Hội Quốc Liên được thành lập sau Thế chiến 1 với mục đích gìn giữ hòa bình thế giới bằng cách thực thi một bộ nguyên tắc trong Công ước của Hội Quốc Liên. Những nguyên tắc này hoạt động dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền thương mại toàn cầu. Những quốc gia tham gia Hội Quốc Liên sẽ được quốc tế công nhận quyền độc lập và quyền tự do thương mại trên toàn thế giới. Để ngăn chặn các thành viên vi phạm luật của Hội, các lệnh trừng phạt cũng sẽ được áp dụng. Cụ thể, theo Điều 16 của Công ước, họ sẽ bị mất quyền thương mại với các thành viên khác, bị trừng phạt kinh tế và bị tước bỏ mọi hình thức viện trợ; và Điều 10 của Công ước quy định rằng các quốc gia thành viên bị tấn công sẽ nhận được hỗ trợ quân sự.
Một mục đích khác của việc thành lập Hội Quốc Liên là để trừng phạt các quốc gia bại trận trong Thế chiến 1, đặc biệt là Đế quốc Đức, bị coi là nước gây ra cuộc Đại chiến (nhưng thật ra thì không phải). Phe Hiệp Ước trừng phạt Đức bằng cách chia các thuộc địa cũ của nước này cho các quốc gia khác.
Nhờ chiến đấu bên cạnh phe Hiệp Ước, Đế quốc Nhật Bản được trao cho một số thuộc địa của Đức ở Châu Á, ngoài ra, vào những năm 1920, giới lãnh đạo Nhật cũng muốn tuân thủ theo các quy tắc của Hội Quốc Liên vì một số lý do trong và ngoài nước. Trong thời gian đó, Nhật đã trải thời kỳ cải cách tự do chính trị và văn hóa; và là một cường quốc lớn nhất ở châu Á, người Nhật rất muốn có được sự tôn trọng và đối xử bình đẳng từ các cường quốc ở phương Tây. Họ tin rằng chỉ cần tuân thủ theo luật của người da trắng là sẽ có được sự tôn trọng đó.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, trong những năm 1920, một số sự việc quốc tế đã diễn ra gieo mầm oán hận cuối cùng dẫn đến việc Nhật Bản rút khỏi tổ chức:
1/ Hiệp ước Hải quân Washington: Hiệp ước này quy định tỷ lệ trọng tải tàu chiến lần lượt là 5: 5: 3 đối với Mỹ, Đế quốc Anh và Đế quốc Nhật. Ý muốn Hải quân Đế quốc Nhật Bản sẽ thua kém với Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Hoa Kỳ về mặt số lượng tàu chiến. Các nhà lãnh đạo Hải quân Nhật coi hiệp ước này là một sự xúc phạm đến danh dự quốc gia của Nhật trong thời đại mà tàu chiến là thước đo của sức mạnh quốc gia.
2/ Việc Đề xuất Bình đẳng Chủng tộc mà các lãnh đạo Nhật trình bày tại hội nghị của Hội Quốc Liên bị bác bỏ. Đề xuất này kêu gọi đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên trong Hội Quốc Liên không quan trọng chủng tộc. Việc từ chối đề xuất này cộng với việc Hoa Kỳ hạn chế dân nhập cư từ Nhật sang Mỹ đã khiến nhiều người Nhật phẫn nộ với người dân và chính phủ Mỹ. Trong suy nghĩ của dân Nhật, người Mỹ là chủng tộc tự cao, kiêu ngạo, “những người tới châu Á và hành động như họ thượng đẳng hơn so với dân châu Á, và coi người châu Á, bao gồm cả người Nhật, như công dân hạng hai.” Ngoài ra, Nhật còn coi phương Tây là những kẻ đạo đức giả lúc nào cũng tuyên truyền những lý tưởng về bình đẳng và dân chủ trong khi đồng thời coi thường các dân tộc của các nước châu Á kém phát triển hơn. Quan điểm tiêu cực này vẫn được giữ cho đến tận hết Thế chiến 2.
3/ Cuộc Đại khủng hoảng: càn quét thế giới và tàn phá nặng nề nền kinh tế của các quốc gia châu Âu và Nhật Bản đang giao thương với Mỹ. Khủng hoảng vì nghèo đói và thất nghiệp lan rộng, người Nhật vô cùng phẫn nộ vì sự phụ thuộc vào thương mại với phương Tây và Mỹ.
Những tác động quốc tế lớn đó đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt cực đoan ở Nhật. Các nhà lãnh đạo cực đoan đó – cả trong bộ máy chính trị và quân sự – đã quyết định rằng họ đã chịu đựng quá đủ đối với sự sỉ nhục của phương Tây khi phải phục tùng theo các yêu cầu của châu Âu và Mỹ cuối cùng lại bị coi là cường quốc hạng hai. Họ coi thường các nhà lãnh đạo chính trị phái ôn hòa và tự do mà họ cho là quá mềm yếu và đã làm tổn thương đến danh dự quốc gia của Nhật bằng cách tuân theo luật của phương Tây (đặc biệt là việc hạn chế trọng tải tàu chiến). Hơn nữa, cuộc Đại khủng hoảng đã dạy cho họ một bài học đau đớn về việc quá phụ thuộc vào thương mại với phương Tây có thể làm tổn hại đến nền kinh tế đến mức nào. Họ nhận ra rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ có thể trở thành cường quốc thống trị ở châu Á nếu không có nền kinh tế độc lập. Do đó, họ đòi đảm bảo quyền tự chủ kinh tế, thành lập một nên kinh tế tự cung tự cấp để thực hiện được tham vọng đế quốc. Chìa khóa để thực hiện việc đó là Trung Quốc – một đất nước dồi dào tài nguyên và nhân công giá rẻ – hoàn hảo cho việc khai thác Nhật Bản. (và sau này là các thuộc địa ở châu Á của phương Tây).
Các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản mở đầu bằng cách xâm chiếm Mãn Châu. Khu vực chưa phát triển, giàu tài nguyên sẽ được chuyển đổi thành thuộc địa của Nhật, khu vực này cũng có rất nhiều người dân Nhật sinh sống. Để hợp pháp hoá cuộc xâm lược, quân Nhật lập ra một âm mưu để họ có cơ đưa quân vào Mãn Châu. Ngày 18 tháng 9 năm 1931, các sĩ quan của Đạo quân Quan Đông kích nổ một đường ray xe lửa thuộc tuyến đường sắt Nam Mãn Châu do Nhật Bản sở hữu gần Phụng Thiên. Quân Nhật sau đó đổ lỗi vụ nổ cho Trung Quốc và lấy đó làm cái cớ để đưa quân đội vào khu vực và sau đó thành lập Mãn Châu Quốc. Đây được biết đến là sự kiện Phụng Thiên. Ở Hội Quốc Liên, sự việc này bị lên án mạnh mẽ càng khiến cho danh tiếng của Nhật bị tổn hại. Đối với người dân Nhật muốn nước mình trở thành một cường quốc, những lời chỉ trích của Hội Quốc Liên còn làm mọi việc tệ hơn. Các nhà trí thức Nhật bày tỏ sự khinh miệt đối với những gì họ coi là đạo đức giả điển hình của phương Tây khi chỉ trích cuộc xâm lược của đế quốc Nhật trong khi nhắm mắt làm ngơ với các cuộc xâm lược của nước mình.
Năm 1933, tại hội nghị của Hội Quốc Liên, Nhật Bản đã xả hết toàn bộ sự tức giận và phẫn nộ họ phải chịu đựng trong nhiều năm qua vào các đại sứ phương Tây. Nhà ngoại giao Yōsuke Matsuoka đã có một bài phát biểu lên án Hội Quốc Liên, trong đó ông biện hộ cho việc chiếm Mãn Châu và rằng đất nước của ông không còn có thể tuân thủ các quy tắc của tổ chức được nữa. Kết thúc bài phát biểu, Matsuoka và phái đoàn Nhật Bản liền bước ra trong phẫn nộ. Nhật Bản sau đó đã quyết tâm chống lại phương Tây, đặc biệt là Đế quốc Anh và Hoa Kỳ. Các nước sau đó dần đi đến chiến tranh.