Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, cửa ngõ phía Tây của vùng thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên gần 4.600km2, dân số trên 90 vạn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 75%, với các dân tộc chủ yếu: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, còn lại là một số dân tộc thiểu số khác.
Nâng “chất” đội ngũ cán bộ trẻ dân tộc thiểu số
Theo số liệu thống kế, tỉnh Hòa Bình hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú. Những năm qua, hệ thống các trường dân tộc nội trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc học tập, ăn ở sinh hoạt đã tạo cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số được học tập trong điều kiện tốt nhất, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục dân tộc.
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí; chính sách ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc rất ít người; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo…
Chính vì vậy, ngày càng có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số ở mảnh đất xứ Mường đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường đại học tốp đầu cả nước. Sau khi ra trường, các em đã quay về quê hương làm việc, đóng góp. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng tỉnh Hòa Bình thời kỳ đổi mới.
Trong giai đoạn 2019 – 2024, tỉnh Hòa Bình đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức, trong đó có 561 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số của tỉnh đã được nâng lên cả về chất lượng và số lượng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm cụ thể với những đổi mới về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. Cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tham gia các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bổ sung cập nhật kiến thức, kỹ năng… Nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm cử tuyển đi đào tạo ở trong nước và quốc tế. Nhờ vậy trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều tiến sỹ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng làm việc hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay toàn tỉnh có 34/48 đơn vị, sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh có cán bộ là người dân tộc thiểu số trong tập thể lãnh đạo; có cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 50% tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 65% tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý…
Trong giai đoạn 2019 – 2024, tỉnh Hòa Bình đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức, trong đó có 561 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số của tỉnh đã được nâng lên cả về chất lượng và số lượng.
Những con số trên cho thấy sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng.
Đặc biệt, ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án số 10). Mục tiêu chung của đề án là chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong tình hình mới.
Hiệu quả từ việc thực hiện Đề án số 10
Từ 194 hồ sơ đăng ký dự tuyển, qua 2 vòng thi, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn lựa được 117 cán bộ trúng tuyển tham gia Đề án số 10.
Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm giao nhiệm vụ cho cán bộ nhằm tạo môi trường làm việc, rèn luyện, thử thách và phát huy năng lực, sở trường của cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn đơn vị, địa phương.
Là 1 trong những cán bộ tham gia Đề án số 10, tháng 4 vừa qua, từ vị trí Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Lạc – chị Bùi Thị Ngân đã được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Huyện ủy. Chị Ngân chia sẻ: “Khi được tuyển chọn tham gia Đề án số 10, tôi đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Qua đó góp phần giúp tôi và các cán bộ tham gia đề án củng cố nhận thức về tư tưởng chính trị, lập trường cách mạng; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt chúng tôi được bổ sung kiến thức về những tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức, tầm nhìn, hành động trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn hiện nay. Từ đó giúp mỗi cán bộ tham gia đề án có những tham mưu chỉ đạo triển khai công việc đúng, trúng”.
Tương tự, chị Lê Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Thủy chia sẻ: “Sau khi trúng tuyển và tham gia Đề án số 10, tôi được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, rèn luyện bản lĩnh và nâng cao trình độ công tác, quản lý. Sau khi tham gia đề án, trong mọi hoạt động của tôi đều được sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy địa phương. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, từ vị trí Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy tôi đã được tin tưởng bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Đây là vị trí để tôi tiếp tục được tu dưỡng rèn luyện, cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiếp tục khẳng định năng lực của mình”.
Bà Bùi Thị Minh – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho hay, sau 1 năm thực hiện quy chế quản lý, sử dụng cán bộ theo Đề án số 10, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã có chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Một số địa phương, đơn vị chủ động bố trí, sử dụng cán bộ đề án đảm bảo phù hợp với trình độ chuyên môn, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường. Các đồng chí tham gia đề án nhận thức, xác định rõ trách nhiệm; chủ động đề xuất tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ do cơ quan, đơn vị giao phó…
“Sau khi trúng tuyển và tham gia Đề án số 10, tôi được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, rèn luyện bản lĩnh và nâng cao trình độ công tác, quản lý. Sau khi tham gia đề án, trong mọi hoạt động của tôi đều được sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy địa phương”, Chị Lê Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) chia sẻ.