NHÀ LÝ – TRIỀU ĐẠI HÙNG CƯỜNG BẬC NHẤT TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM, NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VÀ NGUỒN CƠN SỤP ĐỔ CHỈ VÌ LÀM SAI 1 LỜI TRĂN TRỐI

Từ sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Toàn tức Đinh Phế Đế và nhà Tiền Lê được thành lập thì vào triều vua cuối cùng là Lê Long Đĩnh đã xuất hiện một vị Điện tiền Chỉ huy sứ Văn Võ song toàn là Lý Công Uẩn, sau cái chết của Lê Long Đĩnh, dưới sự đồng tình của các quan trong triều, Lý Công Uẩn đã lên ngôi mở đầu cho một triều đại huy hoàng kéo dài 216 năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam
Ở bài viết này mình xin phép không đề cập quá chi tiết đến quá trình hình thành và phát triển của nhà Lý mà chỉ đưa đến cho các bạn một số những chi tiết thú vị xoay quanh triều đại nhà Lý- một trong những triều đại phát triển hùng cường bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

  1. Con số 216 định mệnh:
    Vua nào sau buổi đăng quang
    Dời Hoa Lư chuyển đô sang La Thành?
    Ngay sau khi lên ngôi vua, một trong những việc đầu tiên mà Lý Thái Tổ làm chính là dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau này đổi tên thành Thăng Long). Cũng trong thời gian này, ông đã viết Chiếu Dời Đô, một văn kiện vô cùng quan trọng và nổi tiếng, hầu như ai cũng đã một lần nghe qua. Một chi tiết vô cùng ly kì về Chiếu Dời Đô chính là văn kiện này được hoàn thành với tổng cộng 214 chữ cái và như chúng ta đã biết nhà Lý tồn tại 216 năm nhưng 2 năm cuối của Triều Đại chính là của nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng khi mọi quyền lực đã rơi vào tay của Trần Thủ Độ và bà chỉ ở ngôi vương như một quân cờ cho ngày đăng cơ của chồng là Trần Cảnh. Con số 214 chính là số năm thực quyền của nhà Lý và sau này khi các sử học nghiên cứu đã phát hiện ra đó cũng chính là số kí tự mà Lý Thái Tổ đã viết trên Chiếu Dời Đô. Mãi đến sau này, các nhà nghiên cứu đôi khi vẫn còn tranh cãi phải chăng vua Lý Thái Tổ đã tiên đoán được trước vận mệnh của triều đại và ông đã để lại tiếc nuối cho con cháu khi không viết Chiếu Dời Đô nhiều chữ hơn…
  2. Lý Thái Tông – Người kế nghiệp vĩ đại của nhà Lý:
    Sau khi vua cha Lý Thái Tổ mất, con trai lớn của ông là Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, kế thừa di sản to lớn nhưng còn dang dở của vua cha với muôn vàn khó khăn từ trong đến ngoài. Cũng giống như cha mình xuất thân từ cửa Phật, Lý Phật Mã cũng được sinh ra chốn cửa chùa, chi tiết này càng chứng tỏ Lý Phật Mã cũng giống với cha là một vị vua được Trời chọn và sự ra đời của ông chính là Trời cao và Thần Phật đã an bài phúc phận cho nước Việt lúc bấy giờ vậy. Các nhà nghiên cứu còn đưa ra một số chi tiết sau: trong năm sinh và tướng mạo của Lý Phật Mã đã có nhiều dấu hiệu tiên đoán trước cho cuộc đời của vị Hoàng đế này. Đầu tiên là năm sinh Canh Tý đã nói lên tương lai của một vị Vua. Tý đứng đầu 12 con Giáp, tượng trưng cho vua. Chữ Canh thuộc Kim tượng trưng cho kim loại, binh khí, chiến tranh. Sau đó, dấu hiệu trên thân thể cũng nói lên những điều tương tự. Tương truyền, thuở nhỏ ông đã có 7 nốt ruồi sau gáy như chòm sao thất tinh (sao Bắc Đẩu). Chòm sao này ở Ireland được ví như “cỗ xe chiến mã của vua David” còn ở Pháp, nó còn được gọi là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles – Charlemagne hay Charles Đại Đế là vị Hoàng đế chinh phục vĩ đại nhất của đế quốc Carolinger – tiền thân của nước Pháp) còn theo tử vi 7 vị Bắc Đẩu tinh quân bao gồm:
    Bắc đẩu đệ nhất Dương Minh Tham Lang tinh quân
    Bắc đẩu đệ nhị Âm Tinh Cự Môn tinh quân
    Bắc đẩu đệ tam Chân Nhân Lộc Tồn tinh quân
    Bắc đẩu đệ tứ Huyền Minh Văn Khúc tinh quân
    Bắc đẩu đệ ngũ Đan Nguyên Liêm Trinh tinh quân
    Bắc đẩu đệ lục Bắc Cực Vũ Khúc tinh quân
    Bắc đẩu đệ thất Thiên Quan Phá Quân tinh quân
    => Tham Lang, Phá Quân, Vũ Khúc, Liêm Trinh đều là những vì sao được mệnh danh là Sát tinh, chủ việc quân sự, tổ hợp của các ngôi sao này đem lại sự tàn phá và bạo loạn, sự kết hơp này khó ai mong muốn vì không thể chế ngự được sức mạnh của 7 ngôi sao này nhưng đồi với bậc “Chân mệnh đế Vương” như Lý Thái Tông thì đó chính là lá số tuyệt vời để ông xây dựng 1 nền văn trị giàu mạnh và trở thành một vị vua Bách chiến bách thắng trong lịch sử Việt Nam
  3. Loạn Tam Vương – 1 trong những sự kiện huynh đệ tương tàn đẫm máu trong lịch sử Việt Nam:
    Ở Trung Hoa, câu chuyện Huyền Vũ Môn nổi tiếng của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đi vào sử sách muôn đời. Lý Thế Dân cũng lâm vào tình cảnh huynh đệ tương tàn buộc phải giết 2 người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Các sử gia vẫn ca ngợi điều đó như một lựa chọn sáng suốt, bất chấp tính đẫm máu của nó. Lý do là hành động đó được xem là đại nghĩa diệt thân, đem lại sự ổn định cần thiết cho triều Đường. Và cũng tương tự như câu chuyện Huyền Vũ Môn. Sử sách chép lại sự kiện Loạn Tam Vương của Lý Thái Tông như sau: “Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu Tuất, vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức tức em cùng cha với Thái tử Lý Phật Mã nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, đợi Thái tử đến thì đánh úp. Đứng trước quyết định vô cùng khó khăn, ông hỏi ý những quan cận thận của mình. Vì lòng trung thành của mình với tiên đế, tướng quân Lê Phụng Hiểu với võ nghệ cao cường cho mở cổng thành, quyết 1 trận sống chết với quân của 3 vương, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng“ rồi xông thẳng đến chỗ của Vũ Đức Vương lúc đó bắt giết, quân phản loạn bị truy sát gần hết, chỉ có Đông Dinh và Dục Đức chạy thoát và 1 thời gian sau trở về xin hàng, Lý Phật Mã lúc đó đã là Vua Lý Thái Tông không xử tội chết mà còn giữ mối quan hện tốt với anh em của mình, cho thấy tấm lòng nhân nghĩa của ông
  4. Nguyên phi Ỷ Lan – Công và Tội đối với nhà Lý:
    Ai giúp vua Lý Thánh Tông
    Vừa coi việc nước, vừa trông việc nhà
    Để vua dẹp giặc phương xa
    Giữ gìn đất nước, hoàng gia yên bình?
    => Dưới thời vua Lý Thánh Tông vào năm 1069 quân Chiêm Thành cướp phá Đại Việt, vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng với Lý Thướng Kiệt cầm quân dẹp giặc Chiêm Thành, cuối cùng bắt được vua Rudravarman III, lúc này vua Rudravarman III xin dâng đất 3 châu cho Đại Việt để chuộc tội nhờ đó mà lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đáng kể về phía Nam. Trong lúc vua thân chinh đánh giặc, ông đã trao lại quyền hành cho Ỷ Lan Nguyên Phi và Thái sư Lý Đạo Thành, nhờ có tài trị nước dù vua Lý Thánh Tông đã thân chinh đánh giặc nhưng mọi chuyện trong nước đều được bà sắp xếp và giải quyết ổn thỏa còn được dân gọi là “Bà Quan Âm”.
    Do Lý Thánh Tông có con muộn với Ỷ Lan là Thái tử Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) nên bắt đầu xảy ra sự tranh giành về quyền buông rèm nhiếp chính thay cho vị Vua nhỏ mới lên ngôi. Theo như quy định từ xưa của Nho giáo thì Thái tử dù là con của người vợ nào cũng được xem như con của người vợ chính thức tức Thượng Dương Hoàng Hậu. Lúc này trong triều chia làm 2 phe phái đứng đầu triều là Thái sư Lý Đạo Thành vốn là 1 nhà Nho tuân theo kỷ cương của Khổng giáo nên tôn trọng việc chính danh, ông cho rằng Thượng Dương là Hoàng Hậu đương nhiên sẽ đảm nhận việc nhiếp chính, còn Ỷ Lan vốn chỉ là 1 Hoàng Thái phi không thể có quyền hành hơn Thượng Dương được. Còn phe thứ 2 là một liên kết giữa Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt do Lý Thường Kiệt ủng hộ bà vì trước đây từng có thời gian thay vua Lý Thánh Tông trị vì đất nước. Tuy nhiên cuối cùng Thái sư Lý Đạo Thành (là người đứng đầu các quan lại trong triều) vẫn quyết định Thượng Dương sẽ buông rèm nhiếp chính thay cho vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi. Tức giận và buồn bực vì mình là mẹ đẻ mà không được nắm quyền lực nên trong thời gian chăm sóc cho vua Lý Nhân Tông, bà thường than thở với vị vua nhỏ những uất hận của mình và sau đó là tác động đến việc Lý Nhân Tông phế truất Thượng Dương và bắt giam bà cùng với 72 cung nữ khác, chờ đến khi linh cữu của tiên đế Lý Thánh Tông được hạ huyệt Ỷ Lan đã cho chôn sống Thượng Dương cùng 72 cung nữ của bà gây ra vụ thảm sát hậu cung đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam và điều Lý Đạo Thành ra trấn thủ Nghệ An để trừng phạt. Cũng chính sự kiện thảm sát này đã gây ra một sự rối ren trong triều đình, nhân cơ hội đó quân Chiêm Thành và Quân Tống cho quân tràn vào Đại Việt để xâm chiếm, Lý Thường Kiệt chủ động xóa tan hiềm khích với Lý Đạo Thành và mời ông về triều để bàn kế sách đánh giặc, may mắn là nhờ những vị tướng giỏi và quân dân 1 lòng Thái Úy Lý Thường Kiệt đã mang lại chiến thắng vẻ vang trước quân Tống sửa sai cho Nguyên Phi Ỷ Lan
  5. Lý Nhân Tông – sự chọn lựa không hoàn hảo mở đầu cho thời kì suy vong của nhà Lý:
    Dưới thời Lý Nhân Tông và Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (Ỷ Lan) nhà Lý bắt đầu hưng thịnh trở lại, triều đình cho mở khoa thi đầu tiên và đến năm 1076 thì cho xây dựng Văn miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Đến khoảng năm 1085, Ỷ Lan Nguyên Phi lúc này là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu trao lại quyền hành cho vua Lý Nhân Tông và Lý Nhân Tông cũng trở thành vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù lập tới 3 hoàng hậu và 36 cung nhân nhưng Lý Nhân Tông vẫn không thể có con nối ngôi do đó khi tuổi ngoài 50 ông đã chọn Lý Dương Hoán là con của em trai mình làm con nuôi và phong làm Thái tử khi mới 1 tuổi. 10 năm sau, khi Lý Dương Hoán 11 tuổi Lý Nhân Tông băng hà, Lý Dương Hoán lên nối ngôi lấy hiệu là Lý Thần Tông tôn cha mình là Sùng Hiền hầu lên làm Thái thượng hoàng trở thành thái thương hoàng đầu tiên được ghi chép trong lịch sử. Dường như không có được “huyết long” của tiên đế, vị vua trẻ không lo chính sự mà chỉ lo sưu tầm những của lạ trong dân gian để thõa mãn thú vui của mình, mặc dù ham chơi nhưng dưới thời của ông vẫn còn nhiều quan văn võ giỏi nên vẫn duy tri được sự ổn định trong nước, nhưng bát đầu từ thời Lý Thần Tông, nhà Lý đã bắt đầu suy vong.
  6. Nguồn cơn sụp đổ cơ đồ của nhà Lý vì một lời trăn trối
    Sau khi Lý Thần Tông băng hà, con trai của ông là Lý Thiên Tộ kế nghiệp vua cha lấy hiệu là Lý Anh Tông, do vua còn nhỏ Lê Thái Hậu lộng quyền nhiếp chính tin dùng Đỗ Anh Vũ sau này còn tư thông với hắn, tên lộng thần này cậy được tin tưởng mà làm càn, lộng quyền, gây ra nhiều rối ren trong triều đình, lòng dân bắt đầu căm phẫn. Dù đã bị một số trung thần nhà Lý mang ra xử tội do Lê Thái Hậu tìm mọi cách xin vua, Đỗ Anh Vũ chỉ bị bắt đi cày cho nhà nước mà miễn tội chết, cũng chính Lê Thái Hậu trong thời gian ngắn đã dùng tiền và quyền lực phục chức lại cho Đỗ Anh Vũ để hắn trả thù tàn bạo những trung thần khi xưa xét xử mình, phần lớn trung thần và những người tài giỏi đều bị xử chém hoặc đày đi xa, triều đình chỉ còn lại một số người tài giỏi, nội bộ triều đình bắt đầu chán nản và ngày càng suy vong. Khi Đỗ Anh Vũ chết sau bao nhiêu sóng gió gây ra, quyền lực mới thực sự về tay của Lý Anh Tông, ông phong cho Tô Hiến Thành làm thái úy phụ mình điều hành việc nước. Do Thái tử lớn là Lý Long Xưởng gian dâm với cung nữ nên đã bị phế truất và ngôi thái tử được truyền lại cho Lý Long Cán, ông lên ngôi khi còn quá nhỏ tuổi nên quyền phụ chính được giao cho Thái úy Tô Hiến Thành tuy nhiên khi Lý Cao Tông mới lên 6, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng, vào những ngày cuối đời, Thái hậu lúc đó có đến bên giường để nhờ ông tiến cử người phụ chính tiếp theo nếu như ông có bất kì mệnh hệ nào, ông tiến cử Giám nghị Đại phu Trần Trung Tá người có tài có đức mà theo ông sẽ đủ sức thay thế ông giúp vua cai trị đất nước (tình tiết này cũng nói lên sự công tư phân minh của Tô Hiến Thành khi không chọn Tham Tri chính sự Vũ Tán Đường người mà luôn túc trực hầu hạ và chăm sóc ông khi ông bệnh). Nhưng cuối Lê Thái Hậu đã không làm theo lời trăn trối của Tô Hiến Thành, bà không sử dụng Trần Trung Tá cũng không sử dụng Vũ Tán Đường mà lại dùng em của mình là Đỗ An Di để gánh vác chuyện quốc gia đại sự, vì bất tài kém đức Đỗ An Di đã làm hư hỏng vua Lý Cao Tông, khiến ông đi vào con đường trở thành vị vua tăm tối, mầm mống phá vỡ cơ đồ nhà Lý. Trần Trung Tá làm Thái phó phụ chính cho vua, dẫn đến sau này vua Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự mà chỉ lo ăn chơi, nhà Lý đi vào suy vong.
    Con trai của Lý Cao Tông là Lý Huệ Tông tỏ ra nhu nhược, bất tài. Khi trong nước bắt đầu có binh biến và quyền lực dần rơi vào tay của họ Trần và họ Đoàn, nhưng do không còn ai ủng hộ nên ông buộc phải dựa vào đại diện của nhà Trần lúc bấy giờ là Trần Tự Khánh, sau khi Tự Khánh mất thì tiếp tục dựa vào Trần Thừa, mở đầu cho một thời kì chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần mà Lý Chiêu Hoàng là một con cờ.
    ==>>Đây chỉ là 1 vài nguyên nhân tiêu biểu trong vô số những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lý, chỉ vì dùng sai 1 con người mà đã làm mất đi cơ đồ của tiên đế gây dựng. Lịch sử vốn là một bức tranh muôn hình vạn trạng và trong nội dung hạn chế của bài viết không thể đề cập quá chi tiết về những nguyên nhân khác đã làm cho nhà Trần bước chân vào chính sự, dẫn đến những sự chuyển ngôi tuy bên ngoài êm thấm nhưng thực chất vẫn vô cùng đẫm máu, bài viết chỉ tổng hợp 1 cách tóm tắt những điều mà sách sử để lại chứ không đả kích hay phê phán bất cứ ai. Vì quan điểm của mình lịch sử là bài học để chúng ta nhìn vào mà không đi vào vết xe đổ của tiền nhân chứ không phải phê phán tiền nhân.
    Nguồn:
  7. Việt Nam sử lược
  8. Đại Việt sử ký toàn thư
  9. Lịch sử Việt Nam qua các triều đại
  10. Tô Hiến Thành – Vị quan thanh liêm chính trực

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *