NGƯỜI MẸ của MỴ CHÂU CÔNG CHÚA

Thuở ấy, tại làng Thao Bồi (Phương Công, Tiền Hải, Thái Bình) có người tên là Trần Bính lấy bà Đào Thị Hoan, hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Hơn 40 tuổi, cả hai vẫn chưa có nổi một mụn con. Họ đã đi lễ bái ở những nơi thờ tự linh thiêng, cầu cứu mãi. Đến năm 42 tuổi, người vợ nằm mơ nhặt được một cái gương sau đó mang thai rồi sinh được một cô con gái vào đầu xuân năm Giáp Thìn.

Bé gái từ khi lọt lòng được cha mẹ hết lòng yêu chiều, đặt tên là Trần Thị Chân, còn gọi là Châu Nương, hiệu Thục Nương. Càng lớn càng yêu kiều, thông minh sắc sảo, nổi tiếng cả một vùng.

Khi An Dương Vương cùng quần thần đi tuần thú trong nước, xa giá ngài đến làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân, vua yêu mến bèn đón về kinh đô Cổ Loa, phong làm Đệ nhị Nguyên phi. 

Ngày rằm tháng năm năm Tân Dậu, Đệ nhị Nguyên phi Thục Nương Trần Thị Chân sinh hạ một nàng công chúa “mắt phượng mày ngài, mặt tựa tuyết hoa”. Vua An Dương Vương vô cùng vui mừng, đặt tên là Mỵ Châu, hiệu Trinh Nhất Nương. Khi nàng trưởng thành, vua giao cho nàng phụ giúp mẹ cai quản, dạy dỗ 300 thị nữ trong cung.

Sau này, hai mẹ con nàng cùng trở lại Thao Bồi góp công đức, tu sửa chùa chiền, cứu người nghèo khổ. Dân làng vui mừng đón rước Đệ nhị Nguyên phi Thục Nương và công chúa. Trước đó, vua An Dương Vương truyền cho dân xứ Bồi lập hành cung ven sông cho nàng mỗi khi về thăm quê.

Nguyên phi Thục Nương qua đời trong cảnh loạn lạc, lúc cơ đồ Âu Lạc sụp đổ, người dân hai thôn Nương và Bối đã lập miếu thờ “Nhị vị mẫu tử” để ghi ân công đức. 

Đời sau, dân chúng cầu cúng đều được linh ứng, triều đình sắc phong làm Thành hoàng làng Thao Bồi để hương khói và lưu truyền.

Nguồn: Chuyện kể chốn hậu cung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *