lại lướt qua, đi xuyên qua tờ báo. Như thể đó chỉ là đánh lừa thị giác, như thể đó chỉ là một cái bóng không hơn không kém.
Tôi bắt đầu rút lui, gần như là bay ra khỏi hiên nhà hàng xóm và trở về vùng an toàn từ nhà bố mẹ tôi.
Nó không cho phép tôi lấy nó. Nó không cho phép tôi lấy nó. Nó không cho phép tôi lấy nó. Và tôi cũng khá hiểu được lí do tại sao: tờ Nhật Báo Bán Dạ đó không dành cho tôi, nó dành cho vị hàng xóm của tôi.
Tôi gục xuống chiếc ghế của bố trong phòng làm việc. Trước mặt tôi là mục tiếp theo trong cuốn bút kí. Tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu về nó nhiều hơn…vì bố từng bảo rằng ông ấy đã tìm ra cách để ngăn nó lại. Nhưng điều quan trọng nhất bây giờ là tôi phải đọc tiếp vì bố vẫn “chưa” thật sự dừng được tờ báo đó.
Sau đây là một phần khác trong quyển bút kí viết tay của bố tôi:
\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\
Ta đã vượt qua được trận chiến ở Việt Nam. Bằng cách thần kì nào đó. Chuyện này có lẽ không có ý nghĩa gì lắm với những ai đang đọc quyển bút kí này nhưng với ta thì có. Ta đã tiếp xúc với những người lính trẻ tuổi thông minh hơn ta, giỏi hơn ta, “vượt trội” hơn ta, đáng sống hơn ta…nhưng thân xác của họ đều bị vương thành trăm mảnh, bị vứt bỏ sang một bên, bị thổi bay như những cục thịt vô nghĩa.
Họ gọi đó là ‘cảm giác tội lỗi của người sống sót’ nhưng ta thấy điều đó thật ngu ngốc. Ta không cảm thấy tội lỗi sau khi sống sót qua những thứ mà ta từng trải. Ta cảm thấy lạc lõng như một mảnh phao trôi dạt ngoài biển khơi đang tìm cách về bờ. Một mảnh vỡ tồn tại giữa hàng trăm mảnh khác đã bị nghiền nát, đốt cháy hay trôi theo xác của một con tàu khổng lồ. Ta gọi đó là ‘sự tức giận của người sống sót’, ‘sự phẫn nộ của người còn sống’ hay ‘làn khói mù của kẻ ở lại’. Bất cứ điều gì trừ cái cảm giác tội lỗi đó.
Ta quay về Hoa Kì. Ta nghe nói vài cựu chiến binh đã cảm thấy bị xúc phạm khi quay về nước. Nhiều năm biểu tình vì hoà bình trôi đi, bọn ta trong mắt họ suốt thời gian qua chẳng khác nào một cỗ máy tàn ác chỉ biết nổ bom napan, nã súng tự động, làm cả một quốc gia, một dân tộc trở thành những mảnh thô ráp máu me,…Bọn ta là kẻ xấu. Bọn ta như một chiếc ủng khổng lồ chỉ biết đè ép lên một quốc gia nhỏ bé. Ta không cảm thấy bị xúc phạm. Ta đồng ý và hiểu được sự căm ghét cùng tức giận đó. Ta biết rằng chính bản thân mình cũng là một phần trong một cỗ máy tàn độc. Ta biết rằng ta cũng góp một phần lỗi. Nhưng ta không cảm thấy tội lỗi, thứ ta cảm thấy là nỗi xấu hổ tột cùng. Đây là sự khác biệt.
Ta không chuyển sang sử dụng mai thuý như vài người lính khác, ta đoán điều đó phụ thuộc vào mỗi người thôi. Ta không trở về nhà, ta trở lại nơi ta được sinh ra. Đây là sự khác biệt.
Ta không sống ở một nơi nào đó quá lâu vì mọi thứ trong mắt ta dường như luôn thiếu mất thứ gì đó. Ta cũng tránh mặt tất cả mọi người. Họ đặt ra quá nhiều câu hỏi và luôn dè chừng trước ngoại hình của ta.
Đó là khi ta tìm thấy nàng. Nàng mang tên của một loài hoa và luôn gợi nhớ cho ta về loài hoa đó. Nàng mang theo một trí tuệ “ngây thơ” mà ta khó lòng tìm thấy được trong những trận chiến ngoài tự nhiên. Những bông hoa ta từng gặp ở Việt Nam ít màu sắc hơn, ít tha thứ hơn và trong họ luôn có một ngọn lửa bẩn thỉu dễ dàng đạp bỏ mọi thứ giống như ta.
Ta đã gặp mẹ của con tại một bến xe buýt. Nàng hỏi ta mấy giờ. Ta bảo ta không biết và nàng chỉ nở một nụ cười nhẹ. Nàng ấy quá lương thiện.
Vài năm sau, bọn ta luôn quây quần bên nhau và cố gắng tích góp để mua một căn nhà. Bố mẹ của nàng đã giúp bọn ta đôi phần. Không chỉ là vì họ khá giả hơn (mặc dù sự thật là vậy) mà còn là vì nàng cảm thấy sẽ là tổn thương nếu nàng không nhận thiện ý từ bố mẹ.
Vào ngày con được sinh ra, ta vừa cảm thấy tự hào nhưng cũng vừa cảm thấy xấu hổ vì chính quá khứ của mình. Con quá sạch sẽ, quá ngây thơ, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự bẩn thỉu và tàn ác của thế giới bên ngoài. Ta cảm thấy mình như một thứ gì đó thấp hèn, xấu xa và cả dơ bẩn. Có vài lần, ta đã muốn chạy trốn vì không muốn ánh sáng của hai mẹ con bị vấy bẩn bởi ta. Nhưng cuối cùng, ta vẫn ở lại. Sự lương thiện của con đã dần chiếu sáng những vùng bùn lầy tăm tối nhất của ta.
Ta không nói chuyện nhiều với con vì ta lo sợ những lời mà ta thốt ra sẽ khiến con bị đầu độc. Chúng sẽ trở nên vang vọng trong cái đầu non nớt cùng nhỏ bé của con và trở thành một mầm mống trong đó. Nhưng ta rất thích nghe con nói, ta luôn yêu cái cách con cố gắng xâu chuỗi các ý tưởng lại với nhau.
Vì vậy, khi mẹ con bảo ta hãy kể chuyện con nghe, bảo ta hãy tham gia nhiều hơn vào quá trình trưởng thành của con…ta đã kể câu chuyện duy nhất mà ta biết.
Ta đã kể cho con nghe về tờ Nhật Báo Bán Dạ. Ta cũng từng kể cho mẹ con nghe chuyện này rất nhiều năm về trước rồi. Nhưng khi ta kể cho con, ta lại cảm thấy như đang mang một gánh nặng hơn rất nhiều. Khi con có con thì sẽ hiểu thôi. Những lời con nói với chúng đều khiến con cảm thấy nặng nề, cứ như thể nó được làm bằng sắt vậy và mọi lời con nói đều sẽ để lại dấu ấn trong lòng chúng.
Vì thế nên ta đã ngồi cùng con trong văn phòng của ta. Ta cho phép con vào. Con luôn có một niềm đam mê đặc biệt với sách truyện và hình ảnh. Cách con khám phá căn phòng cứ như ai đó đang thám hiểm một hang động kì bí vậy. Nhưng cũng giống như mọi cái hang khác, đều rất tăm tối và nguy hiểm.
Ta đã làm cho tờ Nhật Báo Bán Dạ nghe như một thứ gì đó kì diệu, một thứ gì đó rất thú vị. “Con sẽ nhận được nó mặc dù chẳng mong muốn nó đến gì cả.”, ta nói. “Nó chỉ tự nhiên được giao đến một số ngôi nhà vào lúc nửa đêm. Con sẽ nghe thấy ba tiếng gõ cửa báo hiệu và nó chắc chắn sẽ nằm ngay ngoài đó.“ Con luôn thích phần đó nhất. Chết tiệt thật, con thích toàn bộ câu chuyện này. Khuôn mặt của con lúc đấy sáng bừng lên theo cái cách mà ta chưa từng thấy bao giờ mỗi khi ở bên ta. Nhưng con vẫn luôn như thế mỗi khi nói chuyện với mẹ.
Ta đã kể về tờ báo cũng phải hơn chục lần trước khi nó thật sự xảy ra.
Một đêm nọ, khi ta tiếp tục kể cho con nghe về nó như mọi lần và bỗng nhiên nghe thấy ba tiếng gõ cửa.
Ta chạy ra phía cửa trước. Không có súng trong nhà và ta lập tức hối hận vì không chịu tậu một khẩu. Ta trông qua mắt thần thì thấy không có ai nên đã quyết định mở cửa. Ở đó, ngay trên tấm thảm chào mừng của chúng ta, là thứ mà ta thề là mình có thể nhận ra nó ở bất cứ đâu: một bọc giấy màu đen. Y hệt như cái mà Ty đã từng nhận được.
Ta mang nó vào nhà và thảy nó lên bàn. Ta cắt sợi dây và tờ giấy từ từ cuộn ra, hệt như một con côn trùng đang sống dở chết dở.
Ta trông thấy một dòng tiêu đề được ghi bằng mực trắng “NHẬT BÁO BÁN DẠ” nhưng ta không thể đọc thêm thứ gì khác…vì căn bản là nó chẳng có gì trong đó cả, ngoài dòng tiêu đề. Bên dưới tiêu đề chỉ là một vài dòng văn bản bị cắt xén. Ta không thể đọc được cho dù có cố xoay xở qua lại thế nào. Cứ như thể mắt ta luôn trượt khỏi các từ ngữ trên đó.
Ta định ném nó ra ngoài nhưng mẹ con bước vào ngay sau đó. Những tiếng gõ cửa đã làm nàng ấy giật mình và hoảng sợ trước hành vi kì lạ của ta.
Tuy nhiên, nàng lại đọc thành tiếng ra được vài từ.
Đôi mắt ta trợn trắng với vẻ kinh ngạc. Nàng có thể đọc báo. Ta không thể. Lúc đó thì ta còn chưa hiểu tại sao nhưng giờ thì ta hiểu rõ. Nàng mới là người nhận được chỉ định, không phải ta. Mỗi mảnh giấy trên tờ báo đều là dành cho nàng.
Sau một hồi bị thuyết phục, mẹ con cuối cùng cũng chịu đọc to tờ báo.
Đây là những gì được viết trên đó:
____________________________
“TRÒ CHƠI PHỎNG ĐOÁN: BOARD GAME MANG TÍNH NGỘ SÁT ĐƯỢC BÀY BÁN KHẮP CÁC KỆ HÀNG
*“Người ngồi đối diện bạn đã ăn gì vào bữa sáng? Người bên cạnh bạn đang giấu thứ gì trong túi của họ? Ai đang gõ cửa trước nhà bạn?
Hãy đoán xem!”*
Những dòng chữ này đã được in trên một chiếc hộp bìa cứng nhằm chào đón những người mua sắm trên các kệ hàng trong những tuần trước lễ Tạ Ơn.
“Trông nó hoàn toàn vô hại,” ████ █████████, một người mua sắm từng nhìn thấy chiếc hộp cho biết. “Gia đình tôi thường không hứng thú với mấy cái trò board game nên tôi cũng chẳng mua thứ này làm gì. Tạ ơn Chúa vì tôi đã không mua nó.“
Phần bìa hộp còn có hình minh hoạ một gia đình ngồi quanh chiếc bàn ăn và nở nụ cười rất tươi. Ở giữa họ là bàn trò chơi màu trắng. Một loạt hoạ tiết hình vuông đen nằm dọc theo cạnh của bàn cờ tạo thành một hình chữ nhật rộng chứa một bộ bài đen duy nhất. Một vài thứ khác của trò chơi nằm rải rác trong những ô khác, mỗi ô là một hình nộm con người bằng nhựa tượng trưng cho người chơi. Người phụ nữ đang mỉm cười cầm trong tay một đôi xúc xắc đen, có lẽ là người mẹ. Chỉ đơn giản là một gia đình hạnh phúc cùng chơi trò chơi với nhau.
*”Luật chơi rất đơn giản!”* tập sách hướng dẫn kèm theo viết. *”Mỗi người chơi chọn cho mình duy nhất một nhân vật và đặt nó ở ô bắt đầu trong góc của bàn cờ. Đây cũng chính là ô đích cuối cùng! Mục đích của trò chơi là di chuyển xung quanh bàn cờ cho đến khi quay về được ô cuối cùng! Cách chơi chính là hãy tung xúc xắc và di chuyển đến số ô tương ứng. Khi di chuyển đến đúng ô vuông, người chơi phải rút một tấm thẻ từ chồng bài ở giữa bàn cờ. Trên mỗi thẻ sẽ là một lời nhắc thú vị để đoán một điều gì đó từ những người đang chơi! Ví dụ như một trong 100 tấm thẻ bài của chúng tôi có nội dung: Hãy đoán xem con phò non của bạn đã làm gì với bạn trai của nó vào tối thứ sáu nào!. Nếu bạn đoán đúng, bạn có thể tiếp tục ở yên trong ô vuông mà bạn đang đứng! Nếu bạn đoán sai, bạn phải di chuyển nhân vật của mình về ô bắt đầu! Trò chơi sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả người chơi đều về đích!”
Sau vài ngày mất tích, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra nơi ở của ███████ tại ████, █████████. Những gì được tìm thấy bên trong ngôi nhà thật sự kinh khủng, ít nhất là thế.
“Gia đình được tìm thấy trong tình trạng đang ngồi quanh bàn ăn.” ███ █████ thuộc sở cảnh sát ████ cho biết. “Họ đã chết được vài ngày. Chúng tôi còn tìm thấy một số vũ khí trong phòng, chủ yếu là đồ làm vườn và dao từ nhà bếp. Bản thân trò chơi Phỏng Đoán này dường như đã được đặt một cách bí mật trong các cửa hàng với nhãn dán mã vạch là một loại đồ chơi khác trong kho. Hiện tại vẫn chưa rõ nhà sản xuất là ai nhưng có thể thấy rằng họ đã đầu tư một số tiền lớn và rất nhiều nỗ lực để tạo ra trò chơi này. Trông nó không hề rẻ tiền hay kém chất lượng gì cả.”
“Giả thuyết phổ biến của các cơ quan thi hành pháp luật chính là trò chơi đã tự kích động họ tấn công lẫn nhau,” tiến sĩ ███████ █████████, một nhà tâm lí học địa phương, người đã được thông báo về cảnh tượng rùng rợn trên cho biết. “Nhưng lời giải thích đó không làm tôi thoả mãn hoặc bất kì ai quen biết gia đình này. Sẽ không có ai làm đúng theo chỉ dẫn của trò chơi cho dù họ có giận nhau đến mức nào đi chăng nữa.”
Những ‘chỉ dẫn’ mà tiến sĩ ███████ đang đề cập đến có vẻ là các thẻ ‘đoán’ trong bộ trò chơi.
Các thẻ bắt đầu dường như khá vô hại. Tấm đầu tiên chính là: “Hãy đoán màu áo mà người ngồi bên trái của bạn đang mặc!”. Tuy nhiên, sang đến tấm thứ hai thì nó bắt đầu đi sâu vào giới hạn gây tranh cãi. Nó viết: “Hãy đoán xem đứa chó chết ngồi bên phải bạn đã thó trộm bao nhiêu từ ví của bạn nào!”
Các thẻ bài ngày một tệ hơn như kiểu. “Hãy đoán xem con lợn cái trước mặt đã lén leo lên giường với ai sau lưng bạn nào!”
Cuối cùng, các thẻ bài cũng dần trở nên bạo lực. “Hãy đoán xem ai sẽ đi lấy con dao làm bếp nào!”, “Hãy đoán xem mắt phải của vợ bạn sẽ nhét vừa bao nhiêu chiếc bút chì nào!”
Vài ngày sau, gia đình █████, ở phía bên kia thị trấn cũng được các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp thông báo mất tích. Một cảnh sát, thành viên của nhà ███████ gặp phải tình trạng tương tự, cũng được phát hiện trong chính ngôi nhà của họ. Cả bốn thành viên trong gia đình đều tử vong với mọi bằng chứng đều chỉ ra rằng họ đã sát hại lẫn nhau bằng những đồ vật trong nhà.
“Trò chơi Phỏng Đoán” được bày ra trên bàn cà phê giữa nhà họ. Có một số thẻ bài đẫm máu được ném lung tung trên sàn, mỗi thẻ đều chứa những nội dung vô cùng bạo lực. Một trong số đó ghi: “Hãy đoán xem phải xịt bao nhiêu lần thuốc tẩy cống cho đến khi mẹ bạn gục xuống nào!”
“Tôi tin rằng chỉ có một lời giải thích rất đơn giản cho hiện tượng kì lạ này,” tiến sĩ ███████ nói. “Rất có thể trò chơi đã được đặt trong các cửa hàng và được quan sát bởi người tạo ra nó. Sau khi khách hàng mua, họ sẽ bị theo dõi về đến tận nhà. Một hoặc nhiều thủ phạm đã ép buộc gia đình phải chơi và rất có thể là chơi trong tình trạng bị đe doạ tính mạng bởi súng hay gì đó. Đây là lời giải thích duy nhất cho việc tại sao những gia đình trông rất bình thường này lại tàn sát nhau dã man đến như vậy.”
“Không có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết đó cả.” █████, trưởng sở cảnh sát ████ nói. “Không có dấu hiệu đột nhập ở bất kì ngôi nhà nào. Không có bằng chứng pháp y nào cho thấy có sự hiện diện của người khác tại hiện trường ngoại trừ các thành viên trong gia đình. Mặc dù không phải nhà tâm lí học nhưng tôi sẽ không làm điều đó với bất kì ai trong gia đình mình kể cả khi họ đang chĩa súng vào tôi.“
Có một lời giải thích thứ ba, một lời giải thích thường được đồn đoán trên mạng. Một lời giải thích siêu nhiên. “Điều gì sẽ xảy ra nếu những người chơi bắt buộc ‘phải’ đoán?“. Một người dùng ẩn danh đã viết: “Điều gì sẽ xảy ra nếu những suy đoán của họ sẽ trở thành hiện thực theo cách nào đó? Giống như kiểu nếu bạn đoán rằng ai đó sẽ vào bếp để lấy con dao thì người đó buộc phải di chuyển và làm theo những gì bạn nói.“
Cho dù sự thật có là gì đi chăng nữa thì có một điều rõ ràng là: nếu bạn nhìn thấy một trò board game “trò chơi Phỏng Đoán” được bày bán ở bất kì cửa hàng nào…thì cũng đừng mua nó. Đừng chơi nó. Hãy gọi cho cơ quan chức năng và chủ cửa hàng để họ có thể gỡ bỏ nó một cách an toàn.”
____________________________
Mẹ con và ta đã quyết định sẽ không kể thêm cho con bất cứ thứ gì về tờ Nhật Báo Bán Dạ nữa. Ta ước gì việc loại bỏ nó cũng đơn giản như vậy.
\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\_\
Tôi sẽ tiếp tục ghi lại những ghi chú của bố lên đây. Tôi nhất định phải tìm ra cách để ngăn chặn điều này.
Fernandeo Iglesias Meléndes