nhan-luc-nganh-du-lich:-vi-sao-la-co-hoi-lon-cho-gen-z?

Nhân lực ngành du lịch: Vì sao là cơ hội lớn cho Gen Z?

Bàn về giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch bền vững tại Việt Nam. Clip: Trung Hiếu.

Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu?

Là một tín đồ “xê dịch”, anh Nguyễn Anh Linh (25 tuổi, Hà Nội) đặt mục tiêu du lịch hết các tỉnh, thành tại Việt Nam trước năm 30 tuổi. Tranh thủ dịp cuối tuần và thời gian nghỉ lễ, anh Linh lại “xách balo lên và đi”. Cuối tuần vừa qua, chàng trai 25 tuổi vừa quyết định dừng chân tại tỉnh Tuyên Quang để thử trải nghiệm không khí đón trung thu sớm tại địa phương này.

Trở về sau chuyến đi, anh Linh tâm sự với phóng viên Dân Việt: “Sau mỗi chuyến đi, tôi sẽ viết ra những cảm nhận của bản thân về địa điểm vừa ghé qua. Tôi thường phân tích xem nơi đó có những ưu, nhược điểm gì, ví dụ như cảnh vật, văn hóa, phong tục, lối sống của người dân có độc đáo không, tiềm năng phát triển du lịch ra sao, dịch vụ đáp ứng ở mực nào… Thông thường, tôi sẽ mong muốn quay lại tỉnh, thành nào có chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch tốt”.

Nỗi lo nguồn nhân lực Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 1.

Anh Linh vừa tới Tuyên Quang trải nghiệm lễ Trung thu sớm. Ảnh: Trung Hiếu.

Lý giải cho quan điểm này, anh Linh chia sẻ: “Khi mình đến một địa điểm mới mà nhân viên luôn tinh tế, chu đáo, quan tâm và chăm sóc khách tận tình như người thân… chắc chắn, tôi sẽ có một thiện cảm rất lớn. Ví dụ như trong chuyến đi vừa qua, khi trải nghiệm tại các dịch vụ tại một khách sạn gần trung tâm thành phố Tuyên Quang, tôi rất ấn tượng về sự cởi mở với du khách của nhân viên ở đó. Nhất định tôi sẽ quay trở lại nơi đây”.

Anh Linh tiếp lời: “Ngược lại, có những tỉnh thành dù tôi yêu thích từ phong cảnh đến văn hóa, lối sống của người dân, nhưng tôi sẽ chỉ đi một lần cho biết vì chất lượng nguồn nhân lực du lịch không đảm bảo theo mong muốn của tôi. Họ thiếu chuyên nghiệp, bị động và không nhiệt tình với du khách”.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết: “Theo thống kê, trong 6 tháng năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 8,8 triệu lượt, tức là tăng khoảng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2023. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z để tham gia lĩnh vực du lịch. Bởi lượng nhân sự cung cấp cho ngành ngày càng thiếu hụt trầm trọng”.

Nỗi lo nguồn nhân lực Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 2.

Các diễn giả thảo luận về vấn đề phát triển bền vững nguồn nhân lực du lịch Việt Nam: Cơ hội và thách thức. Ảnh: Trung Hiếu.

Nhìn nhận về hạn chế của nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam nói chung, bà Đoàn Trần Phương Thảo – Giám đốc nhân sự các quốc gia Đông Dương và Hàn Quốc, Tập đoàn Intercontinental Hotel Group nhận định: “Sự phát triển quá nhanh của ngành du lịch cũng như nhu cầu của khách hàng sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng của họ. Nguồn nhân lực chúng ta cần phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng để hòa nhập với xu hướng mới và cập nhật những nhu cầu của khách hàng”.

“Khả năng ngoại ngữ của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển. Các bạn có kiến thức, sự tự tin, năng động hơn khi giao tiếp với nhiều khách hàng ngoại quốc. Tuy nhiên, để có được sự thấu hiểu về khách một cách chuyên sâu hơn hoặc là để hiểu được các từ ngữ chuyên ngành thì nhiều bạn trẻ đang làm trong ngành du lịch lại gặp một số rào cản, ảnh hưởng đến việc đáp ứng, phục vụ nhu cầu của khách hàng”, bà Thảo nói thêm.

Giải pháp phát triển bền vững nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Theo ông Andre-Pierre Gentzsch – Tổng Giám đốc Tổ hợp du lịch và dịch vụ Ariyana Tourism Complex, muốn nâng cao chất lượng ngành du lịch tại Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực nói riêng, cần đi theo hướng phát triển bền vững: “Cụ thể, người làm nghề du lịch cần đối xử với khách hàng của mình cũng như cách họ yêu thương thành viên trong gia đình. Ngoài ra, việc đào tạo sinh viên ngành du lịch cần thực tế hơn, họ cần được luyện tập nhiều lần song song với quá trình đi học. Như vậy, họ sẽ tự tin làm nghề khi ra trường mà không cần phải đào tạo lại”.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn đánh giá, việc đào tạo đội ngũ sinh viên là nguồn nhân lực du lịch tương lai cần phát huy khả năng “đa nhiệm”. Bà Xuân nói: “Sau đại dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng và ứng xử của khách hàng hoàn toàn thay đổi. Họ mong muốn một người hướng dẫn viên không chỉ có kiến thức, kỹ năng thuyết minh tốt mà đôi khi các bạn ấy còn phải là người biết chụp ảnh, dựng video hay tổ chức sự kiện trong quá trình dẫn tour của mình, ví dụ như sự kiện sinh nhật của khách hàng, để đáp ứng điều khách hàng mong muốn”.

Nỗi lo nguồn nhân lực Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 3.

Theo bà Xuân, một hướng dẫn viên cần phát huy khả năng “đa nhiệm” như thuyết minh, chụp ảnh… Ảnh: Trung Hiếu.

Đồng tình với quan điểm để ngành du lịch phát triển bền vững, nhân lực cần tập trung vào yếu tố “cảm xúc” của khách hàng, bà Đoàn Trần Phương Thảo – Giám đốc nhân sự các quốc gia Đông Dương và Hàn Quốc, Tập đoàn Intercontinental Hotel Group chia sẻ: “Đội ngũ quản lý cần đào tạo cho các bạn nhân viên hiểu được văn hóa của từng nước khác nhau, xem họ mong muốn điều gì, để từ đó chúng ta có thể hiểu được những nhu cầu của khách hàng, giúp họ có được những trải nghiệm tuyệt vời khi tới Việt Nam”.

Để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” nhân lực ngành du lịch, bà Thảo đưa ra đề xuất: “Các nhà quản trị du lịch cần có những biện pháp tiếp thêm ‘lửa’ đam mê cho các bạn trẻ làm nghề này. Đó là chất xúc tác để các bạn mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đội ngũ quản lý cần xây dựng những lộ trình phát triển công việc hết sức rõ ràng cho các bạn trẻ có triển vọng. Những cơ hội phát triển nên được công bố một cách rộng rãi và tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo… Việc làm trên sẽ khiến cho các bạn trẻ làm trong ngành du lịch nhận thấy sự phát triển của họ đã và đang rất được mọi người đều quan tâm đến, từ đó có động lực gắn bó, cống hiến hơn”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *