NGƯỜI MUỐN CÓ THÀNH TỰU SỰ NGHIỆP VƯỢT LÊN SỰ TẦM THƯỜNG: CẦM LÊN ĐƯỢC, ĐẶT XUỐNG ĐƯỢC, TRONG NGHỊCH CẢNH LÀM CHỦ ĐƯỢC 4 ĐIỀU
Một người thất bại không có gì đáng hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn chính là không dám đối diện với thất bại, không dám gánh vác trách nhiệm, chỉ biết oán Trời trách người, oán trách vận mệnh không công bằng.
1. Khi phiền não phải nhẫn chịu được
Nhẫn là một loại mỹ đức, là kết tinh của trí tuệ và sự thiện lương, là mẫu mực của nội tâm mạnh mẽ. Trên bước đường mưu sinh không tránh khỏi những thống khổ, trắc trở và khó khăn. Đôi khi chúng ta phải chịu đựng sự đùa giỡn của số mệnh, nếu không thể thay đổi hiện trạng thì cần học cách nhẫn nại và bao dung. Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng.
Nhớ rằng, khi chúng ta không có khả năng giải quyết vấn đề, bị tâm trạng thúc đẩy mà hấp tấp hành sự thì sẽ khiến cho mình càng bất lợi. Vậy nên cần học cách nhẫn nhịn tức giận nhất thời, lấy đại cục làm trọng.
Xưa nay những người có thể làm nên sự nghiệp lớn đều là nhờ đức nhẫn nhịn tuyệt vời.
2. Khi nhiễu loạn phải nhàn nhã được
Nhàn hạ ở đây không phải hưởng lạc, an dật, không màng sự đời, mà là sự thanh thản không vướng chút dục vọng, thèm khát thế tục, không tham danh lợi, bon chen, không cầu ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng. Là cái nhàn ở trong tinh thần.
Trong cuộc sống hay trong công việc, đặc biệt những lúc khó khăn, trắc trở, chúng ta đều có lúc muôn sự quấn chặt tấm thân, nhiễu loạn rắc rối. Khi chúng ta chán nản sốt ruột khó chịu, không cách nào nhẫn chịu được nữa thì phải biết tự dành cho mình một chút thời gian thanh nhàn.
Nếu chúng ta sốt ruột hấp tấp thì làm việc cũng sẽ mang theo tâm trạng đó, càng làm càng hỗn loạn. Hãy học cách thả lỏng cái tâm, để cái đầu bình tĩnh lại thì mới có thể xử lý tốt hơn. Đến lúc này, sự tĩnh tâm, Nhẫn để buông bỏ dục vọng, thèm khát hưởng thụ, an lạc, cuối cùng sẽ dẫn tới cái Nhàn thật sự. Nhàn trong tâm mà thân không nhàn, ngược lại thân càng cực thì tâm lại càng nhàn.
3. Khi vấn vương phải cắt bỏ được
Ta luôn có hai sự lựa chọn, chọn “giữ lấy” hay chọn “buông tay”, nhưng cũng lại luôn khát vọng có được thứ mình muốn, dù có nhiều khi sự lựa chọn ấy mang đến thật nhiều đau khổ. Ta cũng thường quên mất rằng mình vẫn còn một sự lựa chọn khác nữa.
Khi ta hiểu được ý nghĩa chân chính của hai chữ “buông bỏ”, cũng là lúc ngộ được ý nghĩa câu nói của cổ nhân: “Thất chi đông ngung, thu chi tang du”. Đông ngung là chỉ nơi mặt trời mọc, còn tang du là chỉ lúc mặt trời lặn, câu này có thể hiểu đại ý là: mất bên đông, được bên tây, tuy mất cái này nhưng lại được cái khác. Nhìn rộng ra, thất bại ở một phương diện nào đó cuối cùng lại là thành tựu ở một điểm khác. Chỉ là ta nhất thời chưa thấy được mà thôi.
Nếu là người thật sự có tầm, bạn phải thấu đạo lý “Lấy – Bỏ”. Người thành đại sự tuy không phải là máu lạnh vô tình nhưng cũng cần biết lựa chọn, cắt bỏ. Nếu lúc nào cũng bị những vấn vương bám víu trong lòng thì sẽ chẳng làm tốt được bất cứ việc gì.
Những tình cảm chuyện xưa dĩ vãng, cần biết buông bỏ. Những vấn vương hiện tại, cần biết lựa chọn ‘lấy – bỏ’. Nếu một mặt muốn thành tựu sự nghiệp, vượt trên tầm thường, một mặt lại không cách nào cắt bỏ được những vấn víu vấn vương thì sẽ hao phí thời gian vô ích, sẽ chẳng làm nên một việc gì.
4. Khi thất vọng phải bình tĩnh được
Đời người thường thất vọng nhiều hơn đắc ý, thất bại, phẫn uất, nản lòng là lẽ thường tình. Nhưng nếu muốn làm nên sự nghiệp thì lòng dạ nhất định cần phải rộng, tâm phải lớn, phải dung nạp được thất bại, phải biết bình ổn lại tâm trạng, bình tĩnh lại nội tâm, từ trong thất bại tìm nguyên nhân, tìm những chỗ mình sai lầm, từ đó sửa chữa, cải thiện, nâng cao. Như thế mới có thể tìm được sự đột phá, có được cuộc đời mà không phải chìm đắm trong trầm luân suy sụp.
Khi rơi vào nghịch cảnh, thay vì than khóc đau khổ, mà có thể làm được bốn điều trên thì bạn chính là đang làm chủ cuộc đời của mình rồi.