Ngày 11/3, trao đổi với PV Dân Việt, anh Hoàng Ngọc, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Vinhomes West Point (đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mới đây, tại khu dân cư xảy ra sự việc hi hữu khi một người phụ nữ để quên 2 chiếc nhẫn và đôi bông tai kim cương ở thùng rác.
Hơi giật mình vì những tưởng khách hàng liên hệ tìm tố cáo người gian. Sau khi trấn an vài câu, anh mới nghe được hết câu chuyện. “Họ để nhầm hai chiếc nhẫn và một đôi bông tai kim cương và cho vào thùng rác. Mãi mới nhớ ra và đi xin số điện thoại liên hệ đội ngũ dọn vệ sinh…”, anh Ngọc nhớ lại.
Thâm tâm anh nghĩ, khu nhà với gần 1.500 căn hộ với gần 100 tầng, số lượng rác là cực lớn, chưa kể rác đã chuyển ra xe chuyển đi, thì đúng là vô vọng.
“Vẫn mong một kì tích xảy ra, tôi vội vã nhắn lên trên nhóm chung với ban quản lý về trường hợp của cư dân. Ai cũng xuýt xoa tiếc cho cư dân để mất món đồ giá trị và chắc kèm cả những kỉ niệm”, anh Hoàng Ngọc chia sẻ.
Rất nhanh ban quản lý phân công nhân sự lấy thông tin và an ủi cư dân, cử an ninh đi xem camera truy nguyên và liên hệ đội ngũ HK để tìm lại đồ cho cư dân. Tất bật như vậy nhưng ai cũng chỉ nghĩ đến một kì tích chứ tìm lại được cũng rất mong manh.
Anh Ngọc kể lại quá trình tìm vàng, kim cương cho người phụ nữ, mọi người liên tục nhắn tin trong nhóm hỏi han nhau. Hơn 2 tiếng lục tung đống rác, tới khoảng 20h, không chỉ “khổ chủ” mà tất cả cư dân vỡ òa khi nhận tin nhắn: “Cập nhật hiện cư dân đã tìm thấy nhẫn và khuyên tai với sự phối hợp của các bộ phận. Không ai bảo ai trên nhóm tràn ngập tin nhắn kì tích và mừng cho cư dân đã tìm lại được đồ”, anh Ngọc chia sẻ.
Chia sẻ lại sự việc, chị M.T. (31 tuổi) cho biết, người nhà đã để nhầm hai chiếc nhẫn và hai đôi bông tai kim cương trong túi rác. Theo thói quen sau khi sử dụng trang sức kim cương, chị T. sẽ lau rửa cẩn thận, thấm giấy khô, chờ đến khi trang sức khô hẳn mới đem cất.
Tối 6/3, do bận chăm con trai 4 tuổi bị ốm, chị chưa kịp cất bộ trang sức để trên bàn trang điểm. Chiều hôm sau, chợt nhớ ra sự việc, chị đến bàn trang điểm thì không thấy tài sản. Nghĩ chồng nhầm trang sức là rác nên đem vứt, chị vội gọi anh về nhà, đồng thời liên hệ Ban Quản trị tòa nhà nhờ giúp đỡ.
“Khi biết mất tài sản giá trị, tôi đã rất hoảng loạn và lo lắng”, chị nói. Người phụ trách đội lao công đã gọi điện cho chị T. hỏi thông tin màu sắc túi rác, thời điểm đổ rác. Sau khi kiểm tra, họ thông báo tin vui rác vẫn còn lưu lại kho, chỉ còn khoảng 30 phút nữa xe rác sẽ chở đi.
Nữ cư dân vội cùng chồng xuống khu vực để rác để tìm kiếm. Chị cho biết rác được chia theo từng tòa và từng tầng nên dễ phân loại. Sau khi các lao công hỗ trợ đưa các thùng rác của tòa nhà ra ngoài, chị cùng chồng trực tiếp bới rác tìm trang sức. Đội ngũ an ninh và lao công đứng bên cạnh cũng liên tục hỗ trợ bới rác, nhưng vẫn không thấy tài sản. Họ nghĩ rằng liệu cư dân có để quên trang sức ở chỗ khác không.
“Sau khi thấy đúng túi rác nhà mình, tôi bới tìm lần đầu nhưng không thấy trang sức. Không bỏ cuộc, tôi bới tìm kĩ hơn, thì phát hiện một chiếc bông tai. Lúc sau, chồng tôi tìm thấy 2 chiếc nhẫn và một đôi bông tai nữa”, cư dân kể.
Quá trình tìm kiếm kéo dài khoảng một tiếng, chị T. không nhớ đã bới bao nhiêu thùng rác để nhận ra túi rác nhà mình. Có lúc chị đã nghĩ “khác nào mò kim đáy bể”, nhưng vỡ òa bật khóc trong giây phút tìm được bộ tài sản giá trị.
Về sau, chị viết thư cảm ơn BQL, BQT, đội ngũ an ninh và lao công của tòa nhà đã hỗ trợ tìm kiếm tài sản. Nếu không có sự hỗ trợ của mọi người chưa chắc chị đã tìm thấy trang sức. Tối đó, chị mua hoa quả và gửi chút tiền mặt cảm ơn các đội ngũ của tòa nhà. Nhưng họ chỉ nhận hoa quả, bởi theo quy định không được nhận tiền của cư dân. Cảm thấy áy náy, chị đặt mua đồ ăn, gửi đến BQT, đội ngũ an ninh và lao công.
“Đúng là kỳ tích. Tôi mong muốn chia sẻ câu chuyện này để lan tỏa những điều tích cực, sự gắn kết giữa cư dân và ban quản lý và ban quản trị tòa nhà”, anh Ngọc nói thêm.