Nhiều bệnh nhân biến chứng do sỏi túi mật
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây, khoa đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật cho nhiều bệnh nhân bị sỏi túi mật gây viêm, nhiễm trùng nặng.
Đáng nói, các bệnh nhân này đã được phát hiện sỏi túi mật nhiều năm trước nhưng do không có triệu chứng nên đã “quên luôn”, không kiểm tra, tái khám. Đến khi có cơn đau dữ đội, nhập viện thì túi mật đã đầy sòi, bị viêm nhiễm nặng, phải cắt bỏ.
Bệnh nhân gần nhất là bà N.T.M, nữ 73 tuổi, có tiền sử bệnh suy tim – tăng huyết áp – tiền sử mổ u màng não di chứng động kinh – yếu nửa người trái – thay khớp háng trái toàn phần, phát hiện sỏi túi mật cách 3 năm.
Bệnh nhân nhập viện vì đau bụng vùng hạ sườn phải, đau thắt lưng phải 10 ngày, kèm sốt 38,5 độ, được chẩn đoán: Viêm túi mật cấp do sỏi, ứ mủ thận phải do sỏi niệu quản phải/ viêm phổi và nhiều bệnh nền.
Do người bệnh có nhiều nguồn nhiễm khuẩn (đường mật, đường tiết niệu) trên nền nhiều bệnh lý phối hợp phức tạp, các bác sĩ quyết định đặt dẫn lưu túi mật ra ngoài dưới hướng dẫn siêu âm (để giải quyết tạm thời tình trạng nhiễm trùng đường mật). Đồng thời phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản phải và dẫn lưu bể thận – niệu quản phải.
Sau 1 tháng điều trị viêm phổi, bệnh nhân ổn định hơn, được chuyển khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy để phẫu thuật cắt túi mật.
Theo TS Hùng, với bệnh nhân này, khi mổ, việc phẫu tích gặp rất nhiều khó khăn do túi mật viêm lâu ngày nhưng may mắn vẫn thực hiện được qua nội soi. Sau mổ bệnh nhân ổn định và ra viện sau mổ 5 ngày, tuy nhiên tổng thời gian nằm viện lên đến gần 2 tháng.
Một bệnh nhân khác là ông N.V.C, 73 tuổi, tiền sử bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tai biến mạch não di chứng yếu ½ người trái, phát hiện sỏi túi mật 2 năm không điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng hạ sườn phải 1 tuần kèm theo sốt 38,5 độ và được chẩn đoán: Viêm phúc mạc mật do viêm túi mật hoại tử do sỏi kẹt cổ túi mật – Sỏi ống mật chủ/ Tăng huyết áp – Đái tháo đường – Nhồi máu não cũ di chứng yếu ½ người trái.
Bệnh nhân được chỉ định mổ mở cấp cứu: cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, dẫn lưu đường mật. Sau mổ do tình trạng nhiễm trùng nặng nên thời gian nằm viện kéo dài 2 tuần.
Thêm một bệnh nhân khác là bà P.T.M, nữ 63 tuổi. Bà M được phát hiện sỏi túi mật cách 2 năm, viêm tụy cấp cách 1 năm nhưng cũng không đi kiểm tra.
Đến khi bị đau bụng vùng hạ sườn phải 3 ngày, kèm theo sốt 38,5 độ C, vàng da tăng dần mới vào Bệnh viện Bạch Mai khám. Các bác sĩ chẩn đoán sỏi túi mật biến chứng: Tắc mật – Nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ/ Sỏi túi mật.
Bệnh nhân phải qua 2 lần can thiệp để điều trị sỏi: Lần 1: nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi ống mật chủ trước và đặt stent dẫn lưu đường mật. Lần 2: Sau 3 ngày, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt túi mật, được ra viện sau 3 ngày.
Như vậy, cả 3 bệnh nhân đều phải cắt túi mật trong tình trạng viêm túi mật, biến chứng, đều phải nằm viện dài ngày với chi phí rất tốn kém.
Khó khăn khi phẫu thuật cho bệnh nhân bị sỏi túi mật biến chứng
Theo TS Hùng, sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp. Ở Việt Nam gặp khoảng 8-10% dân số. Nhiều bệnh nhân khi được phát mắc sỏi túi mật chưa có triệu chứng (22,6 – 80%).
“Sỏi mật sẽ không hòa tan hoặc biến mất theo thời gian, khi đã hình thành sẽ tồn tại, tiến triển tăng, sau 9 – 20 năm 11,7% đến 23,7% sẽ xuất hiện triệu chứng, nguy cơ bị biến chứng lên tới 30,3%”, TS Hùng chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai), triệu chứng phổ biến nhất là đau dưới sườn phải.
Nếu không phát hiện, điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp hoại tử, tắc mật, viêm tụy cấp, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật…
Bác sĩ Du trước đây, việc cắt túi mật do sỏi khi chưa có triệu chứng không được khuyến cáo vì phẫu thuật có rủi ro nhất định do gây mê, kĩ thuật phẫu thuật liên qua đến chảy máu, rò mật, tổn thương đường mật…
Ngoài rủi ro trong mổ, cho biết, sau mổ cắt túi mật, người bệnh có thể gặp hội chứng sau cắt túi mật: đau bụng, khó tiêu, vàng da do sỏi ống mật chủ, hội chứng mỏm ống cổ túi mật, hẹp đường mật, rò mật, chít hẹp cơ Oddi.
Do đó, phẫu thuật cắt túi mật chỉ được thực hiện sau khi các triệu chứng hoặc biến chứng đã xảy ra, tuy nhiên khi đó hậu quả đã có thể rất nặng nề.
TS Hùng phân tích, phẫu thuật cắt túi mật trong những trường hợp biến chứng có thể gây khó khăn cho việc phẫu thuật vì khi đó bệnh nhân bị viêm túi mật cấp, thường phải mổ cấp cứu, nguy cơ biến chứng tổn thương đường mật chính cao gấp 2 – 8 lần.
Nếu cắt túi mật ở bệnh nhân có triệu chứng và biến chứng, tỷ lệ chuyển mổ mở lên tới 26%.
Điều này cũng đồng nghĩa với gia tăng chi phí điều trị và ảnh hưởng vĩnh viễn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh về sau.
Còn khi cắt bỏ túi mật ở những bệnh nhân sỏi không có triệu chứng thường chỉ cần thực hiện mổ nội soi, chỉ 1,5% phải chuyển mổ mở qua đó ngăn ngừa các nguy cơ liên quan đến mổ mở (đau, chậm phục hồi, thoát vị vết mổ, tắc ruột, không thẩm mĩ…) và làm giảm 33% nguy cơ tử vong so với mổ mở. Đồng thời, chỉ phải nằm viện 2-3 ngày, chi phí thấp.
Các bác sĩ cho rằng, với những bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật và có nguy cơ phát triển triệu chứng và biến chứng nên cân nhắc cắt túi mật dự phòng. Người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể thảo luận, chia sẻ với bác sĩ để được cung cấp thông tin đầy đủ.