NGUYÊN LÝ LOẠI TRỪ OCCAM VÀ TRIẾT LÝ KHỞI NGHIỆP TINH GỌN

Hãy giữ mọi thứ thật đơn giản

Tác giả: John Cousins

Dịch: Bùi Thanh Lâm

Bài dịch có sắp xếp lại hoặc lược bỏ một số phần nhằm mục đích trình bày, tuy nhiên vẫn giữ được nội dung chính của bài viết.

—–

Một trong những dấu mốc đầu tiên khi bước qua thời Trung cổ, đó là sự kết hợp của các kinh nghiệm vào trong việc lựa chọn những giả thuyết đang gây tranh cãi. Cách thức này đã và đang cho thấy hiệu quả rất tốt qua những bài học của nhân loại từ nhiều trăm năm trước. Và giờ đây, các doanh nhân hãy nên học và vận dụng nó một cách hợp lý khi bắt đầu khởi nghiệp.

Triết lý Khởi nghiệp tinh gọn (ND: nguyên văn “Lean Startup Methodology”) là một phương pháp mạnh mẽ giúp xây dựng một mô hình kinh doanh vững chắc thông qua việc giới hạn những dự đoán sai lầm về thứ mà khách hàng mong muốn. Triết lý này lấy cảm hứng từ việc kiểm định những giả thuyết và kết quả thực nghiệm trong khoa học. Bạn đưa ra dự đoán về thứ mà khách hàng mong muốn và cách mà bạn bán hàng; sau đó bạn sẽ phải kiểm định lại những giả định đó từ những phản hồi của khách hàng. Tiếp tục định hình lại các giả định cho đến khi bạn tìm được một phiên bản tốt nhất.

Quy trình trên đã đưa nhân loại thoát khỏi thời kỳ tăm tối, đến với một tầm cao mới về trình độ phán đoán và kiểm soát thế giới tự nhiên. Nó giúp chúng ta vượt qua khỏi suy nghĩ chủ quan để điều chỉnh cho đúng với thế giới thực tế ngoài kia.

Trong Khởi nghiệp tinh gọn, ta thường dùng một công cụ là business model canvas để tổ chức hoá những giả định về mô hình kinh doanh của mình. Sau đó, ta dùng một nguyên lý loại trừ được phát hiện ra ở thế kỷ 13 cho việc phân tích, chọn lựa những bộ giả định để điền vào canvas.

Đó là Nguyên lý loại trừ Occam.

NGUYÊN LÝ LOẠI TRỪ OCCAM

William xứ Ockham (1287-1347) là một thầy tu và triết gia người Anh. Ông là người đầu tiên phát biểu nguyên lý này. Trong tiếng Latin, nó còn được gọi với tên là “lex parsimoniae”.

Nguyên lý loại trừ Occam là một nguyên lý cho việc giải quyết vấn đề. Nó được phát biểu như sau:

Khi có nhiều phương án giải quyết cho cùng một vấn đề, hãy chọn cách giải quyết có ít giả định nhất.

Hãy chọn thứ đơn giản nhất.

Trong lĩnh vực khoa học, Nguyên lý loại trừ Occam được dùng như một kinh nghiệm được đúc kết trong việc phát triển một mô hình lý thuyết mới. Tuy vậy, nó không phải một tiêu chí quyết định giả thuyết nào đó đúng hay sai. Nó giống như một triết lý suy nghĩ nhanh và đơn giản mà mọi người tự quy ước với chính mình.

Hãy giữ cho mọi thứ thật đơn giản. Giả thuyết càng đơn giản thì càng được chấp nhận rộng rãi hơn là phức tạp, bởi chúng rất dễ kiểm chứng. Cũng giống như một tiêu chí then chốt trong Triết lý Khởi nghiệp tinh gọn: tính dễ kiểm chứng.

Nguyên lý loại trừ Occam cho rằng “càng có ít giả định được đưa ra thì càng tốt”.

Trong khoa học, lý do mà mọi người ưu tiên tính đơn giản của một hệ thống lý thuyết là vì tính có thể bác bỏ.

Một giả thuyết được coi là có tính khoa học chỉ khi chúng có thể được bác bỏ bằng thực nghiệm.

(ND: đây là nội dung của một nguyên lý loại trừ khác, tên là Nguyên lý loại trừ Newton – Alder)

Chẳng hạn, phát biểu “tất cả thiên nga đều có màu trắng” có thể được bác bỏ qua thực nghiệm. Nếu ai đó thấy được một con thiên nga có màu khác màu trắng, như vậy giả thuyết đã được chứng minh là sai.

Tất cả những giả thuyết trong Khởi nghiệp tinh gọn cũng đều phải thoả mãn tiêu chí này. Mọi thứ đều phải có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng thông qua đánh giá, quan sát thực tế.

Người ta có thể tránh cho một hệ thống lý thuyết khỏi sự sụp đổ bằng cách đưa ra những giả thuyết đặc biệt (ND: nguyên văn “ad-hoc hypothesis”). Điều này giúp bạn có thể sống sót được với hệ thống giả định hiện tại của mình, nhưng không giúp bạn có thể đến gần hơn được với thực tế, hay một mô hình kinh doanh thành công.

Mỗi khi thêm một giả thuyết vào để củng cố thêm một vấn đề nào đó, hãy dừng lại suy nghĩ về những điều trên. Nhưng cũng nên nhớ rằng, đơn giản quá đôi khi chưa chắc đã đúng, dù nó có thể rất hay và đẹp.

Mọi thứ nên được giải thích một cách đơn giản nhất có thể, nhưng không được đơn giản quá.

– Albert Einstein

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *