Ngày ngày, cùng với việc trông coi nương rẫy, anh Đinh Văn Thành (Bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) lại cần mẫn vệ sinh, dọn dẹp rác quanh khu vực đèo Lũng Lô, nơi có di tích lịch sử nổi tiếng.
Khi được hỏi lý do vì sao anh quyết định làm công việc này, anh Thành bộc bạch: “Xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng những giá trị lịch sử của dân tộc đã thôi thúc tôi làm những công việc không tên, không ai nhờ vả ấy. Tôi muốn dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày và bảo vệ di tích này để những du khách đến đây được chiêm ngưỡng cảnh quan sạch, đẹp nhất”.
Hằng ngày, anh Đinh Văn Thành đã tự nguyện lên trông coi và dọn dẹp vệ sinh quanh di tích lịch sử đèo Lũng Lô. Ảnh: Hà Thanh
Đèo Lũng Lô nằm trên QL37 thuộc bản Dạ (xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) giáp ranh với xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Lũng Lô là một địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại.
Công trình Đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2011. Ảnh: Hà Thanh
Với chiều dài 15km, độ dốc 10%, nơi đây đã ghi lại bao dấu ấn lịch sử vang dội và hào hùng của quân và dân cả nước. Đây chính là con đường huyết mạch để quân và dân ta tiếp tế lương thực, chuyển quân nhằm phục vụ mục tiêu đánh tan cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đèo Lũng Lô có chiều dài 15km với độ dốc lên tới 10% là cung đường thu hút nhiều du khách trải nghiệm tham quan. Ảnh: Hà Thanh
Nhằm ghi nhận đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Yên Bái tham gia xây dựng tuyến đường 13A trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2011, công trình đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tháng 4/2024, công trình tu bổ khu di tích lịch sử Quốc gia đèo Lũng Lô đã được Tỉnh Đoàn Yên Bái chính thức khánh thành để đưa vào hoạt động nhằm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày nay, đèo Lũng Lô có ý nghĩa quan trọng giúp kết nối, giao thương kinh tế giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.
Theo anh Thành chia sẻ, hàng ngày có rất nhiều du khách nhất là giới trẻ đi qua và dừng chân tại khu vực này để ngắm cảnh, tham quan di tích. Từ thực tế đó, anh đã dựng lán tạm vừa để trông coi nương rẫy, dọn dẹp di tích lại vừa tận dụng để nuôi ong mật, lúc cao điểm lên tới 200 đàn.
Anh Thành vừa dựng lán trông coi di tích vừa tận dụng nương rẫy của gia đình trên đỉnh Đèo Lũng Lô để nuôi ong mật. Ảnh: Hà Thanh
Với số lượng đàn ong hiện tại khoảng 100 đàn, trung bình mỗi tháng anh Thành thu mật 3 lần với khoảng 120 lít mật, giá bán 150.000đ/lít. Khách mua mật ong chủ yếu là những du khách đi qua khu vực này, tuy nhiên do số lượng ít mà nhu cầu của khách lại lớn nên vẫn chưa đáp ứng được.
Anh Thành cho biết, không chỉ tham gia trông coi, dọn dẹp vệ sinh quanh di tích Đèo Lũng Lô mà anh còn chia sẻ tình cảm với du khách đi đường bằng việc đi lấy củi nhóm lửa giúp họ sưởi ấm trong những ngày đông giá rét. Việc làm này của anh không chỉ giúp gắn kết tình cảm giữa con người với nhau mà còn góp phần thu hút du khách đến với địa danh lịch sử huyền thoại này.
Anh Thành kiếm củi đốt lửa cho du khách dừng chân sưởi ẩm khi qua đèo Lũng Lô. Ảnh: Hà Thanh
Cùng với đó, thông qua những việc làm của mình, anh Thành cũng mong muốn lan toả đến nhiều người về tinh thần yêu nước, yêu quê hương, trân trọng, gìn giữ những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Anh Dương Văn Tuyên (Thái Nguyên), một du khách đến tham quan di tích Đèo Lũng Lô bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với di tích này nhưng thấy không khí và cảnh quan ở đây rất sạch đẹp. Khi tôi vừa đi ngang qua đỉnh đèo thấy có một người đàn ông đang cặm cụi quét dọn rác. Dừng chân ngồi nghỉ ngơi uống nước trò chuyện, hỏi ra mới biết anh Thành là người tự nguyện quét dọn vệ sinh ở đây để giúp cảnh quan sạch đẹp nên tôi rất trân trọng hành động đó. Nhờ có những người như anh Thành giúp cho những giá trị lịch sử không bị lãng quên”.
Ngày 6/2, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Xuân Dương – Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: Sau khi di tích Đèo Lũng Lô được tu bổ, xã đã thành lập Ban Quản lý di tích và giao cho Đoàn thanh niên xã có trách nhiệm chăm nom việc quét dọn. Tuy nhiên, do di tích này nằm xa khu vực trung tâm xã, hơn nữa đường xá đi lại tương đối khó khăn, đèo dốc quanh co nên Đoàn thanh niên xã cũng không thể thường xuyên thăm nom quét dọn được.
Chính vì vậy, vừa qua, anh Đinh Văn Thành là công dân thuộc thôn Dạ có xuống xã đề xuất cho anh được chăm nom, quét dọn quanh di tích này trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và không đòi hỏi bất cứ thù lao gì. Nhận thấy đây là một hành động đẹp có ý nghĩa nên xã đã nhất trí để anh Thành chăm nom quét dọn tại di tích này trong thời gian xã chưa bố trí được người thường xuyên trông coi, quản lý tại đây.