Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 28 tuổi (Thái Bình) đang mang thai ở tuần thứ 17 và xuất hiện những cơn ho. Nghĩ là mắc bệnh hô hấp thông thường, bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà nhưng tình trạng bệnh càng nặng hơn, tình trạng khó thở bệnh nhân mới nhập viện điều trị. Lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng viêm phổi.
Cũng trong thời gian này bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 55 tuổi có tiền sử sử dụng rượu bia lâu năm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi có biến chứng suy hô hấp phải thở oxy, nguy cơ tử vong cao.
Cảnh báo thói quen thường gặp khi điều trị viêm phổi
Hiện nay, rất nhiều người khi có dấu hiệu ho thường tìm hiểu thông tin trên mạng để chữa thay vì tới bệnh viện thăm khám. Hoặc cũng có trường hợp dùng đơn cũ, mượn đơn của người bệnh khác. Đây là việc không nên vì có thể tiềm ẩn những nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Hơn nữa, việc chẩn đoán không đúng, sử dụng kháng sinh sai có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị sai cách dẫn tới khó thở, sốt cao , suy hô hấp nguy kịch tính mạng.
BSCKII Nguyễn Văn Chiến cảnh báo thói quen tự ý điều trị bệnh lý hô hấp tại nhà.
Hiện nay nhóm bệnh lý đường hô hấp ngày càng gia tăng. Biểu hiện thường gặp nhất khi mắc các bệnh lý hô hấp là ho. Tuy nhiên nhiều người thường chủ quan và tự ý điều trị. Người bệnh cần biết ho là biểu hiện của rất nhiều nhóm bệnh lý và thông thường là các bệnh lý nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng. Nếu xuất hiện dấu hiệu ho kèm theo đau tức ngực, khó thở người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
Trước khi đưa ra quyết định điều trị, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán bệnh. Tránh trường hợp chần chừ không thăm khám, tự theo dõi, tự điều trị tại nhà dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng hay ho ra máu lúc này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng tại nhu mô phổi và phế quản của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm phổi như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, hóa chất… Đối với trường hợp nhiễm viêm phổi do các vi khuẩn đặc biệt hoặc virus sẽ gây ra tình trạng diễn biến bệnh nặng thậm chí suy đa phủ tạng, suy hô hấp gây tử vong.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi
Người mắc viêm phổi sẽ có những dấu hiệu giống triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như:
– Ho, có thể ho khan, ho có đờm, thậm chí có máu
– Khó thở
– Đau tức ngực
– Sốt
– Một số người có thể xuất hiện tình trạng đau nhức cơ bắp.
Trong một số trường hợp bệnh diễn biến nặng có thể xuất hiện khó thở, thở nhanh, thở rít, sốt cao…
Những ai có nguy cơ cao mắc viêm phổi? Mọi người đều có nguy cơ mắc viêm phổi kể cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên có một số đối tượng dễ mắc viêm phổi hơn như:
– Người lớn tuổi, trẻ nhỏ
– Người suy giảm miễn dịch
– Người có các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tim mạch, suy thận, đái tháo đường…
– Người sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.
Chữa viêm phổi bằng cách nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm phổi, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúnng cách, người bệnh có thể hồi phục trong vài ngày hoặc vài tuần. Cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng (ho, sốt, long đờm…) nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh. Đồng thời kết hợp với điều trị nguyên nhân do nấm, virus hay vi khuẩn… để lựa chọn việc sử dụng kháng sinh, thuốc phù hợp. Trong một số trường hợp người bệnh có thể được bác sĩ cho điều trị tại nhà. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để bệnh nhanh chóng hồi phục. Tránh trường hợp tự ý bỏ thuốc dẫn đến việc bệnh diễn biến nặng hơn.
Viêm phổi có lây không?
Viêm phổi thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa nắng mưa thất thường. Viêm phổi có thể lây trực tiếp từ người bệnh qua người lành thông qua các giọt bắn khi hắt hơi, ho… Hoặc lây qua tiếp xúc gián tiếp tại những nơi chứa vi khuẩn, virus của người bệnh như bàn ghế, đồ dùng chung, khi bắt tay…
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi đi từ ngoài đường, nơi đông người trở về nhà. Nếu tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người mắc viêm phổi, cần đeo khẩu trang để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra có thể tiêm phòng cúm hoặc phế cầu trên những bệnh nhân có chỉ định hoặc những người có nguy cơ cao mắc viêm phổi.
Đối với những trường hợp mắc viêm phổi, để bệnh nhanh chóng hồi phục bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ăn uống và vận động hợp lý. Người bệnh nên ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng và lưu ý lựa chọn đồ ăn mềm. Đồng thời chia nhỏ lượng thức ăn ra thành nhiều bữa. Ngoài ra cần chú ý bù đủ nước nhất là với những trường hợp sốt kéo dài và nên uống nước ấm thay vì nước lạnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, sử dụng rượu bia.