Người mẹ từng chịu nhiều tai tiếng bán nội tạng con lấy tiền
Chúng tôi gặp bà Cấn Thị Ngần (64 tuổi) tại căn nhà nhỏ ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, vào một sáng cận ngày 20/10. Vừa kết thúc chuyến đi chơi một tháng tại nhà con gái nuôi ở Lạng Sơn, bà Ngần mới về nhà được một hai hôm thì người con trai nuôi ở Quảng Bình lại gọi điện mời vào nhà chơi.
Bên kia điện thoại gọi tới hiện tên “Tiến con”, bà Ngần vui ra mặt. Vội bắt máy, đầu dây bên kia tiếng anh Nguyễn Nam Tiến, vang lên: “Con chào mẹ!”. Nghe tiếng con bà Ngần hỏi thăm đang làm gì, anh Tiến đáp đang ra Hà Nội khám sức khoẻ. Anh muốn mời mẹ khi anh khám xong sẽ cùng về Quảng Bình chơi.
Lo cho con, bà vội hỏi tình hình. May mắn sức khoẻ anh Tiến vẫn ổn. Người đàn ông cứ liên tục mời mẹ vào nhà mình chơi. Không muốn làm con buồn bà Ngần đồng ý, khi anh nhận kết quả xong, sắp xếp đồ sẽ cùng vào Quảng Bình ở ít ngày với cả gia đình anh.
Ít phút sau, chị Trần Thị Hậu, người con gái nuôi của bà Ngần ở Lạng Sơn lại gọi hỏi thăm sức khoẻ mẹ. Dù bà mới về xong nhưng chị lại giục mẹ sớm lên chơi. Dứt lời xong, bà Ngần kể đây là con trai và con gái nuôi của mình, những người nhờ nhận tạng của anh Trịnh Đình Vàng – con trai bà Ngần mà được cứu sống.
Ngoài anh Tiến chị Hậu, bà Ngần còn 3 người con nuôi khác là anh Nguyễn Xuân Hưng (Hoài Đức) , anh Vũ Xuân Cường (Sơn La) và chị Nguyễn Thị Thụy (Chương Mỹ). Từ ngày ấy, cảm phục tấm lòng bao dung của người mẹ như bà Ngần, cả 5 người đã xin nhận làm con nuôi. Từ đó, bà Ngần có thêm 5 đứa con hiền lành, tử tế.
8 năm kể từ ngày bà Ngần hiến nội tạng con, cuộc sống của bà có nhiều thay đổi. Từ người đàn bà mang tiếng xấu bán nội tạng con trai lấy tiền, bà trở thành người phụ nữ dũng cảm được nhiều người ngưỡng mộ.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Ngần ngước ánh mắt lên di ảnh của con trai. Hơn 8 năm trôi qua, bà cứ ngỡ như mới hôm qua. Hơn ai hết, chưa ngày nào bà Ngần nguôi nhớ thương người con trai đã khuất. Người phụ nữ nhớ như in từng mốc sự kiện đã biến bà từ một người mẹ mang cái tiếng bán nội tạng của con.
Bà Ngần xuất thân là nông dân, chồng mất sớm do bị điện giật năm 30 tuổi, một mình bà nuôi 3 con nhỏ (hai trai, một gái). Các con lớn lần lượt lập gia đình rồi ra ở riêng. Bà Ngần ở cùng anh Vàng, sau bao năm làm lụng vất vả, anh cất được căn nhà ở tuổi 30. Vàng dự tính sẽ lo nhà cửa cho mẹ xong xuôi rồi mới lấy vợ.
Thế mà, bao dự định ấp ủ đành dang dở. Ngày 26/7/2016, anh Vàng rơi từ lan can tầng 2 xuống đất trong lúc ngủ. Lúc được phát hiện, Vàng đã trong tình trạng nguy kịch. Khi ấy bà Ngần đang giúp việc cho một gia đình ở trung tâm Hà Nội. Nghe tin con gặp nạn, bà vội bắt xe buýt tới viện 103. Vào tới nơi, nghe bác sĩ nói con đã chết não, không còn chút hy vọng nào nữa, bà gục ngã. Bà bật khóc trong vô vọng “giá mà ngày đó tôi ở nhà với con thì đã không phải chịu cảnh mẹ con âm dương cách biệt như vậy. Mẹ con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”.
Tổ tư vấn của Bệnh viện Quân y 103 xác định bệnh nhân Trịnh Đình Vàng không còn cơ hội sống sót nên đã gặp riêng bà Ngần đề cập tới việc “làm nhân đạo”. Nghe xong bà không hiểu “làm nhân đạo” nghĩa là gì, cho tới khi nghe chuyện hiến tặng mô, tạng, để cứu sống những con người đang cận kề với cái chết.
“Với những gia đình khác, nghe tin dữ này chỉ muốn mang thi thể con về thật nhanh. Mất con trai tôi đau đớn vô cùng. Lúc đó tôi chỉ biết khóc mà không không nên lời. Tôi bảo bác sĩ để tôi suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định mọi chuyện. Mọi người khuyên ai chết rồi cũng muốn toàn thây, con đang lành lặn, đang nguyên vẹn như thế mà giờ phanh con ra để dứt hết các bộ phận thì không được. Tôi mang nhiều trăn trở khi quyết định hiến hay không hiến cơ thể của con trai để cứu người”, bà Ngần tâm sự.
Sau nhiều giờ suy nghĩ, cuối chiều cùng ngày, bà Ngần đồng ý ký vào giấy hiến tạng. Bước vào phòng trước khi ca mổ thực hiện, bà ôm chầm lấy con trai bật khóc. Nếu con mất cơ thể con hoá thành tro bụi. Bà chọn cách được nhìn thấy những bộ phận của con vẫn được tồn tại trong cơ thể người khác, những người đang chờ đợi được ghép tim, thận, gan… từng ngày.
Ngay trong đêm 27/7/2016, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, 2 quả thận của Vàng để cứu sống 3 người đang cận kề cái chết. Khi kết thúc ca mổ, quả tim của anh Vàng cũng đã được đập bên trong lồng ngực mới, bệnh nhân được ghép thận đã xuất hiện nước tiểu ngay sau khi được ghép trên bàn mổ. Còn 2 giác mạc, một thời gian sau cũng đã được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia kết hợp cùng Bệnh viện 103, chọn 2 trong số hàng ngàn bệnh nhân để trao cho họ cơ hội được nhìn thấy cuộc đời.
Cũng kể từ sau khi con trai qua đời, bà Ngần chịu nhiều tai tiếng từ xóm giềng. Có người không hiểu chuyện cho rằng bà bán nội tạng của con để lấy tiền… Nhiều câu nói chạm đến trái tim người mẹ khiến bà đau đớn. Thế nhưng bà gạt tất cả, hy vọng một ngày nào đó biết được thông tin của người được hiến tạng.
Bà mong muốn sau này thỉnh thoảng tới thăm cho đỡ nhớ con chứ không có ý định đòi hỏi điều gì. Nhưng vì bảo mật đời sống riêng tư của người bệnh nên phía bệnh viện không chấp thuận. Bà Ngần cũng đành chờ đợi một ngày nào sẽ được cảm nhận trái tim con đập trên người khác, lá gan, quả thận của con vẫn tồn tại…. Nhưng niềm vui bất ngờ tìm đến với người mẹ như bà Ngần, khi lần lượt những người nhận tạng của anh Vàng tìm về để cảm ơn.
Những cuộc đoàn tụ trong nước mắt, thấm đẫm tình người
Nhắc lại cuộc đoàn tụ sau khi hiến tạng con trai, bà Ngần bảo sẽ không bao giờ quên được giây phút xúc động vào cuối năm 2016, khi bà nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Bên kia đầu dây ngập ngừng:”Con Tiến đây, con nhận được trái tim của con trai mẹ đây”. Nghe xong bà chết lặng.
Anh Tiến là chiến sĩ cảnh sát quê ở Quảng Bình. Cuộc gọi ngắn ngủi của anh Tiến chia sẻ ngày hôm sau sẽ tìm về gặp mẹ Ngần khiến cả đêm hôm đó bà Ngần mất ăn mất ngủ thao thức.
Nhìn thấy anh Tiến từ ngoài cổng bước vào, nước mắt bà Ngần không ngừng tuôn trào, rồi như có động lực gì khiến bà chạy lại ôm chầm lấy anh.
“Tôi ghì mặt mình vào ngực trái của Tiến, nơi có trái tim của Vàng đang đập trong đó mà gọi con ơi”, bà Ngần xúc động nhớ lại.
Anh Tiến đứng im làm chỗ dựa cho bà Ngần mà giọng cũng nấc lên. Nửa năm trước đó anh đang hấp hối vì bệnh suy tim giai đoạn cuối. Từ người khỏe mạnh anh trở nên yếu ớt. Anh từng xác định sẽ ra đi bất cứ lúc nào, vì hầu như suy tim đều có một điểm đến là cái chết. Nhờ quả tim của Vàng mà anh được tái sinh.
Cũng từ ngày anh Tiến đến thăm, hàng xóm xung quanh bắt đầu hiểu hơn nghĩa cử của bà Ngần. Họ không còn bàn tán mỗi khi bà đi qua nữa mà dành cho bà những lời động viên, an ủi.
Sau anh Nguyễn Nam Tiến, bà Ngần lần lượt gặp những người được nhận tạng từ con trai mình. Đó là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và anh Vương Xuân Cường (ở Sơn La) – 2 bệnh nhân được ghép thận; chị Đinh Thu Thủy và anh Nguyễn Xuân Hưng (đều ở Hà Nội) – những người được nhận giác mạc của anh Vàng.
Cả 5 con người kể trên, anh Hưng, chị Thuỵ, anh Tiến, chị Hậu và anh Cường, đều là những con người xa lạ, chung hoàn cảnh khó khăn, sống trong đau đớn khi bị bệnh tật giày vò. Họ đã từng có ý định buông xuôi cuộc đời, nếu như mẹ Ngần không xuất hiện đúng lúc và kịp thời. Mẹ Ngần mất đi một đứa con ruột, bù lại mẹ có 5 người con khác. Họ muốn thay anh Vàng chăm sóc bà Ngần nên xin phép được gọi bà là mẹ, qua lại mỗi ngày lễ Tết thăm hỏi.
Cứ thế suốt 8 năm nay 5 người con nuôi của bà Ngần không một ngày nào không gọi điện hỏi thăm. Mỗi lần ra Hà Nội khám đều qua nhà bà nghỉ lại, chơi với mẹ ít ngày, vào các dịp lễ Tết, giỗ của anh Vàng đều xe lớn xe bé về thăm bà Ngần, không để bà chịu cảnh lẻ loi một mình.
Bà Ngần kể dù không báo trước, sợ các con đường xa xa xôi, đi lại tốn kém, nhưng cứ đến giỗ anh Vàng, anh Tiến và anh Cường sẽ bắt xe về trước, chuẩn bị đồ để mai làm giỗ, những người còn lại đúng ngày sẽ về. Suốt 8 năm nay không thiếu một ai.
Không chỉ 5 người nhận tạng mà con cháu, bố mẹ, vợ chồng của họ cũng cùng nhau về, căn nhà thường ngày trống vắng của bà lại đầy ắp tiếng cười nói. Gần đây nhất, dịp lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch vừa qua, 5 người con nuôi đã về quê thăm bà, chơi ít bữa rồi đi. Ai cũng đòi đón mẹ về lên nhà ở để chăm sóc, bà Ngần cũng tranh thủ thời gian rảnh đi thăm nhà các con.
“Suốt mấy năm nay khi các con về thăm tôi, lúc nào có thời gian rảnh tôi lại đi xe lên thăm nhà các con. Gặp các con tôi thấy sướng vì ngày ấy không nghe lời người thân mà từ chối hiến tạng. Nếu ngày ấy tôi không ký vào lá đơn, con tôi mất trở về với cát bụi là mất tất. Còn bây giờ một phần cơ thể của con trai vẫn tồn tại trên đời, tôi vẫn được nghe tiếng tim con đập, đôi mắt con vẫn được nhìn thấy cảnh đẹp…”, bà Ngần xúc động.
Làng xóm cũng từ ngày ấy mà biết rằng bà không bán tạng của con trai lấy tiền, rửa tiếng oan cho bà. Họ cũng dần hiểu được việc làm nhân văn của người mẹ. Nhiều lần các con nuôi về thăm cho bà tiền nhưng bà Ngần không nhận, có lần phải gói đùm hành, dúm tỏi, nhét phong bì lại cho các con. Bà tuổi già chẳng cần tiêu gì, trong khi những người con nuôi của bà cuộc sống còn nhiều khó khăn cần lo toa.
Với bà Ngần sau tất cả người phụ nữ chỉ mong những đứa con của mình sống mạnh khoẻ, vui vẻ, có thể tiếp tục mang theo phần cơ thể của anh Vàng sống là người có ích cho xã hội, thế là bà vui.
Chia tay bà Ngần, ánh mắt gần gũi cùng những câu thơ của bà Ngần khiến chúng tôi mãi xúc động. Những vần thơ ấy được bà viết treo trang trọng trên tường với nỗi lòng bao dung, nhân hậu của người mẹ:
“Một đôi mắt một trái tim nhân hậu
Hai lá gan hai quả thận cứu sống được nhiều người
Sống nhân văn nghĩa cử trên đời
Con hiến tặng để bao người được sống…
Con yêu ơi mẹ nhớ con da diết
Mồ côi cha từ thuở còn thơ
Một mình mẹ lận đận thân cò
Nuôi con lớn mong có ngày hạnh phúc
Sống giữ trọn chữ tâm chữ đức
Thác hiến tặng cứu người phải không con”…