NGƯỜI ÍCH KỈ NHẤT BẠN TỪNG GẶP LÀ…? (PHẦN 1)

Mẹ tôi dùng mười mấy năm để minh chứng cho cái gọi là “ích kỉ”.

Mẹ tôi từ nhỏ đã ăn ngon mặc đẹp, trắng trẻo xinh xắn, là con gái thứ hai trong một gia đình cán bộ quân đội quyền quý, mưa không tới mặt nắng không đến đầu. Với suy nghĩ “lấy chồng, chồng nuôi, mình chỉ việc ăn trắng mặc trơn”, mẹ đã chọn bố tôi và coi ông như một con gà đẻ trứng vàng. Vì ham chơi, bà không làm việc nhà hay chăm con. Hồi học mầm non, tôi được bảo mẫu và ông bà chăm bẵm, sau khi lên tôi tiểu học, bố tôi quyết định từ chức chủ tịch ở ngân hàng và sẵn sàng trở thành một nhân viên bán hàng bình thường để có thể đưa đón và dạy tôi học. Còn mẹ tôi, mỗi ngày sau khi tan làm đều lang thang ở những khu trung tâm thương mại lớn, bất kể nhà tôi cần khoản tiền ấy thế nào, bà vẫn tiêu tiền vô tội vạ. Mẹ đã dùng tiền bố tôi kiếm được đi mua sắm, đồ đạc chất đầy phòng chứa đồ, đống quần áo cao cấp xé mác chất thành núi, giày cùng kiểu dáng nhưng bà mua đến vài đôi khác màu là chuyện bình thường.

Cuối những năm 90, một chiếc áo hai dây của mẹ có giá từ ba đến năm trăm tệ, nhưng với mẹ tôi cái giá này chẳng có gì đáng kinh ngạc. Ngoài ra, mỹ phẩm của bà thì nhiều khủng khiếp, chai lọ xếp đầy tất cả các mặt bàn, trừ bàn ăn, nhà vệ sinh thì thôi rồi, xà phòng ngổn ngang. Ngay cả ngăn tủ lạnh cũng từng chất đầy các sản phẩm chăm sóc da của mẹ tôi. Bất kì cái nào trong số đó cũng là hàng nhập khẩu với mức giá trung bình khoảng ba đến năm trăm tệ.

Mỗi khi bố tỏ ra phẫn nộ với lối tiêu tiền không kiểm soát của mẹ, mẹ sẽ phản bác lại: “Nếu anh không để em tiêu tiền của anh thì chắc chắn là anh có người phụ nữ khác bên ngoài.” Hoặc bà sẽ lôi tôi ra làm cớ, bắt đầu quang quác: “Tiền anh đưa em đều là tiêu cho con, anh không đưa em tiền tức là không đưa tiền nuôi con.” Bố luôn giữ mình trong sạch, không thể ngoại tình được, lại chả bận tâm đến dục vọng của đàn bà. Sự vô tâm, lơ là của đàn ông, cộng với công việc bận rộn, bố chẳng hề biết được mẹ rốt cuộc đã tiêu bao nhiêu tiền cho tôi. Đối mặt với những lời biện hộ của mẹ, bố tình ngay lý gian, không thể cãi lại được. Vì vậy, mỗi lần cãi nhau bố đều chịu thua. Dưới những lời nói sắc bén của mẹ, bố tôi chỉ biết lặng lẽ cho đi những đồng tiền mình vất vả kiếm được. Bố chăm chỉ kiếm tiền, mẹ thì chăm chỉ tiêu, nên nhà tôi không có khoản tiền tiết kiệm nào cả.

Bố tôi kết hôn khi tuổi trẻ hừng hực, bố cho rằng tất cả mâu thuẫn đều không thành vấn đề. Nhưng cuộc hôn nhân 10 năm đầy mâu thuẫn và cãi vã cuối cùng cũng không thay đổi được lối sống của mẹ. Khi tôi 10 tuổi, mẹ đã ngốn hết tiền bạc của gia đình, và đèo thêm khoản nợ hàng trăm nghìn đô, còn tôi đối mặt với nguy cơ không có tiền đi học. Bố tôi sau khi tốt nghiệp ở trường ngân hàng năm 18 tuổi thì được bổ nhiệm làm việc tại Ngân hàng Trung Quốc, 2 năm sau thì được làm giám đốc bộ phận. Con đường quan lộ của bố tôi còn phát triển thần tốc vào những năm 80. Ông làm việc chăm chỉ và là một nhân viên sáng giá trong ngành, con đường tương lai xán lạn. Bây giờ ông lại gánh hết mọi mệt nhọc của cả gia đình mà chẳng hề kêu than. Lúc này, mẹ tôi vẫn mặc kệ các khoản nợ và học phí, cũng chẳng bận tâm đến việc tên mình có trong danh sách đen của ngân hàng, bà vẫn điên cuồng quẹt thẻ, mua sắm thỏa thích.

Không chịu đựng được nữa, bố cãi nhau với mẹ và cuối cùng hai người họ ly hôn. Khi ly hôn, để tiện đường kiếm người đàn ông khác, mẹ đã chủ động từ bỏ quyền nuôi tôi. Sau khi bà cầm đi số cổ phiếu và những đồng tiền cuối cùng trong nhà, dư âm của cuộc hôn nhân 10 năm của bố giờ chỉ còn lại tôi, căn nhà và khoản nợ. Nhưng bố tôi, vì muốn để tôi được phát triển một cách lành mạnh nên không hề ngăn cấm, thậm chí còn ủng hộ tôi giữ liên lạc với mẹ.

Từ đó trở đi, sóng gió ập đến gia đình tôi. Vì không có tiền trả học phí cao và phí bảo trợ, tôi không thể vào học tại một trường chuyên trọng điểm. Dù được đi học nhưng tôi chỉ có thể vào học ở một ngôi trường hạng hai rẻ tiền. Bố vừa làm cha vừa làm mẹ. Một bên bị họ hàng dè bỉu, một bên phải nai lưng kiếm tiền. Mệt mỏi và kiệt sức, nên bố thường xuyên cáu gắt với tôi. Vì lẽ ấy, tôi vô cùng lạc lõng và tủi thân trong căn nhà của mình. Tôi không biết tìm ai mà kể khổ, chỉ có thể tự mình chịu đựng. Nhưng mỗi lần tôi chịu không nổi mà đến tìm mẹ, sự lạnh nhạt, thờ ơ của mẹ lại càng khiến tôi lún sâu vào vũng bùn của sự tuyệt vọng.

Mẹ tôi từ trước đến nay chưa từng cho tôi sinh hoạt phí, việc này có 2 nguyên nhân: Về mặt pháp luật, tôi là do bố nuôi nấng, không liên quan gì đến mẹ. Thứ 2, mặc dù mẹ sống một mình trong căn nhà rộng rãi của bà ngoại nhưng thực chất mẹ không có nhà và tiền thì chỉ đủ chi trả cho sinh hoạt phí “hàng ngày” của bản thân, không nghĩ cho tôi được. Tiền nuôi dưỡng một đồng cũng không có, chưa kể bà còn chẳng thèm quan tâm đến chuyện học hành của tôi. Kết quả thi cấp 3 của tôi bà không nhớ, bà chỉ nghĩ rằng tôi là học sinh cấp 2, thành tích có vẻ không tốt, vì vậy đi kể lung tung với người khác. Sau khi tôi lên đại học, mẹ đã thú nhận với tôi, lý do chủ yếu bà không quan tâm đến tôi chính là: bà không nhịn nổi cái vẻ kiêu ngạo bướng bỉnh của bố tôi lúc ly hôn, và ghét cay ghét đắng cái thái độ tự tin của bố tôi trong việc nuôi dạy tôi một mình. Vì vậy, bà muốn đứng bên lề xem tôi bị huỷ hoại bởi bố thế nào. Lời lẽ của bà làm tôi ớn lạnh, và tôi bị sốc trước việc mẹ muốn huỷ hoại tôi để hả giận – hổ dữ không ăn thịt con nhưng người lại có thể huỷ hoại tương lai của chính đứa con máu mủ của mình.

Tôi nhớ khi còn học trung học, cứ đến kì nghỉ đông và hè, tôi lại về nhà bà ngoại với hi vọng được ngủ với mẹ một vài đêm, chỉ là một vài đêm trong cả một năm. Nhưng khi đó, mẹ đang bận yêu đương, đêm nào cũng ở bên ngoài, hát hò liên tục. Tôi ở nhà bà ngoại một tuần mà chẳng được gặp mẹ mấy. Chỉ có tủ quần áo chật ních, giày dép ở khắp mọi nơi, và đồ trang điểm chất đầy tủ lạnh và mặt bàn mới làm tôi nhớ ra là mẹ sống trong căn nhà ấy.

Mẹ tôi không quan tâm đến những điều này, bà vẫn cứ tận hưởng cuộc sống của mình. Mẹ đã có một khoảng thời gian vui vẻ với anh chàng ở hiệu tóc – một thanh niên trẻ tuổi. Khi tôi là học sinh năm nhất trung học, mẹ tôi đã định kết hôn với anh chàng ăn nói ngọt ngào, không thích xã giao này. Ai tinh mắt cũng sẽ nhận ra, anh ta yêu mẹ tôi vì tiền. Nhưng mẹ tôi chỉ muốn vui vẻ mà bỏ qua hết những lời can ngăn, vừa đòi tự sát, vừa đòi bỏ nhà đi, khiến ông bà ngoại tức đến ngất xỉu. Tuy rằng sau việc này mẹ và chàng trai hiệu tóc chia tay, nhưng rất nhanh mẹ đã chuyển sang một chàng trai khiêu vũ đại học khác kém 18 tuổi. Họ đã sống cùng nhau trong ngôi nhà nhỏ mà bà ngoại vừa mua cho mẹ. Nhà bà ngoại bất lực, thường xuyên gọi điện cho tôi mong tôi thuyết phục mẹ. Còn tôi, người đang não nề với thành tích học tập bết bát, chẳng có ma nào giúp đỡ lại phải dành thời gian chạy theo một bà mẹ với lối sống truỵ lạc, hưởng thụ.

Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không thể thay đổi. Còn bố tôi phải bôn ba kiếm sống nên không có thời gian để hỏi về những điều tôi thích và không thích. Dưới gánh nặng của cuộc sống và học hành, và với sự oán hận sâu sắc đối với mẹ tôi, tôi bị mắc kẹt trong sự mịt mù đau khổ. Năm lớp 11, uất ức và đau đớn nhiều năm cuối cùng cũng bùng phát – tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn giữa. Tuy nhiên, trong lòng lại là sự bình yên, thậm chí là thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã quá mệt mỏi rồi, đã không còn ôm bất cứ hy vọng gì với thế giới này nữa rồi.

Sau khi mẹ biết chuyện, bà đã bật khóc rất to ngay tại sảnh bệnh viện. Bà ấy và bố tôi đã oán trách nhau, đánh nhau trước cửa phòng bệnh. Tôi đã nhìn thấy khuôn mặt khóc đến nỗi sưng hết lên của mẹ tràn đầy sự áy náy, hổ thẹn. Tôi hy vọng trong khoảng thời gian hóa trị bà ấy sẽ ở bên tôi. Nhưng không, bởi vì sự nhát gan trong nội tâm mà bà ấy không dám đối mặt với sự chỉ trích của bố tôi, cũng như không dám đối mặt với sự lên án của tôi. Vì vậy, trong khoảng thời gian tôi hóa trị, bà chỉ đến đưa bát canh, sau đó ngồi khóc lóc rồi lại đi ngay. Thậm chí, bà ấy còn lấy năm vạn tiền khám bệnh mà nhà ngoại cho tôi, đi du lịch thư giãn với người bạn trai kém 18 tuổi, để giảm stress.

Khi biết được chuyện đó, tôi đã khóc đến nỗi nôn mửa ở trong phòng hóa trị. Tôi cảm thấy tuyệt vọng đối với mẹ, cũng thấy sợ hãi đối với sự ích kỷ tột cùng của bản chất con người. Sau khi xuất viện không bao lâu, tôi hỏi mẹ tiền đi đâu rồi. Bà ấp úng nói rằng tiền đó đều mang đi mua thuốc bổ cho tôi rồi. Trong lòng tôi biết rõ mọi chuyện, cười nhạt rồi lên án hành động đáng xấu hổ của bà ta, nhưng bà ấy quyết không chịu thừa nhận. Tôi tức giận đến nỗi cả người run rẩy, tranh cãi với bà ấy ngay trên đường phố. Bà ấy lại cho rằng tôi đang chuyện bé xé ra to, coi những phẫn nộ của tôi như là những phản ứng phụ sau khi hóa trị. Hai năm sau, mỗi lần mà tôi nhắc đến năm vạn đều không tránh khỏi một trận cãi vã không có kết quả. Mặc dù bà ngoại tôi biết hết những hành động của mẹ tôi, nhưng cũng chẳng làm gì được nên chỉ có thể nhắm mắt làm ngơ.

Nhưng nhờ trải nghiệm thoát khỏi quỷ môn quan mà tôi trở nên rộng lượng cởi mở hơn. Tôi không muốn chìm sâu vào quá khứ, nỗi uất hận của tôi đối với mẹ cũng ngày càng trở nên hờ hững. Sau khi đi học trở lại, nhờ vào rất nhiều nỗ lực và may mắn, tôi đỗ vào trường đại học 221. Vì vậy, mẹ tôi cũng cố ý cải thiện mối quan hệ với tôi. Bà ấy đã nhiều lần khóc lóc kể lể với tôi, nhiều lần kiểm điểm lại những hành động không đúng mực trong quá khứ, thậm chí còn quỳ xuống nhận lỗi. Bà ấy cũng hứa sẽ cho tôi 500 tệ mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt trong suốt 4 năm đại học như một khoản đền bù cho tôi. Mệt mỏi với những ân oán không dứt, tôi quyết định buông bỏ quá khứ và bắt đầu cuộc sống mới sau khi khỏi bệnh. Đối mặt với việc mẹ quỳ xuống sám hối, tôi thấy vui mừng thanh thản và nghĩ rằng từ nay mẹ sẽ thay đổi.

Còn về bà ấy, mặc dù có mạnh mẽ hơn trước một chút, nhưng bản chất vẫn là một người vô nhân đạo. Kể từ khi kết hôn lần thứ hai sau khi tôi thi đại học thuận lợi xong, bà lại càng khoe khoang về tôi với nhà chồng mới để thể hiện rằng bà ta có phương pháp giáo dục con tốt. Nhà bố dượng thích nhất là khoe khoang. Nhìn thấy bộ dạng tự mãn của mẹ tôi dưới sự khen ngợi của những người xã giao có lệ, trong lòng tôi vừa thất vọng vừa uất ức, nhưng cũng không tức giận trước mặt mọi người. Xuất phát từ thứ tình cảm mẹ con còn sót lại một ít và sự khó chịu với sự quấy rối của mẹ tôi, thỉnh thoảng tôi được mời đến nhà chồng mới của bà ấy làm khách, và tôi cố gắng hết sức để nhẫn nhịn, tỏ ra tốt bụng và ôn hòa, dù sao thì nếu như hôn nhân của bà ấy ổn định, tôi sẽ tránh được nhiều rắc rối trong tương lai.

Nhưng mẹ đã nhanh chóng được nước lấn tới, cho rằng tôi nên tôn trọng bố dượng của tôi cũng như tôi tôn trọng bố tôi vậy, lắng nghe và làm theo lời dạy của ông. Bố dượng không cho tôi tiền bạc hay bỏ công sức nuôi dạy, ông ta không biết rõ về tôi nhưng lại thích giảng đạo. Về phần bố tôi, vì muốn tôi có một tính cách hoàn thiện vững vàng, sau khi ly hôn ông cũng có đối tượng nhưng không hề tái hôn. Ông chăm chỉ kiếm tiền trả hết nợ và một mình chu cấp cho tôi học đại học. Bố dượng làm sao có thể so sánh với bố tôi? Nhưng mẹ tôi không quan tâm chút nào, để thể hiện uy quyền người làm phụ huynh, bà ấy luôn luôn nhắc nhở tôi phải tôn thờ bố dượng như một hình mẫu.

Khi tôi học năm 3 đại học, mẹ tôi đã mời tôi đi du lịch với lý do “đã không đi du lịch cùng nhau hơn mười năm sau khi ly hôn”. Bà ấy liên tục gọi điện trong suốt nửa tháng, thậm chí còn liên lạc với bố tôi để nhờ ông thuyết phục. Vì sự bám chặt không buông đó, tôi miễn cưỡng đồng ý. Tuy nhiên, lấy danh nghĩa đưa con đi giải khuây, thực chất là bà ta với bố dượng bồi đắp tình cảm với nhau. Trong suốt cả chuyến đi, bà ấy và bố dượng ăn ở với nhau, bỏ tôi ngày ngày ngủ với những người lạ trong đoàn du lịch. Trong khoảng thời gian này, ngay đến cả một chai nước mà bà ấy cũng không mua cho tôi, đồ ăn thì càng không có. May mắn thay, bố tôi đã đoán trước được điều này. Số tiền tiêu vặt mà ông bảo tôi mang đi cũng đủ để tôi có thể tự cấp tự túc.

Chuyến đi của chúng tôi bao gồm cả Tết Nguyên tiêu. Vào đêm trăng tròn, bà ấy và bố dượng thưởng thức trái cây trên bãi biển, để lại một mình tôi loay hoay ở khách sạn. Khi tôi đi tìm hai người họ, mặc dù trong lòng chua xót không chịu được, nhưng vì đón lễ tết nên không thể tức giận mà buộc bản thân phải mỉm cười. Để phá vỡ sự ngại ngùng, tôi đề nghị đi đến một nhà hàng trên bãi biển để uống cùng nhau. Không ngờ đó lại là một quán bar sân vườn do người nước ngoài làm chủ, giá cả khá cao, nhân viên phục vụ không ai biết nói tiếng Trung. Mẹ và bố dượng vừa không có can đảm rời đi lại không muốn trả tiền cho một bữa ăn như vậy. Hai người ngồi vào bàn, trên tay mỗi người một thực đơn bằng tiếng Anh và thờ ơ nói chuyện để trì hoãn thời gian, khiến người phục vụ ở bên cạnh sốt ruột liếc mắt khinh bỉ. Sau một thời gian dài, tôi thực sự không thể chịu được bầu không khí khó xử này thêm nữa, vì vậy tôi đã lấy thực đơn, gọi đồ ăn cho họ và chuyển cho bố dượng mấy trăm đô ngay tại chỗ với danh nghĩa là bố tôi đãi. Không ngờ, bố dượng tôi nghe thấy bố tôi đãi, nhận tiền ngay tại chỗ, mẹ tôi châm chọc “sự giàu có” của tôi. Tôi thực sự không muốn mất mặt trước mặt người nước ngoài, vì vậy tôi không muốn cãi nhau với bà ấy trong nhà hàng cho nên chỉ nở một nụ cười giả tạo để đối phó. Sau khi ăn no, họ còn đánh giá các món ăn khiến tôi không khỏi cười thầm trong lòng trước sự cổ hủ và làm màu của hai người đó.

(còn nữa…)

Minh hoạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *