Mới đây, khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa điều trị một trường hợp bị bệnh phổi mô kẽ tiến triển nặng do không tuân thủ điều trị bệnh xơ cứng bì.
Nam bệnh nhân là T.T.P (58 tuổi) ở huyện Ba Chẽ, trước 2 ngày vào viện bệnh nhân ho thúng thắng, khạc đờm trắng, tức ngực sau xương ức, sốt rét run từng cơn 38-38,5°C, điều trị tại tuyến dưới không thuyên giảm nên chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân nhập viện vào khoa Hô hấp trong tình trạng khó thở, ho đờm trắng, dày da cứng da toàn thân, thể trạng suy kiệt. Khai thác tiền sử được biết, người bệnh xơ cứng bì nhiều năm, song đã tự ý bỏ điều trị 3 năm nay và dùng thuốc nam để tắm.
Kết quả chụp phim cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm phổi kẽ dạng tổ ong. Bác sĩ chẩn đoán ông P. bị bệnh phổi mô kẽ có xơ hóa phổi – xơ cứng bì toàn thể tiến triển.
Bệnh nhân P. được các bác sĩ khoa Hô hấp điều trị tích cực bằng thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch và thuốc kháng xơ hóa duy trì trong 6 tháng. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân giảm tình trạng dày cứng da, không khó thở, không xuất hiện các tổn thương phổi xơ hóa mới.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc, khoa Hô hấp – Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân P. có tiền sử xơ cứng bì hệ thống nhiều năm, đây là loại bệnh rối loạn hệ miễn dịch hiếm gặp cần duy trì điều trị để giảm triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Tuy nhiên bệnh nhân lại tự ý bỏ điều trị gây biến chứng bệnh phổi mô kẽ tiến triển nặng nề, nguy hiểm, khi vào viện thể trạng đã suy kiệt, chức năng phổi suy giảm. Chúng tôi đã phải điều trị tích cực, phối hợp các loại thuốc liên tục trong 6 tháng để cải thiện tình trạng người bệnh”.
Bệnh phổi mô kẽ là bệnh gì?
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh phổi mô kẽ (Interstitial Lung Disease – ILD) là một nhóm bệnh lớn gồm nhiều rối loạn đặc trưng gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ trong phổi dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh phổi mô kẽ, kể cả trẻ em. Tổn thương phổi do bệnh phổi mô kẽ thường không thể hồi phục và ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian. Triệu chứng lâm sàng của bệnh này không đặc hiệu nên có thể nhầm lẫn với bệnh khác liên quan đến phổi, khó chẩn đoán và dễ bị bỏ qua.
Rất nhiều người mắc bệnh phổi mô kẽ chủ quan đến viện muộn hoặc bỏ qua điều trị khiến bệnh diễn biến nặng nề, tiên lượng xấu, thậm chí có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Ngọc cũng cho biết, những người mắc các bệnh tự miễn như xơ cứng bì hệ thống, lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp… thường có nguy cơ mắc bệnh phổi mô kẽ cao hơn. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh khác bao gồm di truyền, một số loại thuốc hoặc xạ trị/hóa trị, tiếp xúc amiang hoặc hút thuốc lá.
Trong nhiều trường hợp, bệnh phổi mô kẽ không tìm được nguyên nhân gây bệnh và tiến triển thành xơ hóa phổi vô căn.
Triệu chứng phổ biến nhất của tất cả các ILD là khó thở, thường đi kèm với ho khan, khó chịu ở ngực, mệt mỏi và đôi khi sụt cân. Khi các triệu chứng xuất hiện, phổi của người bệnh hầu hết đã bị tổn thương.
“Bệnh phổi kẽ có tiên lượng rất xấu, những trường hợp nặng không được điều trị có thể gây suy hô hấp đe dọa tính mạng của người bệnh. Theo số liệu thống kê, 50% ca bệnh tử vong sau 2,5 năm phát hiện bệnh, có trường hợp tử vong sau vài tháng; 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. So với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính nhiều hơn”, bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.
Việt Nam có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi mô kẽ
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, bệnh phổi mô kẽ là bệnh hiếm, nặng nề do bệnh phải điều trị suốt đời, chi phí tốn kém, tiến triển tử vong nhanh, vì vậy việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm là vô cùng quan trọng, giúp gia tăng hiệu quả điều trị và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Hiện nay, việc điều trị bệnh phổi mô kẽ tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ bệnh. Tổn thương phổi do ILD thường không hồi phục và tiến triển nên việc điều trị thường tập trung làm giảm các triệu chứng, giảm tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn, để cứu sống người bệnh chỉ có thể ghép phổi.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính, Việt Nam có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ. Tuy không phải là bệnh mới, nhưng do là căn bệnh không lây, ít gặp nên không được người dân quan tâm đúng mực. Trên thực tế, đây là căn bệnh nguy hiểm, được ví như “chết đuối trên cạn” do tỷ lệ tử vong cao, phải điều trị suốt đời, chi phí tốn kém.
“Khi có các triệu chứng nghi ngờ, như: khó thở, ho (ban đầu ho khan, sau có thể ho ra máu), thở rít, đau ngực và các triệu chứng khác ngoài phổi như: mệt mỏi, đau cơ xương, sốt, gầy sút cân… cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để phòng và giảm các biến chứng của bệnh phổi kẽ”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.