Nhà Zand – Triều đại không ngai của Ba Tư

*Bối cảnh lịch sử Ba Tư.

Trong lịch sử Ba Tư, giai đoạn cuối thế kỷ 18 là một thời kỳ hỗn độn với cả mớ triều đại chồng chéo lên nhau.

Khởi đầu với một triều đại chính thống là Safavid, đến những năm cuối thế kỷ 17 thì Ba Tư rơi vào thế kẻ thù vây kín các mặt. Từ Nga, Ottoman tới Mughal đều có các cuộc chiến lớn nhằm vào Ba Tư khiến nhà Safavid kiệt quệ. Nhưng rồi cuối cùng, Ba Tư rơi vào họa xâm lăng của người Afghanistan. Năm 1722, quân Afghanistan hạ kinh thành Isfahan của triều Safavid, lập nên triều Hotak của người Afghanistan. Đối với một số người là vậy, còn một số người Ba Tư khác thì đơn giản coi đây là thời Ba Tư là ”thuộc địa” của Afghanistan chứ chẳng có ”triều Hotak” nào hết.

Triều Hotak của người Afghanistan chiếm 3/4 lãnh thổ Ba Tư, nhưng ở 1/4 còn lại dân chúng vẫn là thần dân Safavid. Đúng lúc này một anh hùng kiệt xuất ra mặt. Nader Shah – một anh lính bình thường phất cờ khởi nghĩa đánh quân Afghanistan, không biết được Allah phù hộ thế nào mà đánh đến đâu thắng đến đó. Cuối cùng, Nader Shah giành lại kinh thành Isfahan, đuổi người Afghanistan về nước. Việc tiếp đó của ông là khôi phục ngôi vị cho vua Safavid, nhưng bản thân thì nắm hết quân đội. Déjà vu?

Nắm quân đội trong tay, Nader Shah mặc sức tung hoành trong các cuộc chinh phạt tứ phía, spam lãnh thổ Ba Tư lên cực đại. Nhưng tỷ lệ thuận với các chiến thắng là độ điên loạn và thậm chí hoang tưởng của Nader Shah. Nhiều công thần, cấp dưới của Nader Shah, thậm chí cả ruột thịt cũng bị ông xử chết với chỉ một chút nghi ngờ. Năm 1736, cảm thấy không gì cản nổi, Nader Shah phế vua Safavid, lập triều đại cho riêng mình – triều Afsharid.

Nước Iran lúc này bị chia rẽ nặng nề. Có những thế lực say mê với những cuộc phiêu lưu quân sự đẫm máu của Nader Shah, hết mình ủng hộ triều Afsharid của ông. Ở những nơi khác, người dân một mặt đã mệt mỏi sau hàng thập kỷ chiến loạn, một mặt vẫn tôn thờ sự chính danh của triều Safavid. Hậu quả là vào một đêm đẹp trời, Nader Shah trong lúc ngủ trong lều cùng thê thiếp đã bị chính quân sĩ của mình ám sát.

Cái chết của Nader Shah khiến triều Afsharid lục đục và suy yếu. Mặc dù vậy, họ vẫn chọn ra được các hậu duệ ở kinh thành Isfahan để lên ngôi, kéo dài triều đại của nhà Afsharid. Trong lúc đó, ở phần còn lại của đất nước, một bộ lạc mạnh mẽ nổi lên: bộ lạc Zand – gốc Kurd, được cho là những kẻ đã ám sát Nader Shah vì ông bị ám sát trong chiến dịch trừng phạt người Kurd. Đứng đầu bộ lạc này là Karim Zand Khan. Từ đây mở ra một thời kỳ mới không kém phần rối não.

*Triều Zand và những thành tựu.

Việc đầu tiên Karim Zand Khan làm là: cho người đột nhập kinh thành Isfahan bắt cóc cháu trai của vua Safavid, lúc này đang bị quân Afsharid giam lỏng. Sau đó, họ đưa cậu bé lên làm vua tiếp theo của triều Safavid, lần thứ 2 trong lịch sử khôi phục ngôi vị cho triều đại này sau khi đã mất ngôi. Mục đích thì dĩ nhiên là để tăng tính chính danh cho mọi hành động của Karim Zand Khan sau này.

Nhưng mới chỉ có vua chính danh, còn kinh thành chính danh Isfahan vẫn nằm trong tay quân Afsharid thì làm sao? Dễ, ra ”Chiếu dời đô” là xong. Mượn tay vua bù nhìn Safavid, Karim Zand Khan cho dời kinh thành của Ba Tư về thành Shiraz – thánh địa của nhà Zand. Nhưng Shiraz là thành nhỏ, dân ít, nên sau đó nhà Zand chọn thêm một ”thủ đô dự phòng” nữa là Teheran – chính là thủ đô hiện tại của Iran.

Vì đã dựng vua Safavid lên ngai vàng để chính danh, nên Karim Khan không thể xưng ”Shah” (vua của Ba Tư). Thay vào đó, ông xưng làm ”Vakil-e daulat” (وکیل-ا دولت). Dịch từ ”vakil” theo nghĩa đen thì nó là ”luật sư”, nhưng trong trường hợp này thì nó nên dịch là ”phó vương” hoặc như Miến Điện hiện đại là ”cố vấn nhà nước”. Chính vì lẽ đó, người Ba Tư gọi triều Zand là ”vương triều không ngai”.

Triều đại Zand kéo dài 45 năm với chỉ 2 đời vua: Karim Zand Khan và Ali Zand Khan. Triều đại được ghi dấu trong lịch sử Ba Tư là triều đại đã phục hưng đất nước sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá. Dưới thời Zand, các vua Ba Tư đã cố gắng kéo đất nước ra khỏi các cuộc chiến tranh, bất chấp các thế lực thủ cựu trung thành với triều Afsharid vẫn cát cứ nhiều nơi trên lãnh thổ.

Vua Karim Zand Khan – cho đến nay vẫn được coi là vị vua nhân từ nhất trong lịch sử nước này. Thậm chí sau cách mạng Hồi giáo Iran, chính quyền Hồi giáo đòi đổi tên tất cả các địa danh có tên các vua phong kiến, thì chỉ duy nhất tên đường Karim Zand Khan ở cố đô Shiraz được giữ lại. Người ta bảo rằng thực chất người dân Shiraz ”thà chết không xóa tên vua” nên chính quyền mới nhượng bộ.

Có hàng tá câu chuyện lưu truyền về tính giản dị và gần gũi với dân chúng của vua Karim Khan. Dưới thời của ông, kinh tế Ba Tư được phục hưng, không những thế nền nghệ thuật còn phát triển nhanh chưa từng có về cả kiến trúc, hội họa, thi ca,… Vua Karim Khan cũng là người tiên phong tiếp xúc với người Anh, mặc dù có những ghi chép cho thấy nhà vua ”không xem người Anh là những người tốt”. Nhà vua cũng cải cách lại thuế, đánh thuế công bằng cho tất cả mọi người. Ngoài ra luật pháp cũng được bớt hà khắc hơn, hiếm khi thực hiện án tử hình. Tuy nhiên, vào cuối thời cai trị của Karim Khan, một tai họa giáng xuống đầu dân Ba Tư. Năm 1772-1773, dịch hạch giết chết 2 triệu người dân nước này.

Ngay sau khi Karim Khan qua đời, cháu trai ông Ali Khan lên nối ngôi tỏ ra không đủ sức để kế thừa di sản to lớn của tiên vương. Thực chất, triều Zand sau cái chết của Karim Khan rơi vào một cuộc chiến giành ngôi đẫm máu với kết quả cuối cùng là Ali Khan lên ngôi. Chỉ ít năm sau, triều Zand gặp phải sự nổi lên của các bộ lạc vùng Kavkaz, mà đáng kể nhất là bộ lạc Qajar ở Azerbaijan. Do nhiều năm không tăng cường quân đội, hậu quả là triều Zand không thể tự vệ trước sức mạnh quân sự của kẻ thù. Năm 1794, nhà Qajar lật đổ nhà Zand, chấm dứt 45 năm ”vương triều không ngai” của bộ lạc này.

Nhà Qajar sau đó thống nhất toàn bộ Ba Tư, cai trị đất nước trong 135 năm trước khi thay đổi triều đại cho triều Pahlavi – triều đại quân chủ danh nghĩa cuối cùng của Ba Tư.

Ảnh: Karim Zand Khan – nhà sáng lập triều Zand dù không xưng Vua.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *