NGUYÊN THÁNH THIÊN CẢM HOÀNG HẬU – XUẤT THÂN CAO QUÝ NHƯNG LẠI “ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG”

Khi nhắc đến nhà Trần, có lẽ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một biểu tượng được nhiều người biết đến qua tác phẩm Hịch tướng sĩ và những lần kháng chiến chống quân Mông- Nguyên. Tuy nhiên, thành công của ông còn đến từ sự tương trợ của một người con gái. Đó chính là người em gái ruột có vị trí chính trị rất đặc biệt – Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu.

Bà là phối ngẫu duy nhất của vua Trần Thánh Tông và là mẹ ruột của vị vua nổi tiếng Trần Nhân Tông. Tư liệu về Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu (元聖天感皇后) rất khiêm tốn. Bà không rõ năm sinh, chỉ biết bà có tên là [Thiều; 韶], con gái thứ 5 của An Sinh vương Trần Liễu và là em gái của Trần Quốc Tuấn. Tên Thiều thường dùng trong “thiều hoa” hoặc “thiều quang” đều mang ý nghĩa là quang cảnh tốt đẹp.

Luận vai vế, bà gọi Thái Tông hoàng đế bằng chú, Thái thượng hoàng Trần Thừa bằng ông nội. Mẹ bà không được ghi chép lại, có lẽ là Thiện Đạo quốc mẫu, húy là Nguyệt, kế thất của An Sinh vương Trần Liễu. Bà là con gái thứ 5 trong số các con gái của An Sinh vương. Tính ra, bà chính là người đầu tiên liên hôn, cầu nối giữa hai nhánh hoàng tộc họ Trần[1] tộc sau vụ việc xảy ra vào năm 1237[2]. Có rất ít tư liệu lịch sử về bà, Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ ghi rõ tiến trình của bà trước khi phong làm Hoàng hậu:

Năm 1237, xảy ra vụ phế truất ngôi hậu của Thái Tông hoàng đế, cha bà làm loạn ở sông Cái. Sau đầu hàng và bị giáng chức, biếm ra Yên Sinh. Có lẽ bà cùng các anh khác giống như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đều bị giữ lại ở kinh thành Thăng Long, nương nhờ Thụy Bà công chúa là em gái của Thái Tông hoàng đế, tức là cô mẫu của bà cùng Hưng Đạo vương.

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), tháng 2, Thái tử Trần Hoảng lên kế vị, sử gọi Trần Thánh Tông. Tháng 8 năm ấy, bà được sách phong làm Thiên Cảm phu nhân (天感夫人), rồi không lâu sau thì chính thức phong làm Hoàng hậu. Ngày 11 tháng 11 năm ấy, Hoàng hậu sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế. Như vậy, bà đã gặp gỡ và được Thánh Tông sủng hạnh ít nhất khoảng đầu năm đó, ngay khoảng thời gian Thánh Tông kế vị hoặc sớm hơn nữa.

Theo mốc thời gian này, tức bà đã mang thai con của Trần Thánh Tông trước khi được sách lập làm Hoàng hậu. Dựa theo việc bà có thai trước với Thánh Tông và những dữ kiện lịch sử sau đó, chúng ta có thể suy đoán bà vốn không phải là người chắc chắn được chọn làm Hoàng hậu. Vụ việc mang thai Nhân Tông hoàng đế gần như đã giúp cho bà danh chính ngôn thuận. 

Để lý giải cho điều này, quay lại bối cảnh năm 1258, cha của bà là An Sinh vương đã qua đời, anh trai của bà Trần Quốc Tuấn mới cướp Thiên Thành công chúa về làm vợ năm 1251. Trong triều đình, người có quyền hành khi đó, ngoài vua Trần Thái Tông còn có Thái sư Trần Thủ Độ. Xét về lợi ích thì cuộc hôn nhân giữa con gái An Sinh vương và Thái tử Trần Hoảng sẽ là một sứ giả hòa bình và thiện chí, thắt chặt mối quan hệ giữa hai nhánh trong tông tộc họ Trần. Chắc hẳn, Thái Tông lẫn Trần Thủ Độ đều sẽ dễ dàng tán thành và không phản đối đám cưới này. Vậy tại sao bà phải làm như vậy?

Xét về bối cảnh lịch sử thì vai trò của Thiên Cảm trong hoàn cảnh chính trị này rất đặc biệt vì bà là cầu nối giữa hai nhánh hoàng tộc sau vụ việc xảy ra vào năm 1237. Tuy nhiên, dù vai trò to lớn, nhưng sử sách thời kì này rất ít đề cập đến bà, ngay cả khi bà đã qua đời cũng không ghi thêm gì, an táng ở đâu, đặc biệt sơ sài nếu so với hai người cháu Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu, Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu về sau. Thậm chí, thụy hiệu của bà cũng không theo thể thức có hậu tố Từ như các Hoàng hậu khác của nhà Trần, trừ những người đã bị phế: Chiêu Thánh hậu Lý Thiên Hinh, Quang Loan hậu Trần Thục Mỹ. 

Việc này cộng với sự việc bà mang thai Trần Nhân Tông dù chưa được chính thức cưới gả, đã cho thấy lục đục nội bộ của triều Trần khi đó. Lại càng có thể khẳng định rằng, ngay từ đầu ngôi vị Hoàng hậu có thể là một người khác chứ bà chưa từng được định sẽ là người hàn gắn mối rạn nứt này giữa hai nhánh.

[1]Hai nhánh trong tông tộc họ Trần: Trong quá trình phát triển, họ Trần tồn tại 2 nhánh lớn: Vạn Kiếp và Thăng Long. Nhánh Thăng Long là nhánh vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh. Nhánh Vạn Kiếp là nhánh của An Sinh Vương Trần Liễu. Làm một phép so sánh nhỏ sẽ thấy Trần Quang Khải (nhánh Thăng Long) được phong Chiêu Minh Đại Vương năm 17 tuổi. Tước “Đại vương” lớn hơn “Vương” , còn Đức thánh Trần Hưng Đạo phải đến khi luận công 3 lần đánh Mông Nguyên mới được phong Hưng Đạo Đại Vương, trước đó ông chỉ là Hưng Đạo Vương mà thôi. Điều đó cho thấy sự phân biệt và cả mâu thuẫn giữa nhánh Vạn Kiếp và nhánh vua ở Thăng Long là rất khủng khiếp.

[2] Vụ việc xảy ra vào năm 1237: Năm 1237, vì Lý Chiêu Hoàng không có con, Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên, lúc ấy đã có mang ba tháng với Trần Liễu. Từ đó khiến An Sinh vương rất căm hờn Trần Thái Tông

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *