Nguồn: Nam Quốc Sơn Hà 南國山河

[TRÚC LÂM ĐẠI SĨ XUẤT SƠN ĐỒ – KẾT TINH VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ]

“Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” (竹林大士出山圖) được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV (theo Trần Quang Đức), là giấy quyến bao gồm họa phẩm tranh thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc và miêu tả cảnh Trúc Lâm đại sĩ (tức Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du.

Nhân vật chính trong họa phẩm là Trúc Lâm Đại Sĩ tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông (陳仁宗), ông sinh năm 1258 mất năm 1308. Tên húy là Trần Khâm (陳昑), là vị hoàng đế thứ ba của Hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ 1278 đến 1293. Ông không chỉ là vị hoàng đế anh minh, xuất chúng của Đại Việt, ông cũng đồng thời là sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tháng 10 năm 1299, Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh). Ở Yên Tử, Nhân Tông đã mở tịnh xá thuyết pháp thu nhận được rất nhiều đệ tử. Ngài lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà (香雲大頭陀) và tu hành theo Thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu đà (竹林大頭陀) hay Trúc Lâm Đại sĩ (竹林大士).

Tác giả của “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” từng được cho là của họa sư Trần Giám Như (陳鑑如), một danh họa thời Nguyên. Tuy nhiên, trong “Ngàn năm áo mũ”, tác giả đã cho rằng bức họa không phải do Trần Giám Như vẽ ra, ngoài ra ông cũng cho rằng tác giả của bức họa là người Việt Nam. Trong “Ngàn năm áo mũ”, học giả họ Trần viết:

“Cần lưu ý thêm rằng vị quan người Việt Trần Quang Chỉ và những người viết lời bạc sau tranh đều không một lời nhắc đến danh họa Trần Giám Như (…) Dư Đỉnh sau khi nghe Trần Quang Chỉ thuật lại về vua Trần liền nói “Từ triều trước đến nay, tên tuổi ngài không được biết đến ở Trung châu […] Nay may gặp thánh triều, khôi phục cương thổ thời Hán Đường, thu hết đất ấy, nhập vào bản đồ, khiến phong tục đồng văn đồng quỹ, nên tranh này mới được truyền bá ở kinh sư. Bằng không, tên tuổi của đại sĩ cũng chỉ lưu truyền ở một vùng Nam Giao mà thôi […] Người Nam Giao vẽ lại sự việc nhất thời, hoan hỷ truyền xem”, Phó Hiệp viết: “Người trong nước hâm mộ, làm ra tranh này”. Như vậy (…) chúng tôi cho rằng tác giả của Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ không phải Trần Giám Như, mà rất có thể là một họa sĩ người Việt Nam.”

Bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” có giá trị về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, tư tưởng. Trong tranh có tổng cộng 82 nhân vật, áo mũ chỉnh tề, gồm tăng sĩ, nho sĩ và đạo sĩ, thể hiện được tư tưởng Tam giáo đồng tôn thời Trần. Về phương diện nghệ thuật họa phẩm tác mang nét thanh nhã, xuất chúng, hữu thần khi xây dựng hình tượng Đại Sĩ với nét bút chấm phá mang phong phạm thủy mặc, đơn giản nhưng vẫn toát lên được thần thái của vị Sơ tổ thiền Trúc Lâm.
Điền Lực, một học giả Trung Quốc đã nhận xét về bức họa như sau:

“Trong ‘Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ’ tác giả đưa người – cảnh – tình hài hòa, dung hợp thành nhất thể, với đặc điểm là vẽ nhân vật rất chân thực, sinh động. Từ cách vẽ có thể thấy tác giả kế thừa kỹ pháp của Mã Viễn ( họa sư danh tiếng đời Nam Tống ), tập trung một góc, khiến chủ đề đột xuất, phá vỡ phương pháp vẽ theo lối điểu khảm (nhìn từ trên cao xuống), chọn thủ pháp bình thị thủ cảnh (lấy cảnh theo hướng nhìn bằng phẳng), viễn cảnh miêu tả giản đơn, thanh đạm; trung cảnh là chủ đề; cận cảnh nồng đậm, ngay ngắn, gãy gọn. Dùng cận cảnh và viễn cảnh để làm nổi bật chủ đề. Bốn mươi ba người xuất hiện trong tranh, tư thái thần tình, mỗi người một khác; động tác và thần thái từng người được khắc họa vô cùng tinh tế, chu đáo. Bậc đạo nhân cung kính, biểu lộ thành ý; người nghênh tiếp mừng vui, hoan hỉ. Trong cảnh có tình, trong tình liền cảnh, sinh động vô cùng. Tác giả cũng đã tốn hao rất nhiều sinh lực để biểu đạt đặc trưng mỹ cảm độc đáo của cảnh vật tự nhiên, khiến cái đẹp thanh tú, ưu nhã (…) ánh lên trên tranh. Suối nhỏ tuôn róc rách, bên suối có trúc biếc và rặng liễu già; những mầm cỏ non xanh mới mọc, nhú lên dưới gió xuân thổi nhẹ, cùng hô ứng với đội ngũ nghi trượng đến tiếp nghênh phía trước. Động tĩnh kết hợp, truy cầu cái đẹp của một loại thiện ý. Trên toàn bộ bức họa, tác giả vận dụng kỹ pháp thủy mặc vẽ mực mộc, khiến tranh toát lên vẻ thanh đạm, ưu nhã, thanh tân, khiến người xem lòng khoáng đạt, tinh thần thoải mái, có được cảm giác tiêu dao ngoài thế tục”.

Về phương diện lịch sử văn hóa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” là một trong những tài liệu cơ sở để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về trang phục, mũ miện của vua, quan, dân thời Trần. Cũng như dựa vào đó để khẳng định được sự phong phú và đa dạng của văn hóa dân tộc.
Link tranh phân giải cao:
https://commons.wikimedia.org/…/File:The_Mahasattva_of_Truc…
____________________________________________
Tài liệu tham khảo:
Bài báo: “Tọa đàm khoa học: Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn.
“Ngàn năm áo mũ”, Trần Quang Đức, NXB Thế Giới.
“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, bản khắc Chính Hòa, NXB Văn Học.
Biên tập viên: Chandra
Desinger: Phương Candyy

Vui lòng không repost khi chưa có sự cho phép của Tầm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *