Cô bạn Tiểu An của tôi có một thói quen “kỳ quặc”: thích một mình ra rạp xem phim.
Tôi cảm thấy rất khó hiểu. Giữa một rừng những cặp đôi, mùi bỏng ngô vương vất quanh rạp, một người điềm nhiên coi phim như vậy hẳn phải cần rất nhiều dũng khí.
Trên mạng có vài bạn đã tổng kết lại mức độ cô đơn của một người, một mình đi xem phim nằm ở nấc thứ 4. Tiểu An ngược lại rất thích việc làm này, cô trước giờ chưa từng cảm thấy điều đó cô đơn.
Cô bảo, trước đây tan làm cô thường cùng đồng nghiệp đi xem phim. Coi mà bực, đồng nghiệp cô nói quá nhiều, thích bình phẩm diễn xuất của các diễn viên trong lúc xem. Sau này, cô cùng bạn trai đi xem thì ảnh lại có thói quen vừa ăn vặt vừa coi, miệng cứ chóp cha chóp chép. Coi xong một bộ phim mà Tiểu An chả còn nhớ gì, chỉ nhớ được tiếng nhai lạo xạo của anh bạn trai.
Nhưng, một mình xem phim thì có thể hứng lúc nào coi lúc ấy, thích khi nào đi khi đấy, chọn bộ nào cũng chẳng cần nề hà cảm xúc của người khác. Cả quá trình coi còn có thể tỉ mẩn đánh giá mỗi một chi tiết mà không bị làm phiền.
Có lúc, ở một mình lại là một kiểu hưởng thụ.
Không biết bạn đã từng trải qua cảm giác như vậy chưa? Một bàn nhậu, đi hát karaoke, tụ họp gặp gỡ, khuya rồi tiệc tàn, ai về nhà nấy, trong lòng lúc này chỉ còn lại sự trống trải và lạnh lẽo. Giữa bao náo nhiệt say sưa mà tôi chỉ cảm thấy cô quạnh, so ra thì ở một mình vẫn tốt hơn.
Ở một mình cũng là một loại năng lực.
Nhà triết học Thoreau từng rời xa phố thị huyên náo, một mình sống ở Walden Pond trong 2 năm. Sau này có người đã hỏi ông: “Một mình anh sống ở đó chắc cô đơn lắm, đặc biệt trong những ngày mưa tuyết bão bùng.”
Thoreau đáp lại: “Trái Đất mà chúng ta đang sống chẳng phải chỉ là chiếc thuyền nhỏ trôi nổi giữa lòng vũ trụ sao? Tại sao tôi lại thấy cô đơn chứ? Không phải hành tinh của ta nằm trong Dải Ngân Hà à?”
Cô đơn, chẳng thể đo đếm dựa vào khoảng cách không gian giữa người với người.
Thời còn là sinh viên, tôi luôn sợ ở một mình. Đi ăn, đi mua sắm, đến thư viện, thậm chí là đi vệ sinh, tôi đều muốn đi cùng một ai đó. Sợ bị người khác nhìn ngó lạ lùng khi một mình đi trên đường, sợ họ nghĩ rằng: tính cách bạn lầm lì quái gở, nhân duyên kém, nên mới không có bạn bè. Vậy nên nhiều lúc, tôi thà để bản thân lạc lõng trong đám đông, đi làm vài hoạt động vô nghĩa còn hơn ở một mình.
Sau này tôi mới nhận ra: Mọi người thường nhập nhằng cái ranh giới giữa “một mình” và “cô độc”, và vì vậy lẫn lộn giữa việc ở “một mình” với trạng thái “tứ cô vô thân” và “cô liêu quạnh quẽ”.
*Chú thích: Tứ cô vô thân – một thân một mình, không ai đồng tình, chẳng ai giúp đỡ.
Chung sống với bản thân cũng là một loại năng lực. Một số nhà tâm lý học cho rằng: có khả năng ở một mình là một trong những biểu hiện quan trọng nhất cho thấy sự trưởng thành về mặt cảm xúc của một người.
Một mình, cũng là giai đoạn tốt nhất để gia tăng giá trị của một người.
Nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami rất thích ở một mình. Mỗi ngày, ông thức dậy lúc 5 giờ sáng, đi ngủ trước 10 giờ đêm, sống một cuộc sống vừa giản dị vừa quy củ. Trong một ngày, những giờ đồng hồ đầu tiên là lúc ông làm việc năng suất nhất, nên ông tập trung hoàn thành những công việc quan trọng trong khoảng thời gian này.
Thời gian còn lại, hoặc là dành cho thể dục thể thao, hoặc là làm việc nhà, lo toan những việc mà không cần đòi hỏi sự tập trung cao độ. Từ hoàng hôn trở đi thảnh thơi hơn, ông sẽ đọc sách hoặc nghe nhạc, thư giãn đầu óc và cố gắng đi ngủ sớm nhất có thể.
Cuộc sống trông có vẻ cô đơn, nhưng ông lại rất tận hưởng nó. Trong quãng thời gian hiệu quả ấy, ông đã viết ra được rất nhiều kiệt tác.
Tôi từng đọc qua câu nói này trong một cuốn sách: “Cuộc sống của một người có thể bình đạm, tẻ nhạt, trì trệ không tiến; cũng có thể là một chuyến phiêu lưu mãn nhãn, tuyệt vời, đầy lý thú.”
Đôi khi, xã giao chất lượng thấp, chằng thà một mình chất lượng cao.
Cô đơn là giai đoạn tốt nhất để nâng cao giá trị của bản thân. Thật chẳng may, quãng thời gian cô đơn đó cuối cùng sẽ ngày một ít đi khi chúng ta dần có tuổi. Bạn bắt đầu phải tiếp đón khách khứa, rượu uống chẳng ngừng…
Đáng tiếc là, rất nhiều người lại chẳng biết đến giá trị của việc ở một mình, chính bởi những lúc một mình trầm mặc đó mới khiến bạn toả sáng sau này. Chỉ khi mọi người học cách lắng nghe tiếng nói nơi nội tâm, mới có thể sống ngày một sâu sắc hơn. Biết tận dụng khoảng thời gian ở một mình để phát triển bản thân, mới có thể biến cuộc sống trở thành những vầng thơ.
Một mình mà thanh tịnh vui vẻ, một mình mà kiên trì bền bỉ, cũng rất tốt.