NGƯỜI THÀNH CÔNG VÀ KẺ THẤT BẠI CHỈ KHÁC NHAU Ở 2 CHỮ: KIÊN TRÌ

*Đầu năm mới ghi nhớ để sự nghiệp thăng hoa
————————–
Thành công luôn là điều bất cứ ai cũng theo đuổi, thế nhưng số người thực sự đạt được điều này lại không nhiều. Vốn dĩ thành công không có công thức và mỗi người phải tự tìm công thức cho chính mình. Shark Hưng từng nói nếu có một công thức nào đó để thành công thì cả nhân loại đã thành công thay vì chỉ có một số ít người thành công.

Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao mãi mà chưa tìm ra công thức cho chính mình?

Đây là câu trả lời của tác giả Lý Thượng Long dành cho bạn trong cuốn sách “Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống”. Ông thường quan sát nhiều chuyện và những con người xung quanh mình và nhận ra một số trong đó có vẻ đang cố gắng hằng ngày, nhưng lại chẳng đạt được điều mình muốn.

Lý Thượng Long viết:
“Tại sao vậy?
Bởi lẽ khi bạn đang cố gắng thì người khác còn nỗ lực hơn bạn.
Khi một người hằng ngày bỏ ra 10 tiếng đồng hồ để nâng cao năng lực bản thân. Nếu bạn muốn vượt qua họ, thì cách duy nhất chính là hằng ngày bỏ ra 15 tiếng đồng hồ. Người bình thường có thể không hiểu nổi tại sao anh chàng đó không ăn mà học tập như một kẻ điên vậy. Thế nhưng, khi có xếp hạng, tất cả đã có câu trả lời.

Trong mắt của kẻ mà mọi người nghĩ là đang phát điên hùng hục nỗ lực, sự cố gắng với họ chỉ là lẽ thường!
Thượng Đế luôn công bằng, con người thì luôn mơ mộng. Mơ mộng thì phải điên điên, mới có thể trở thành anh hùng, tất sẽ có một ngày bạn lập nên truyền thuyết của mình.

Allen bạn tôi là một giáo viên tiếng Anh. Phát âm của anh ta chuẩn đến nỗi mọi người không rõ anh là người Mỹ hay người Trung Quốc. Đại học năm thứ hai, anh chuyển đến một trường khác. Lúc đó, anh có hai sự lựa chọn, một là học lại năm thứ nhất, hai là học hết học phần của bốn năm đại học trong vòng hai năm.

Suy nghĩ hồi lâu rồi anh bảo: “Tôi chọn phương án hai”.
Cùng chuyển trường với anh ta có ba người, hai người kia đều bỏ cuộc, còn anh thì hằng ngày đều đi sớm về muộn. Hai năm liền, bình quân thời gian anh ta có mặt tại phòng tự học và thư viện vượt quá 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Dù mùa đông hay mùa hè, anh đều đến thư viện từ rất sớm để có chỗ ngồi. Đại học năm thứ tư, anh còn quyết định thi nghiên cứu sinh.

Kỳ thực đối với bất kỳ ai, khi nhiều việc phát sinh cùng một lúc, thì dù có thể làm được, nhưng trong bụng vẫn cằn nhằn không ngớt. Nhưng Allen không hề oán trách, anh âm thầm tăng thời gian học tập hằng ngày lên 16 tiếng đồng hồ. Buổi sáng, cứ 6 giờ 30, anh đã đến phòng tự học, ngồi đến 10 giờ 30 tối, chỉ dành mười mấy phút cho việc ăn uống, nghỉ trưa.
Tôi hay gọi điện, nhưng đến tối anh ta mới trả lời. Tôi hỏi thăm anh ta đang làm gì. Hầu hết thời gian anh đều dành cho học tập.

Trước khi tốt nghiệp, anh đã hoàn tất mọi học phần của bốn năm đại học trong vòng hai năm. Anh thi đỗ nghiên cứu sinh chuyên ngành phiên dịch của Học viện Ngoại giao với thành tích đứng đầu toàn trường. Ra trường anh ta làm việc tại một công ty khởi nghiệp và đang làm rất tốt.”

Nếu bạn cho rằng câu chuyện của Lý Thượng Long không thuyết phục thì hãy thử cân nhắc lời khuyên của shark Lê Đăng Khoa. Trong một chương trình talkshow cách đây không lâu, anh từng chia sẻ rằng:

“Điều lúc còn trẻ mà chúng ta có thể làm và phải làm là có ước mơ rất lớn. Chuyện đó nếu chúng ta không làm được thì xem như bỏ cuộc tương lai của chúng ta rồi. Thực ra cuộc đời này rất công bằng, không ai chặn đứng giấc mơ của mình trừ bản thân mình mà thôi. Việc đầu tiên có giấc mơ lớn, việc thứ hai là mơ xong không để đó mà quyết liệt biến giấc mơ thành sự thật”

Thành công theo quan niệm của anh Khoa, chỉ 10% đến từ thiên bẩm, 90% đến từ sự cần cù. “Tất cả chúng ta ở đây đều là những con ếch và khác nhau cái giếng mà thôi”, anh hài hước ví von. Với những người trẻ đang còn ngồi ở giảng đường đại học theo anh đây thực sự là cuộc sống đang rất yên bình, sóng gió chưa đến. Thế nhưng khi họ bắt tay vào khởi nghiệp bước vào thương trường sẽ không còn sự khác biệt giữa một cô sinh viên hay một cậu sinh viên mới ra trường kinh doanh, hay một bậc đàn anh, hay thậm chí một bậc đàn cha chú 30-40 năm kinh nghiệm.

“Đâu có thể ra thương trường cạnh tranh xong nói: Chú ơi cháu mới ra trường chú nương tay cho cháu, chú phải để cháu bán giá cao hơn chút, chất lượng thấp hơn chút. Chú nương tay, đừng mở kế bên”, Khoa phân tích tiếp. Thương trường là chiến trường, không có sự khác biệt và điều người trẻ cần là phải chuẩn bị tư duy cạnh tranh.

Ngoài ra nếu như kinh nghiệm còn non thì phải biết nghiên cứu cho thật kỹ con đường của mình như thế nào. Trong lĩnh vực mình đang quan tâm, đang muốn khởi nghiệp có bao nhiêu tên tuổi lớn, họ thành công dựa trên cái gì, thế mạnh của họ là gì, điểm khác biệt của mình là gì, mình dùng cái gì để đấu lại được với họ.

“Một khi các em bước ra ngoài khởi nghiệp phải nhớ cạnh tranh với những người giống như anh. Anh hiện tại về điều kiện vật chất, mối quan hệ, kinh nghiệm, nền tảng mọi thứ đều hơn hẳn các em. Nhưng nếu như anh bây giờ đang làm việc 1 ngày 12 tiếng, 1 tháng anh đọc 2 quyển sách thì nếu các em muốn một ngày đẹp trời qua mặt được anh thì một ngày các em phải làm việc 14 tiếng, 1 tháng đọc 6 quyển sách”, doanh nhân trẻ này đưa ra lời khuyên phũ phàng và thực tế dành cho người trẻ nếu muốn thành công.

Thêm vào đó muốn thành công theo Shark Khoa cần phải có nỗi sợ. Đó là nỗi sợ thất bại, sợ đối thủ tìm đến chúng ta, sợ các biến cố ập đến. Điều cần làm là rèn bản lĩnh để vượt qua nỗi sợ đó. “Bản lĩnh là thứ cho dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được”, anh khẳng định.

Vậy điều gì tạo nên bản lĩnh? Chỉ có sự trải nghiệm. Lê Đăng Khoa cho rằng để có trải nghiệm cần thử thách bản thân vào tất cả những gì mình muốn làm. Khi còn trẻ mình đang ở tuổi đẹp nhất, ở cơ hội nhiều nhất là không có gì để mất thì đừng sợ mất. Tiền chưa nhiều, tuổi trẻ còn quá nhiều nên thử hết nhưng đừng bao giờ thử một cách qua loa đó là lãng phí thời gian. Muốn thành công phải biết quý từng giây từng phút cuộc sống mang lại đến cho mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *