nhan-vien-y-te-can-cham-soc-suc-khoe-tam-than

Nhân viên y tế cần chăm sóc sức khỏe tâm thần

Mới đây, Bệnh viện quận Phú Nhuận (TP.HCM) tiếp nhận một nam nhân viên y tế (36 tuổi) được gia đình đưa đến cấp cứu vì uống khoảng 20 viên thuốc an thần mimosa.

Hội chứng “burn-out”

Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết do buồn bã về chuyện cá nhân và công việc nên nam nhân viên y tế này đã uống thuốc dẫn đến ngộ độc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn và chóng mặt.

Tại bệnh viện, người bệnh tỉnh táo và có dấu hiệu sinh tồn ổn định, không phát hiện bất thường trong xét nghiệm. Các bác sĩ đã điều trị ngộ độc theo phác đồ gồm rửa dạ dày và truyền dịch. Bệnh nhân được nhập viện và theo dõi, nhưng sau 5 giờ thì xin về vì đã thấy khỏe hơn.

Các bác sĩ cho biết loại thuốc bệnh nhân uống là thuốc an thần có nguồn gốc thảo dược. Vì vậy, mức độ ngộ độc ít nghiêm trọng so với ngộ độc từ thuốc hướng thần hóa học. Tuy nhiên, việc uống quá liều vẫn có thể gây nguy hiểm.

Theo Sở Y tế TP.HCM, thực tế có rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng “burn-out” (được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và căng thẳng). Trước tình hình trên, ngành y tế TP.HCM đã triển khai Kế hoạch 385 nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế. Từ năm 2023 đến nay, đã có nhiều chuyên đề chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế như tổ chức huấn luyện kỹ năng tự chăm sóc; lớp thiền trị liệu; thiết lập phòng thư giãn tại bệnh viện; mạng lưới chuyên gia tâm lý để tư vấn điều trị… Ngoài ra, sẽ có từ 1 đến 2 nhân viên phụ trách sức khỏe tâm thần tại mỗi bệnh viện và thực hiện nghiên cứu về dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế là một trong những chủ đề mà ngành y tế TP.HCM đã triển khai trong suốt thời gian qua. Một hệ thống y tế chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi nhân viên y tế có sức khỏe toàn diện, bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần. Khi họ khỏe mạnh cả về hai phương diện này, chất lượng hoạt động của hệ thống y tế mới đạt kết quả tốt nhất.

Nhân viên y tế cần chăm sóc sức khỏe tâm thần- Ảnh 1.

Nhân viên y tế cần vượt qua rào cản để tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tinh thần

Tự giải quyết bất ổn

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời gian qua, ngành y tế TP.HCM, với sự hỗ trợ của một số tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. “Một trong những vấn đề mà chúng tôi ghi nhận là rào cản tâm lý của nhân viên y tế. Dù nhận ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng một bộ phận nhân viên không thừa nhận và không cần hỗ trợ. Không chỉ có nhân viên y tế mà ngay cả lãnh đạo các cơ sở y tế cũng gặp phải rào cản này” – BS Châu nhìn nhận.

ThS-BSCK1 Giang Ngọc Thụy Vy, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, nhấn mạnh sức khỏe tâm thần đang là một trong những vấn đề đáng báo động trên toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

BS Vy cho biết theo kết quả nghiên cứu cắt ngang được triển khai tại TP.HCM từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024 với 382 nhân viên y tế, khoảng 1/3 đối tượng nghiên cứu có nguy cơ trầm cảm, 1/3 có nguy cơ mắc lo âu và 1/4 có nguy cơ bị căng thẳng. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhân viên y tế đang gặp phải áp lực lớn, căng thẳng và kiệt sức nghề nghiệp. Nguyên nhân do khối lượng công việc lớn; thời gian làm việc dài, phải trực ca đêm, ngày lễ – Tết; các quy tắc chặt chẽ của nghề; không dành thời gian cho gia đình; không đủ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn; chưa được hỗ trợ đặc biệt về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Dẫn chứng thêm, BS Vy cho biết trong một nghiên cứu về thái độ của nhân viên y tế tại TP.HCM, chỉ dưới 60% thừa nhận rằng họ gặp khó khăn tâm lý, và phần lớn chọn tự giải quyết vấn đề thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Điều này càng củng cố thêm sự thiếu hiểu biết và áp lực công việc, làm giảm khả năng chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính họ.

Đáng chú ý là ngay cả khi các thành viên gia đình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, họ thường không được khuyên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý mà thay vào đó là những biện pháp mê tín như xem bói hoặc tử vi… 

Ngại tìm kiếm sự hỗ trợ

Theo BS Vy, niềm tin và định kiến xã hội đang ảnh hưởng lớn đến hành vi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt với nhân viên y tế. Nhiều người ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ vì lo sợ bị đánh giá là “có vấn đề” về tâm thần, ảnh hưởng đến danh tiếng và năng lực cá nhân. Khi đã tiếp cận được dịch vụ, họ vẫn không chủ động trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Định kiến này xuất hiện ngay khi bước vào phòng khám, khiến họ lo sợ bị gán nhãn là người có bệnh tâm thần. Thêm vào đó, những rào cản khác như chi phí, thời gian điều trị và thiếu chính sách hỗ trợ từ BHYT cũng khiến nhiều người không muốn tiếp tục điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *