Có 3 loại sách rất khó viết review. Một là sách quá hay, đến mức mà mọi câu chữ trong bài review đều trở nên quá tầm thường và vô nghĩa. Hai là sách có quá nhiều điểm nhấn, quá nhiều triết lý, hoặc đòi hỏi quá nhiều trí tưởng tượng.
“Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?” của Philip K. Dick thuộc nhóm 2, đủ cả ba điều mình đề cập trong nhóm 2, bonus thêm kiểu viết thuộc thể loại noir-fiction. Thể loại này là điều tra tội phạm, nhưng éo le là bạn sẽ chẳng thể nào biết được các nhân vật thuộc phe nào. Mới đây đang là CHÁNH, lật thêm 2 trang hóa ra là TÀ, lật thêm mấy trang nữa thì không thấy CHÁNH đâu, chỉ toàn là TÀ, cứ thế lật bánh tráng liên tục cho đến hết chuyện. Nói chung ai rối loạn tiền đình thì không nên dính vào thể loại này!
Tiểu thuyết của Philip K. Dick kể về cuộc truy tìm 6 người máy bỏ trốn của Rick Deckard, một tay săn tiền thưởng. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh Trái Đất đã bị tanh bành do chiến tranh hạt nhân. Loài người chia làm 2 nhóm: 1 nhóm đã di cư lên Sao Hỏa, nhóm còn lại ở Trái Đất. Ai lên Sao Hỏa thì được cấp một con robot làm osin. Qua thời gian, bọn robots này trở nên khôn hơn và bắt đầu lập công đoàn, đình công các kiểu, đòi quyền bình đẳng này nọ và một vài con trốn về Trái Đất để mong “được làm người”. Tuy vậy, trong cuốn sách của Dick, theo mình thì cốt truyện chỉ là phụ, là cái cớ để lão nêu ra những quan điểm, triết lý về con người và sự sống.
Ví dụ như nếu Trái Đất không còn phù hợp để con người sinh sống thì sao? Chuyện đó sẽ không xảy ra đột ngột mà từ từ, vài trăm năm chẳng hạn. Bắt đầu bằng ô nhiễm không khí, nguồn nước, các loài động vật chết dần, rồi đến thực vật, rồi một vài vùng không thể sinh sống được,… Giống như bị ung thư, kết cục là không thể tránh khỏi, nhưng trong khoảng thời gian còn lại đó, chúng ta sẽ làm gì?
Làm gì thì còn tùy vào mục đích của cuộc sống là gì? Điều gì mang lại hạnh phúc? Trong thế giới của Dick, vì các loài động vật đang dần tuyệt chủng, chúng trở nên rất quý giá nên sở hữu được chúng là mục đích sống của mọi cư dân Trái Đất. Ờ thì một vài con thú cưng cũng đèm đẹp, cũng hay ho, nhưng cơ bản thì bạn “sở hữu” chúng, chúng là một loại “món đồ gì đấy”. Con người không thể hạnh phúc với một món đồ. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta có nhau. Vì sau khi trao nhau những món đồ (vốn chỉ là cái cớ), sẽ có những câu chuyện thủ thỉ, những ánh mắt nồng nàn, những nụ cười ấm áp, những lần chạm tay rồi nắm chặt,…
Cảm xúc là thứ xa xỉ với con người trong tiểu thuyết của Dick. Vì một lý do nào đó, họ không còn khả năng tạo ra, kiểm soát cảm xúc nữa và cũng không thể hiểu rồi chia sẻ cảm xúc với người khác (thấu cảm). Nhưng vì cho rằng khả năng thấu cảm vô cùng quan trọng, nó là khác biệt duy nhất giữa người và robots, nên họ chế ra một thiết bị gọi là hộp thấu cảm. Khi chạm vào cái hộp này, kiểu như bắt đầu online, con người sẽ cảm nhận được mọi cung bậc cảm xúc của những người cùng online khác thông qua một video thực tế ảo đầy tính tâm linh và nhiều ẩn dụ tôn giáo. Trong một câu chuyện viễn tưởng thì có lẽ đây là điều thực tế đã, đang và sẽ tồn tại trong thế giới thực của chúng ta. Không phải ai cũng có khả năng thấu cảm. Chúng ta đều biết nó quan trọng thế nào và buồn hơn là chúng ta cũng đều biết rằng càng ngày nó càng biến mất trong quan hệ giữa người với người.
Trên đây mới chỉ là vài điều nho nhỏ trong “Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?”. Còn rất nhiều điều hại não nữa, ví dụ như: nếu mọi tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều là trò lừa bịp thì chuyện gì xảy ra, nếu robots cũng có các cảm xúc và khả năng thấu cảm thì sao, còn gì để phân biệt người với robots, liệu người và robots có thể yêu nhau,… Thế nên đây không phải cuốn sách dễ đọc, để giải trí. Ai có chút chút quan tâm về thể loại viễn tưởng + tội phạm thì có thể xem qua phim Blade Runner (bản năm 1982). Nếu thích phim này thì hẵng đọc qua sách. Và khi đó chắc là bạn sẽ thích!