Nhân vật lịch sử nào bị căm ghét một cách bất công nhất?

Trả lời bởi Tyron Nathan King, yêu thích lịch sử

Margaret Thatcher

Bây giờ trước khi có ai đó hỏi, tôi không ủng hộ Margaret Thatcher và tôi cũng không ủng hộ Đảng Bảo thủ. Thật ra tôi là một đảng viên Công Đảng.  

Vấn đề ở đây là, sự căm ghét đối với Thatcher rõ ràng là bất công. Hàng triệu người trên khắp Anh quốc phỉ nhổ Thatcher và khi bà qua đời, một số còn ăn mừng cái chết của bà nữa. Trong khi đó, hàng triệu người khác ở Anh quốc thật ra lại là những người ủng hộ nhiệt thành của Thatcher và lí tưởng của bà. Thật vậy, đảng Tory đương đại gần như chính là đứa con tinh thần của Thatcher. 

Tôi hiểu tại sao bà lại là một nhân vật gây chia rẽ đến như vậy. Nhiệm kì thủ tướng của bà đã gây chia rẽ vô cùng lớn trong xã hội Anh, tùy thuộc vào nghề nghiệp, thu nhập, của cải của bạn và nơi nào trên đất nước Anh mà bạn sống, mà kỉ nguyên của Thatcher hoặc làm cho bạn giàu có hơn, hoặc khiến bạn thất nghiệp và có thể là bị bần cùng hóa. Nếu bạn sống ở London hoặc hầu hết các vùng thuộc miền Nam nước Anh [England] thì bạn nhiều khả năng sẽ thích Thatcher. Trong khi đó, nếu bạn sống ở miền Bắc nước Anh hoặc Scotland thì khả năng cao là bạn sẽ ghét bà ấy. Việc này bắt nguồn từ một thực tế là nếu bạn sống ở miền Bắc thì khả năng cao hơn là bạn là một công nhân lao động tay chân bởi miền Bắc chính là trái tim của nền công nghiệp Anh trước quá trình phi công nghiệp hóa hồi thập niên 1980. Miền Nam, mặt khác, lại là một nền kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp và dịch vụ hơn.

Giờ ta chuyển sang phần Thatcher đã làm gì và tại sao bà lại làm như vậy. Thatcher được bầu làm thủ tướng năm 1979, bà đã giành lấy vai trò lãnh đạo đất nước từ tay Công Đảng. Trước khi Thatcher lên nắm quyền, Anh quốc đã phải hứng chịu suy thoái kinh tế nặng nề trong suốt thập niên 70, với đỉnh điểm là Mùa đông bất mãn 1979. Mùa đông bất mãn là một giai đoạn tồi tệ. Vì những cuộc đình công bất tận gây ra bởi các nghiệp đoàn hùng mạnh mà người ta chỉ đi làm một tuần ba ngày và dịch vụ công trở nên điêu tàn còn rác thải thì không hề được thu gom v.v. Vậy nên Thatcher xuất hiện và vật lộn để giành lại quyền kiểm soát từ tay các nghiệp đoàn. Tuy nhiên, bà thất bại. Lựa chọn duy nhất của bà là đóng cửa hầm mỏ và các ngành công nghiệp chế tạo khác trong khi tư nhân hóa phần còn lại. Bây giờ người ta có thể thóa mạ bà vì điều này nhưng nhiều người trong số đó lại không nhận ra một điều rằng chính những hành động của các nghiệp đoàn Anh đã quyết định số phận của ngành công nghiệp chế tạo cũng như những người làm việc trong ngành này. Toàn cầu hóa đang diễn ra trong thời Thatcher và bà nhận thức được điều đó. Bà hiểu rằng các tập đoàn đa quốc gia sẽ không bao giờ tiếp tục tạo ra sản phẩm ở Anh quốc nữa, tại sao họ lại phải trả cho công nhân Anh mức lương công bằng và hợp lí khi mà họ có thể trả cho công nhân Trung Quốc và Ấn Độ ít hơn rất nhiều và đồng thời phải đóng ít thuế doanh nghiệp hơn? Những giải pháp hiệu quả nhằm chống lại sự mất mát của ngành công nghiệp chế tạo mà Thatcher đã thực hiện là tập trung phát triển khu vực dịch vụ. Bà dẫn dắt công cuộc chuyển đổi nền kinh tế Anh từ một nền kinh tế chế tạo sang một nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Quyết định giảm thuế và nới lỏng các quy định của bà chính là thứ thu hút các ngân hàng đầu tư quay lại London. Đây là lí do mà vào năm 1986, London một lần nữa vượt mặt New York để trở thành trung tâm ngân hàng quốc tế trong một giai đoạn được gọi là cuộc Đại cải cách Tài chính [Big Bang]. Hệ quả của cuộc đại cải cách tài chính là khu Canary Wharf được xây dựng, hàng trăm ngàn người từ khắp Anh quốc tìm được việc làm ở khu City of London trong lĩnh vực dịch vụ (ngân hàng, luật và kiểm toán), và cuối cùng là các khoản đầu tư nước ngoài khổng lồ chảy vào London cũng như nhiều vùng khác ở Anh quốc. Hơn nữa, Thatcher không chỉ đảm bảo rằng kinh tế Anh sẽ không sụp đổ vì hậu quả của cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa vào dịch vụ khi toàn cầu hóa xảy ra, mà bà còn giúp bảo vệ nhiều ngành công nghiệp khác của Anh. Bà đã không thể cứu vãn nền công nghiệp chế tạo của nước Anh, tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế vẫn có sự đa dạng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngành dịch vụ, bà đã tạo ra nhiều hợp đồng cao cấp bán vũ khí trị giá hàng tỉ bảng với nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Bà đặt nền móng cho toàn bộ những thỏa thuận bán vũ khí béo bở mà nước Anh có với Saudi Arabia và Qatar v.v. Các khía cạnh đạo đức và luân lí của các thỏa thuận này vẫn còn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, nhìn vào chúng qua các vấn đề tài chính thực tế, Thatcher đã giúp nước Anh xây dựng một mối quan hệ thương mại vững chắc với các quốc gia Arab giàu có.

Tóm lại, theo ý tôi, Thatcher là một con người độc ác thiết thực (không phải nhân cách mà là các hành động của bà). Tình trạng thất nghiệp và đau khổ khủng khiếp của hàng triệu người thuộc tầng lớp lao động mà quá trình phi công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với việc cắt giảm đột ngột và mạnh mẽ phúc lợi xã hội gây ra thậm chí còn tệ hơn là bất công. Đó là một khoảng thời gian của bất bình đẳng khi mà sự phô trương cùng tồn tại trên đất nước này với sự nghèo khó cùng cực. Tuy nhiên, dù sao thì thất nghiệp cũng sẽ xảy ra. Cắt giảm phúc lợi đương nhiên là xấu nhưng đất nước không thể chi trả cho phúc lợi nữa bởi vì phải giảm thuế để lôi kéo các ngân hàng. Nhìn chung, Thatcher đã cứu được Anh quốc nhưng với một cái giá rất đắt. May mắn thay, Tony Blair xuất hiện sau John Major và đã giúp làm cho nước Anh bình đẳng một lần nữa với chính quyền Công Đảng mới đầy cách mạng của ông. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *