Người Da Trắng, Các Bạn Cần Rửa Đít

Tác giả: Indi Samarajiva

Hồi còn sống ở Mỹ, tôi không hiểu chân lý này, nhưng bạn cần phải rửa đít sau khi đi nặng. Bạn không thể chỉ chùi cho đến khi không còn chùi ra gì được. Nếu bạn làm dính mứt lên các bề mặt khác, bạn sẽ không chỉ chùi mà bạn sẽ rửa sạch bề mặt đó. Đít của các bạn xứng đáng được đối xử tương tự.

Giống như hệ thống đo lường, phần đông thế giới đều đã thông tỏ điều này.

Nhật Bản có những chiếc bồn cầu xịn có thể vừa rửa vừa lau khô đít người dùng trong khi chơi nhạc. Ở những đất nước Hồi Giáo, suốt hàng thế kỷ, người ta dùng Iota – một chậu nước, và giờ họ dùng những thiết bị hiện đại hơn. Gần như mọi hộ gia đình ở Sri Lanka đều có một chiếc vòi xịt đơn giản, tôi gọi nó là súng bàn tọa. Sau đó người Pháp phát minh ra chậu rửa (bidet), từ này nghĩa đen là con ngựa nhỏ, và mọi người từ khắp miền Nam châu Âu đến toàn thế giới đều cưỡi con ngựa nhỏ này. Cùng lắm thì hầu hết mọi người trên thế giới đều có một cái vại nước nhỏ để rửa đít.

Cá nhân tôi thì tôi thích vòi xịt. Nó hay ho, hiệu quả, và khá phổ biến ở nơi tôi sống. Tuy nhiên có một điều mà tôi phát hiện ra, đó là có nhiều cách khác nhau để sử dụng chiếc súng bàn toa này. Tôi xịt rồi lau khô bằng giấy vệ sinh. Có người xịt rồi sau đó rửa đít bằng tay không và xà phòng. Nhưng dù bằng cách nào thì luôn có một quy tắc thống nhất. Hãy dùng nước. Để rửa đít.

Nếu bạn có thói quen này thì sống ở Mỹ hoặc Anh sẽ là một thử thách. Nếu bạn chỉ chùi đít như người dân ở đây, bạn sẽ luôn có cảm giác mình đang đi loanh quanh với môt cái đít bẩn. Mà đúng là như vậy. Khi tôi đến những đất nước lạc hậu này, tôi thường phải sắp xếp thời gian biểu làm sao cho mình có thể đi tắm sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

Bên cạnh việc đít bẩn, giấy vệ sinh đang xả theo đúng nghĩa đen tiền và môi trường xuống bồn cầu. Người Mỹ trung bình dùng 141 cuộn giấy vệ sinh mỗi năm, tiêu tốn khoảng $40 (~930k VNĐ). Sự tiêu phí này là một yếu tố dẫn đến nạn mất rừng toàn diện, đặc biệt là ở Canada.

Bằng số tiền bạn đi mua một bịch giấy vệ sinh, bạn có thể mua một chiếc súng bàn tọa (vòi xịt) và giảm thiểu lượng giấy vệ sinh mình sử dụng một cách đáng kể. Bạn không cần phải chùi đến khi không chùi nổi nữa. Nói thật, đôi khi chùi đít chẳng khác gì cố gắng lau sạch vết mực bút dạ vĩnh cửu, ngốn quá nhiều giấy. Nếu bạn rửa đít, bạn chỉ cần lau nhẹ nhàng một lần cho khô. Bạn sẽ sạch hơn, giàu hơn, và ít phá hoại rừng hơn.

Ở từng mức giá lại có từng lựa chọn rửa đít khác nhau. Được coi như Tesla của bồn cầu — Toto Neorest — sẽ tự động mở nắp bồn cầu, làm ấm bề mặt, làm sạch và mát-xa lỗ của bạn. Bạn cũng có thể thay bề mặt khi cần nếu bạn đã có sẵn chiếc bồn cầu trong nhà. Cá nhân tôi thấy đây là một trong những khoản đáng đồng tiền bát gạo nhất bạn có thể chi trong đời — trị liệu spa hàng ngày cho chiếc bàn tọa của bạn.

Cùng lúc đó, bạn cũng có thể mua một chiếc gáo mà gần như không tốn một xu. Tìm loại nào mà có miệng ấy, khe đít bạn sẽ tự lo liệu những điều còn lại. Bạn chỉ cần rửa sạch bằng nước và xà phòng, rửa tay sạch, và tự tin đi lại ngoài đường.

Giờ thì, tôi đề cập đến người da trắng ở tiêu đề không phải để chỉ trích họ, nhưng một điều lạ là văn hóa không rửa đít thường tập trung ở Mỹ, Anh, Bắc Âu, và Úc; hay những khu vực của người da trắng. Bạn càng đi xuống phía Nam châu Âu, đít mọi người càng sạch.

Tuy nhiên điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là những đất nước ở phía bắc này nghĩ rằng dùng giấy vệ sinh sạch hơn. Một hiểu lầm phổ biến về vòi xịt chính là chúng kinh chết được, cứ làm như để đít dính mứt cả ngày thì sạch hơn ấy. Nếu bạn thực sự suy ngẫm về việc này, chỉ dùng mỗi giấy vệ sinh đúng là không tưởng, nhưng nếu bạn sống trong thế giới người da trắng bạn sẽ không bao giờ nhận ra sự thật này.

Tôi sống ở Mỹ hơn mười năm và đi nặng không biết bao nhiêu lần, và tôi đã từng nghĩ chẳng có gì không đúng khi chỉ dùng giấy vệ sinh cả. Nhưng nó sai, quá sai và mọi người cần biết điều này. Tôi rất tiếc phải thông báo với các bạn, người da trắng à, nhưng đít các bạn bẩn. Dù màu da các bạn là gì, chúng ta đều có đít, và chúng đều cần được rửa.

Theo: Minh Hằng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *