NGUYÊN THÁNH THIÊN CẢM HOÀNG HẬU: CHẤT KEO GẮN KẾT NHÀ TRẦN

NGUYÊN THÁNH THIÊN CẢM HOÀNG HẬU: CHẤT KEO GẮN KẾT NHÀ TRẦN.

Tại vị: 1258-1278

Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu ( 元聖天感皇后 ) tên húy là Trần Thị Thiều, là hoàng hậu của vua Trần Thánh Tông và là mẹ đẻ của vua Trần Nhân Tông. Cuộc đời bà trải qua vô cùng êm đềm và bình yên, không có đau khổ, không có mất mát, không có nước mắt. Nhưng lại không phải cuộc đời của bà. Bao nhiêu năm bà phải giam mình trong cung cấm, sống và phục vụ cho lợi ích của gia tộc. Không biết đã khi nào bà mong ước mình là một cô thôn nữ tự do tự tại?

Hoàng hậu không rõ sinh vào năm nào, nhưng theo nhiều suy đoán bà sinh ra sau khi nhà Trần đã lấy được ngôi vua và trước khi xảy ra sự kiện Lý Phế hậu (tức là trong khoảng thời gian từ năm 1225-1237). Thân sinh của bà là Khâm Minh đại vương Trần Liễu, con trưởng của Thái Tổ Chí Hiếu hoàng đế Trần Thừa, anh ruột của Trần Thái Tông. Bà gọi Thái Tông hoàng đế bằng chú, Thái thượng hoàng Trần Thừa bằng ông nội. Mẹ bà có lẽ là Thiện Đạo quốc mẫu, húy là Nguyệt, xuất thân trong hoàng tộc nhà Trần. Từ nhỏ cuộc sống của bà đã rất sung sướng và quyền quý, chẳng khác gì một tiểu công chúa…

Ngoài ra, bà có các anh là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, Vũ Thành vương Trần Doãn, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, đều là những tên tuổi ảnh hưởng lớn trong hoàng tộc. Ngoài ra, theo ghi nhận thì bà là con gái thứ năm của Khâm Minh Đại vương, nên trước đó bà còn 4 người chị nữa, nhưng hiện không rõ được danh tính. Quả thực chẳng mấy ai trong lịch sử xuất thân hiển hách như bà…

Cuộc sống của cả gia đình có lẽ sẽ mãi yên bình trôi qua như thế nếu như không có sự nhúng tay của Trần Thủ Độ. Năm 1237, viện cớ Chiêu Thánh hoàng hậu không sinh được con nối dõi, Thủ Độ đã phế Chiêu Thánh lập Thuận Thiên công chúa (vợ của Trần Liễu) làm hoàng hậu của Trần Thái Tông. Chính sự kiện này đã đẩy tình cảm của 2 anh em Trần Liễu, Trần Cảnh đã rạn nứt, giờ thì gần như không thể hàn gắn. Nói thật Trần Liễu luôn phải chịu những thiệt thòi bất công, trong khi đó Trần Cảnh thứ gì cũng có, đến vợ cũng được cướp về cho. Thử hỏi 2 chữ công bằng đang nằm ở đâu? Trước tình cảnh đó, Trẫn Liễu phẫn uất họp quân nổi dậy. Thái Tông chán nản bỏ đi lên Yên Tử, nhưng Trần Thủ Độ gây sức ép cũng đành phải quay về. Sau Trần Liễu biết không làm gì được phải đóng giả làm người đánh cá trốn lên thuyền Thái Tông xin tha tội. Thủ Độ biết được, cầm gươm đến định giết Liễu nhưng Thái Tông lấy thân mình che cho. Thái Tông tha tội Trần Liễu nhưng quân lính theo ông đều bị giết. Sự tụt dốc trong cơ nghiệp của thân phụ bà rất rõ ràng: từ Hiển hoàng (phụ chính bên cạnh vua) tụt xuống Hoài vương và cuối cùng rơi thê thảm thành Yên Sinh vương (cấp ấp thang mộc ở xa kinh thành). Lúc đó bà vẫn còn khá nhỏ. Chịu cảnh nhà rắc rối quả là đã để lại những kí ức sâu sắc trong bà. Vì muốn nuôi dạy con cái cho tốt, Trần Liễu đã phải rời xa các con, để chúng lại ở kinh thành cho Thụy Bà công chúa (em gái của Thái Tông Trần Cảnh) nuôi dạy. Có lẽ đây là bước ngoặt lớn trong đời bà khi lớn lên mà thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Cuộc sống trong cung có lẽ thật cô đơn và buồn bã, thậm chí là tủi thân. Bà bắt đầu với những bài học về lễ nghi cung đình, thêu thùa may vá, những công việc mà nữ nhân phải biết. Cũng chính sự học hỏi không ngừng nghỉ đã giúp bà trở thành một người con gái tài sắc vẹn toàn…

Sử sách cũng không ghi chép lại bà được gả cho Thánh Tông vào năm nào. Nhưng theo nhiều suy đoán có lẽ cũng chỉ tầm tuổi 15-16. Kết hôn với Thái tử ít ra đã giúp bà nắm chắc suất làm hoàng hậu sau này. Năm 1258, Thánh Tông hoàng đế lên kế vị. Tháng 8 năm ấy, bà được sách phong làm Thiên Cảm phu nhân (天感夫人), rồi không lâu sau thì chính thức phong làm Hoàng hậu. Ngày 11 tháng 11 năm ấy, Hoàng hậu sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế. Cuộc đời bà coi như đã có chỗ dựa về sau.

Câu hỏi cũng được đặt ra: “Tại sao lại chọn bà làm hoàng hậu cho Trần Thánh Tông mà không phải ai khác?”.

Ai cũng biết nhà Trần có tục lệ chỉ lấy người trong tộc. Vậy hoàng hậu kế nhiệm phải là người mang họ Trần. Hoàng hậu cũng phải là người có xuất thân cao quý. Vậy nên những ứng cử viên đã được thu gọn tối đa. Nhưng đó đều không phải những lí do chính bà được chọn. Sự kiện Lý phế hậu năm xưa có lẽ để lại nhiều mặc cảm trong suy nghĩ trong đầu Thái Tông. Ông vẫn luôn cảm thấy có lỗi với anh trai của mình. Mối quan hệ giữa 2 ngành của họ Trần thực sự là không tốt đẹp. Nhà Trần khi đó lại là buổi đầu gây dựng, cơ nghiệp chưa vững. Tình đoàn kết trong hoàng tộc rất cần thiết đặc biệt khi vó ngựa Mông Cổ đã hí đâu đó của biên cương. Chọn nữ nhi của Trần Liễu phần nào đó xoa dịu sự mất mát, an ủi sự bất công năm xưa. Mối quan hệ của 2 ngành sẽ càng được củng cố. Mà trong số nữ nhi của Trần Liễu thì Trần Thiều là hợp nhãn nhất vì bà vừa xinh đẹp lại nữ công gia chánh, đức hạnh không ai hơn, lại xứng đôi vừa lứa với Thánh Tông. Bà quả thực đã không phụ sự kỳ vọng mà trở thành sợi dây liên kết nhà Trần, ghi dấu ấn khi trở thành bậc mẫu nghi hiền thục, đức hạnh.

20 năm làm hoàng hậu cứ như vậy mà êm đềm trôi qua. Năm 1278, Thánh Tông hoàng đế nhường ngôi lên làm Thái thượng hoàng. Bà được Nhân Tông hoàng đế tôn lên làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Thái thượng hoàng hậu. Nguyên Thánh tiếp tục cuộc đời an nhan, sung sướng trong cung.

Đổi lại cho sự tự do tự tại cùng với một tình yêu đẹp, bà đã nhận lại cho mình những thứ tương xứng không kém. Cuộc sống như bà không phải ai mong ước cũng có được.

Vào tháng 1, năm 1287, đang trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên lần thứ 3 thì Thái thượng hoàng hậu băng, không rõ bao nhiêu tuổi.

Kết thúc một đời người với vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà Trần. Bà có thể tự hào mình đã làm tốt những gì được lịch sử giao phó. Những công lao đó người đời sau sẽ không bao giờ quên…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *