Quê hương – Nơi những năm khởi binh:
Quảng Bình, nơi Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra, xưa nay vốn được xem là vùng đất lửa bởi gió lào và cát trắng. Thiên nhiên ở đây luôn khắc nghiệt, lịch sử luôn thăng trầm bể dâu đã góp phần hình thành nên tính cách kiên cường của con người Quảng Bình. Dù ở hoàn cảnh nào, thời nào, những con người nơi đây cũng luôn bậc dậy, không ngại gian khó mà vươn lên vững chãi. Nguyễn Hữu cảnh cũng như các dũng tướng khác cũng vậy, đều được sinh ra nơi đất Quảng Bình, được tôi luyện ý chí sắt thép, sức mạnh cường tráng từ những trận đánh phản công lại chúa Trịnh.
Đất nước rơi lệ tang thương khi hai nhà Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhà Nguyễn phải luôn sẵn sàng tiếp phó với những cuộc chinh phạt của chúa Trịnh, ấy thế mà các chúa Nguyễn vẫn canh cánh về việc mở cõi phương Nam. Từ hàng trăm năm qua, Quảng Bình luôn là điểm kết nối của lịch sử. Với cuộc Nam tiến mạnh mẽ của chúa Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn, Đèo Ngang vào trấn giữ xứ Thuận Hóa đã biến dãy đất này trở thành nơi dung thân muôn đời cho con dân Việt. Theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào Nam thuở ấy, có một dòng họ vừa theo phò chúa, vừa cùng với chúa ấp ủ nghiệp lớn mở cõi, đó là dòng họ Triều Văn Hầu – Nguyễn Triều Văn. Kế tục sự nghiệp sau này của ông là con trai Chiêu Vũ Hầu – Nguyễn Hữu Dật và các cháu nội. Trong đó nội tôn Nguyễn Hữu Cảnh nổi lên là bậc tướng kiệt nhiều lần lĩnh ấn tiên phong mở rộng cõi Nam.
Dòng dõi hổ tướng.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sanh vào năm Canh Dần ( 1650 ) tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc ( nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), tên thật là Nguyễn Hữu Thành ( 阮有鏡 ), húy Kính,
tộc danh là Lễ. Được nuôi dưỡng trong môi trường của một gia tộc tướng quốc giỏi về binh đao, võ nghệ. Nguyễn Hữu Cảnh sớm được người cha là Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Dật truyền dạy võ nghệ và rèn luyện binh pháp. Lớn lên giữ chiến trường Quảng Bình đầy binh đao loạn lạc bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, Nguyễn Hữu Cảnh và các huynh đệ Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Hữu Tín đã được tôi luyện và lần lượt gia nhập quân đội chiến đấu dưới trướng của cha mình là Nguyễn Hữu Dật. Khác với anh trai Nguyễn Hữu Hào – sau này được phong là Hào Lương Hầu, vốn từ nhỏ đôn hậu, bộc lộ thiên bẩm năng khiếu văn chương, là tác giả truyện nôm “ Song tinh bất dạ ”.
Còn Nguyễn Hữu Cảnh lại đam mê võ nghệ, chọn con đường binh nghiệp.
Trong những câu chuyện dân gian và sử sách vẫn còn lưu truyền ở đền thờ Vĩnh An Hầu ở xã Vạn Ninh, huyện Bắc Ninh đã ghi rằng: Khi còn nhỏ, Nguyễn Hữu Cảnh thường vào khu vườn dầu dưới chân núi An Mã – nơi cất giấu binh lương của người cha để rèn luyện võ nghệ và học binh pháp. Bằng niềm say mê võ học và công lao khổ luyện, ông đã sáng lập ra võ phái “ Bạch Hổ Sơn Quân ” góp phần làm cho nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam thêm đậm nét tinh hoa, phong phú.
Chính vì được tôi luyện qua các cuộc chiến chống sự chinh phạt của chúa Trịnh cùng với tài thao lượt trên chiến trường, mặc dù tuổi mới tròn đôi mươi nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã được binh tướng chúa Nguyễn suy tôn là Hổ Tướng.
Qua những chiến công hiển hách giúp cha hoàn thành nghiệp lớn đẩy lùi chúa Trịnh qua khỏi sông Gianh, Nguyễn Hữu Cảnh đã được chúa Nguyễn trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ.
Sự nghiệp kinh lược, mở cõi phương Nam:
Vào những năm 1690-1691, lúc này người nối ngôi vua Chăm Pa là Kế Bà Tranh, ông ta cố ý muốn giành giật, bỏ bang giao đem quân qua sát biên giới sát hại cư dân Phủ Diên Ninh ( nay là huyện Diên Khánh,tỉnh Khánh Hòa ) mỗi khi xuân về. Lúc này, vương quốc Chăm Pa nhỏ bé đang lụi tàn.việc gây rối chẳng qua chỉ do óc thiển cận của kẻ cầm đầu, chứ lòng dân Chăm Pa không thích cảnh máu chảy đầu rơi.
Đầu năm Nhâm Tân ( 1692 ), chúa Nguyễn Phúc Chu phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân đi bình định biên cương. Gần một năm kết hợp nhu cương, vừa dùng sức mạnh quân sự, vừa chiêu dụ, bở cỏi đã được dẹp yên, sáp nhập toàn bộ các phần đất của Chiêm Thành vào Đàng Trong, vùng đất mới đã bình yên. Ông cùng tướng lĩnh lo vỗ về an dân, mặt khác sắp đặt số quam lại Chăm Pa giữ các chức vụ khám lý, đề đốc, đề lãnh, cai phủ… thực hiện tự quản. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh y lệnh chúa lập ra Thuận Thành trấn, tháng 8 năm ấy đổi làm phủ Bình Thuận. Tại vùng ven biển, trải hai năm liền Ông đã tích cực phấn đấu gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu trong lòng nhân dân:
– Ổn định phủ Bình Thuận
– Hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt
– Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng…
Do công lao trên, Nguyễn Hữu Cảnh được thăng chức từ Thống binh lên Chưởng Cơ, được cử làm trấn thủ Bình Khương ( nay là huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa ).
Tháng 7-1693 ông trở về Phú Xuân. Tại đây, chính ông đã xin chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức chiêu mộ dân nghèo khắp xứ Thuận – Quảng để đưa vào Nam cùng với một số nhân vật nỗi tiếng khác như: Nguyễn Tri Thắng, Nguyễn Tấn Lễ, Chu Kiêm Lễ…
Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược Sứ với sứ mạng là thống suất kinh lược đất Đồng Nai – Nam Bộ. Đoàn thuyền chiến theo gió mùa đông bắc cặp bến và đóng bản doanh tại Cù Lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để quan sát, định vùng an dân và bắt tay vào việc chỉ đạo xây dựng tổ chức hành chính và phát triển kinh tế vùng đất mới.
Ngoài mỏm đất Cù Lao này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư…
“…Đồng Nai địa thế hãi hùng
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um…’’
Phần nhân chủng tuy gồm các sắc tộc: Khơme, Chăm, Việt, Hoa…nhưng lại quá ít ỏi vắng vẻ, đời sống sinh hoạt còn quá thô sơ nghèo nàn. Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành:
– Khai hoang mở cõi
– Dàn xếp biên cương
– Bảo vệ chủng dân và vùng đất mới
– Thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ
– Lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt
– Đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông để đưa dần dân chúng vào nếp an cư lạc nghiệp.
* Về hành chính (theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức) ông chia đất Đông Phố: “Lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu”. Đồng thời ông cũng lập thêm một đơn vị hành chính tại Sa Hà (sau đó nơi đây là Hạnh Thông Tây Gò Vấp). Mỗi huyện gồm một số Tổng, có Cai tổng đứng đầu. Đơn vị hành chính cơ sở là thôn hoặc làn,nơi có ít nhất 50 dinh cư ngụ – gồm một số xóm, ấp do các trưởng thôn và trưởng xóm, trưởng ấp đứng đầu. Ông chỉ đạo từng thôn, xóm lập sổ đinh, sổ điền (gọi là sổ bộ), trên cơ sở đó ước đầu thu một số thuế ở mức tượng trưng, giúp chúa Nguyễn có thêm nguồn tài chính, tuy sự ẩn lậu là phổ biến. Ông cho phép dân được tự tiện phân chiếm ruộng đất, do đó đẩy mạnh tốc độ khai hoang, canh tác. Theo sáchĐại Nam liệt truyện (Tiền biên, quyển 1) ghi công: “ Được sự đồng ý của chúa Nguyễn , Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam ( bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi ) vào đất ấy (tức đất Trấn Biên và Phiên Trấn), mở mang đất đai, khai phá thêm đồng ruộng, lập vườn trồng cau, rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh”. Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông – Điển hình qua câu ca dao:
“Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”
Đối với số người Trung Quốc tị nạn nhà Thanh hoặc số đến sau làm ăn buôn bán, ông cho lập hai xã: Thanh Hà ở huyện Phước Long và Minh Hương ở huyện Tân Bình; số dân này đều vào sổ bộ địa phương, hưởng quyền lợi và gánh vác nghĩa vụ như người Việt.
* Về thương mại: Ông cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu chợ nổi Nhà Bè cổ ( nơi ngã ba sông Bình Dương ) làm trung tâm giao dịch, thương lưu với các ngã: Cù Lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát, Vũng Cù (Cần Giuộc) và Gò Vấp. Đặc biệt bến tàu Châu Đại Phố của nhóm Hoa thương nhem nhúm còn quá luộm thuộm, giờ đây cũng được khuyến khích cho có quy cũ. Vị trí này sau đã nhanh chóng đổi tên thành Cảng Đại Phố. Đây chính là bến cảng non trẻ nhất của miền này vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
* Về quân sự: Với con mắt của nhà quân sự lỗi lạc, ông cho đặt một số đồn lũy phòng thủ ở Bà Rịa, cửa Lấp ( cửa Tắc Khái nay thuộc xã Phước Tình, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ), cửa Cần Giờ,…Binh lính trấn thủ đặt thành cơ, đội do Cai cơ, Đội trưởng chỉ huy; các cửa sông, cửa biển trọng yếu có các đội chiến thuyền túc trực tuần tra, canh gác. Thống suất còn cho cắt đặt các cơ đội canh phòng yên ổn thôn trang và quân lính cả hai dinh lo bảo vệ chủ quyền suốt vùng đất mới thành lập.
Lúc này địa bàn Đồng Nai – Gia Định “Đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ, Nhà cửa bắt đầu mọc lên sầm uất” ( Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức). Tại Phước Long, thống suất còn lo khuếch trương bộ mặt cảng Đại Phố cho khách phường ngoại bang đi lại dễ dàng, thuyền bè vào ra tấp nập.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử nói trên, Nguyễn Hữu Cảnh thuộc lớp người đầu tiên khai cơ, người đầu tiên bố trí hệ thống Nhà nước trên miền đất mới. Học giả Trần Bạch Đằng viết “ ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm này là ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của nước Việt Nam, ruộng đất khai hoang được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ như mọi làng mạc khác của Việt Nam. Sự xác lập cương việt quốc gia đã tránh ít nhất về mặt pháp lý những mối đe dọa từ bên kia biên giới. Cho nên dân khai hoang coi ông như người đại diện của tổ quốc. Ông thoả mãn cả yêu cầu quyền lợi và tình cảm của dân lưu tán. Có thể nói ý thức quốc gia, ý thức dân tộc của dân lưu tán đã tôn vinh Nguyễn Hữu Cảnh. Thời gian 3 năm là sự kết đọng một nguyện vọng đã xuất hiện và nung nấu nhiều trăm năm”.
Sau hơn 8 năm quan hệ Việt – Miên yên ổn, triều đình Chân Lạp lại cho quân qua đốt phá nhà cửa của dân chúng ở vùng biên, cướp bóc dân buôn, cướp phá các dinh của ta. Trước tình hình ấy, mùa thu năm Kỷ Mão (1699) chúa Nguyễn Phúc Chu lại lệnh cử chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất cùng phó tướng Phạm Cẩm Long, đem quân dinh Bình Khương giong thuyền vào Nam, hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo bào vệ biên cương đất mới. Mùa xuân năm Canh Thìn (1700),đại quân của Nguyễn Hữu Cảnh đóng bản doanh tại Rạch Cá (Ngư Khê) tức Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long bây giờ. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh chỉ đạo quân sĩ đắp lũy Hoa Phong ( ở phía Tây thành Gia Định), quyết định vét sâu và khơi rộng nhánh sông Tiền rẽ ngang xuống sông Hậu, đồng thời cho người đi dò xét tình hình Chân Lạp, tuyên truyền uy danh của vị chỉ huy trong đông đảo nhân dân Chân Lạp. Chuẩn bị mọi mặt xong xuôi, chiếu theo binh pháp, Ông quyết định cầm quân hạ thành. Quân tướng của Nặc Thu nghe uy đức Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra hoang mang, rệu rã, vua Chân Lạp đành bỏ trốn. Nặc Yêm – cháu Nặc Thu – mở cửa thành Bích Đôi xin hàng. Thống suất vào thành, hạ nghiêm lệnh trấn an nhân dân, khoan hòa phủ dụ Nặc Yêm: chỉ nên lo giữ gìn trong nước, giữ cho dân yên, đừng gây hấn lân bang… Tháng tư (1700) Nguyễn Hữu Cảnh cho dừng chân tại cồn cây Sao tức sao Mộc Châu mà ngày nay gọi là Cù Lao Ông Chưởng để báo điệp khải hoàn về Phú Xuân và đợi lệnh Chúa.
Ngàn thu vĩnh biệt núi sông:
Lúc này đang mùa viêm nhiệt, nhiều quân sĩ mắc bệnh. Sách Gia Định thành thông chí chép: đêm 26 tháng ấy, mưa gió nổi lên đùng đùng, đất đầu cồn lở sập, tiếng vang như sấm. Trong đêm, ông chiêm bao thấy một người cao lớn, mình mặc áo gấm, tay cầm búa vàng, mặt đỏ như son, mày râu trắng toát, đến trước mặt nói rằng: “Tướng quân nên về gấp, không nên lưu lại nơi ác địa này” Ông tỉnh dậy, ngẫm nghĩ lấy làm buồn, nhưng việc biên phòng sắp đặt chưa yên, tàn quân giặc còn ẩn phục nơi rừng núi chưa dẹp hết, không biết tính sao. Bỗng trong quân phát bệnh dịch, ông cũng nhiễm đau, hai chân tê liệt, ăn uống không được. Đến tiết Đoan Ngọ, ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bệnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 kéo quân về, ngày 16 đến Rạch Gầm ( Sầm Giang, tỉnh Tiền Giang ) thì Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh qua đời.
Tin dữ bay đi khắp nơi. Trên đường chuyển linh cữu hồi cố hương, quan quân đặt tạm kim quan của ông tại Cù Lao Phố – nơi mà hai năm Thống suất kinh lược Nguyễn Hữu Cảnh đã từng đặt tổng hành dinh sau khi ông vào Nam bộ. Tại nơi đình cữu, để tỏ lòng bái vọng tiết thương đối với Ông, nhân dân Cù lao Phố đã xây ngôi huyền mộ vọng tưởng và xin đổi tên thôn Bình Hoành ra Bình Kính ( nay là ấp Nhị Hòa) để ghi nhớ công ơn đấng tổ phụ khai sáng mảnh đất này. Dân Cù lao Phố cũng như nhiều nơi khác đã kiêng gọi Kính ( đọc là Kiếng) và Cảnh (đọc là Kiểng) để tránh phạm tên húy.
Sau khi Ông qua đời, chúa Nguyễn truy tặng Ông là Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng dinh, Tráng hoàn hầu. Đến thời Nguyễn, ông được truy tặng danh hiệu cao quý Khai quốc công thần, Tráng võ tướng quân, Vĩnh An Hầu, rồi được truy phong thêm Thượng đẳng công thần, đặc trấn phủ quốc Chưởng cơ, Lễ Thành Hầu và được thờ trong miếu công thần tại kinh đô Huế. Từ đó, với niềm sùng kính một danh tướng đất nước, mọi người chỉ gọi ông bằng danh xưng Lễ Thành Hầu hoặc quan Chưởng binh hay nói gọn là Ông Chưởng. Cả nước ta từ Quảng Bình đến Quảng Nam – Đồng Nai – An Giang – Cần Thơ đến ngay giữa Sài Gòn… ở đâu cũng có nhà thờ hoặc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh để làm nơi hồi tưởng về ân đức lớn lao của một bậc Khai Quốc Công Thần.
(Lịch sử văn hóa Đồng Nai).