Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, khoa vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống lá lộc mại chữa táo bón.
Bệnh nhân là ông D.T.T (50 tuổi, đến từ huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nước tiểu màu đỏ, tan máu cấp cùng nhiều triệu chứng nguy hiểm.
Qua khai thác thông tin từ gia đình, ông T bị táo bón nên đã chủ động vào rừng tìm hái lá lộc mại về sắc nước uống.
Sau khi uống khoảng 1 cốc, ông thấy người mệt mỏi, đi tiểu ra nước màu đỏ. Đến hôm sau thấy người mệt mỏi nhiều hơn, gia đình đã đưa ông T đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu và tiếp tục được chuyển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Kết quả xét nghiệm máu của ông T cho thấy: Huyết sắc tố hạ thấp ở mức 48g/l, Bilirubin máu toàn phần tăng cao 64 umol/l, NH3 (chuyển hóa Amoniac) và men gan tăng cao.
Ông T được chẩn đoán ngộ độc lá lộc mại gây tan máu cấp và sốc mất máu. Nhận định đây là ca bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, các bác sĩ nhanh chóng đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kết hợp truyền dịch, truyền máu, hồi sức tích cực theo phác đồ và làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán.
Sau 5 ngày được điều trị, chăm sóc và hồi sức tích cực, sức khỏe của ông T đã ổn định, các chỉ số về hô hấp, men gan, tan máu đã cải thiện, đủ điều kiện được xuất viện.
Theo bác sĩ Thắng, cây lộc mại là một cây thuốc thường được dùng theo kinh nghiệm dân gian nhưng đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác dụng của cây thuốc này trong hỗ trợ điều trị bệnh.
Việc ngộ độc khi sử dụng lá lộc mại hoặc một số loại lá, cây để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan sử dụng dẫn đến ngộ độc đáng tiếc.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng lá lộc mại nói riêng, các loại lá cây nói chung để làm thuốc chữa bệnh khi chưa có chỉ định.
Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian.