NHẬT BẢN VÀ HOA KỲ XEM XÉT KHUÔN KHỔ MỚI HẠN CHẾ XUẤT KHẨU CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

Chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản đang xem xét khuôn khổ mới về việc hạn chế việc xuất khẩu những công nghệ tiên tiến. Hai nước còn hướng tới hợp tác với các nước cùng chia sẻ giá trị quan, chung quan điểm ở châu Âu. Ý tưởng ở đây là hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, quốc gia đang tiến hành chiến lược “Hợp nhất dân sự – quân sự”, sử dụng công nghệ dân sự tiên tiến để nâng cao sức mạnh quân sự. Một số nguồn tin liên quan cho hay.

Danh mục xuất khẩu cần hạn chế đang được điều chỉnh, tuy nhiên có thể bao gồm thiết bị sản xuất chất bán dẫn, mật mã lượng tử và các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Lo ngại về những công nghệ có thể bị sử dụng sai mục đích, vi phạm nhân quyền, chính quyền Biden đã bày tỏ ý định thắt chặt các hoạt động xuất khẩu đa phương, nhưng kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc lại là một khuôn khổ khác.

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản lo ngại với việc Trung Quốc sử dụng những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài để phát triển công nghệ trong nước, từ đó tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự. Quốc hội Mỹ đã chỉ trích các phần mềm thiết kế chất bán dẫn của nước này đang được sử dụng để phát triển vũ khí ở Trung Quốc. Có quan điểm cho rằng việc Nhật Bản và Hà Lan xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã góp phần giúp Trung Quốc nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa.

Với tư cách là một khuôn khổ kiểm soát xuất khẩu đa phương, “Thỏa thuận Wassenaar” là một khuôn khổ quốc tế giúp kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí thông thường, cùng với hàng hóa và công nghệ có liên quan. Tuy nhiên, hơn 40 quốc gia tham gia thỏa thuận bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Nga với những lợi ích khác nhau sẽ cần thời gian để quyết định các danh mục đối tượng hàng hóa cần kiểm soát. Vì vậy, Chính phủ Mỹ và Nhật Bản muốn thiết lập một khuôn khổ mới cho một số ít quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến và cùng chung qua điểm, từ đó có thể nhanh chóng xây dựng một hệ thống kiểm soát xuất khẩu.

Cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã có những quy định nghiêm ngặt về việc xuất khẩu sang nhiều công ty Trung Quốc như Huawei, một công ty thiết bị viễn thông lớn. Tuy nhiên, dường như nỗ lực của riêng của Mỹ là chưa đủ và do đó cần phải tạo ra một khuôn khổ lôi kéo được cả các nước khác tham gia.

Chính phủ Nhật Bản cũng nhận thấy một khuôn khổ mới dựa trên các quốc gia có trình độ phát triển công nghệ tương đương sẽ mang lại tính hiệu quả. Thông qua chủ động tham gia vào các cuộc đàm phán về kiểm soát xuất khẩu, Nhật Bản có thể dễ dàng dự báo trước các tác động đối với các doanh nghiệp nước này.

Năm 1949, các nước phương Tây thành lập “Ủy ban điều phối kiểm soát hoạt động xuất khẩu đa phương (CoCom)” (giải thể năm 1994) để ngăn chặn dòng chảy công nghệ sẽ tăng cường sức mạnh quân sự cho các nước cộng sản như Liên Xô. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, khuôn khổ kiểm soát xuất khẩu mới đang được thảo luận nhiều khả năng sẽ phát triển thành một “phiên bản CoCom hiện đại”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *