Mới đây, trên mạng xã hội, chị Trịnh Thị T., hiện đang công tác cho một cơ quan báo chí đã đăng tải bài viết chia sẻ về việc gia đình đã quyết định hiến tạng cháu trai của mình không may bị tai nạn, chết não để hồi sinh sự sống cho những người khác, khiến ai nấy đều vô cùng xúc động.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị T. bồi hồi nhớ lại, sáng 9/3, chị nhận được tin báo cháu trai là Trịnh Nhật M. (18 tuổi, ở Hà Nội) bị tai nạn giao thông và đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Chị và người thân vô cùng bàng hoàng, nén nỗi đau chị đi thẳng vào Khoa Cấp cứu. Bố M. là anh Trịnh Quốc Đ. là bộ đội đang công tác ở một tỉnh miền núi Tây Bắc xa xôi.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện một ca hiến tạng. Ảnh: BVCC
Khi bác sĩ thông báo M. đã chết não, chị T. không thể tin vào tai mình và rất khó khăn để thông báo cho anh trai trở về Hà Nội khi M. trong tình trạng này.
“Chúng tôi chỉ nhắn tin cho anh trai tôi rằng: “Anh xin phép đơn vị về Hà Nội luôn đi”. Trên đường đi, anh trai tôi có gọi hỏi: “Cháu đã tỉnh chưa em?” Lúc đó, chúng tôi nói rằng, cháu bị nặng. Anh cứ bình tĩnh về đi. Về đến cổng Bệnh viện Việt Đức, khi đó cả gia đình, họ hàng đang đứng chầu chực để ngóng tin về cháu.
Anh trai tôi mặt tái xanh lững thững bước vào. Nhìn cháu trong tình trạng này, anh trai tôi không nói lên lời. Anh không khóc, giọng anh nghẹn lại. Anh được bác sĩ gọi ra trao đổi về tình trạng của cháu và anh ra ngoài thông báo với mọi người rằng: “Cháu muốn hiến tạng của cháu M. để cứu người, mong gia đình ủng hộ cháu”, chị T. kể lại.
M. (áo xanh) trong một lần đi du lịch cùng người thân. Ảnh: GĐCC
Theo chị T., ban đầu, có một số người thân không đồng ý với việc hiến tạng, vì ai cũng thương xót. Lúc này anh Đ. nói: “Hãy tôn trọng quyết định của con em. Em muốn cháu mất đi nhưng vẫn làm việc có ích cho xã hội”. Sau đó anh đã bản lĩnh để nhắn tin vào nhóm gia đình với nội dung: “Cháu đồng ý hiến tạng M. để cứu người, gia đình ủng hộ cháu”.
“Sau tin nhắn và câu nói ấy của anh trai tôi, mọi người trong gia đình dần hiểu ra rằng, dù cháu không còn nữa, nhưng cháu vẫn có thể tiếp tục sống trong cơ thể của những người khác, mang lại hy vọng và sự sống cho họ. Và đó chính là điều ý nghĩa nhất. Khi gặp con lần cuối, anh Đ. cùng vợ và gia đình đã xoa đầu và vuốt má M. và nói: “Ngủ ngon con nhé! Bố mẹ, gia đình sẽ rất nhớ con! Con đã làm được một việc có ích cho xã hội”, chị T. xúc động nhớ lại.
Người thân tổ chức lễ tang tiễn biệt Nhật M. Ảnh: GĐCC
Là phóng viên theo dõi mảng sức khoẻ, chị T. chia sẻ, từng viết rất nhiều bài báo về những nghĩa cử cao đẹp, trong đó có hiến tạng nhưng không ngờ có một ngày chị phải viết câu chuyện về người thân mình.
“Cháu M. ra đi ở tuổi 18—cái tuổi đẹp nhất đời người, với bao hoài bão, khát vọng còn dang dở. Cháu đang học tiếng để chuẩn bị đi du học Đức vào năm tới nhưng bao dự định đành gác lại trong hoài niệm, xót thương của gia đình. Cháu M. là một người sống tình cảm, luôn vui vẻ, lạc quan. Vì thế, dù nỗi mất mát này quá lớn, gia đình vẫn tin rằng cháu sẽ tiếp tục sống theo một cách khác đó là trong cơ thể của những người cần được cứu sống”, chị T. bật khóc.
Thông điệp mà gia đình chị T. muốn gửi gắm qua nghĩa cử này là, dù đau đớn, nhưng nếu có thể mang lại sự sống, hy vọng cho người khác, thì đó chính là điều ý nghĩa nhất. M. đã rời xa, nhưng trái tim em vẫn đập, hơi thở em vẫn tiếp tục trong những cơ thể khác. Đó là cách cháu M. đã để lại dấu ấn đẹp trong cuộc đời này.
Thông tin chúng tôi nhận được từ Trung tâm điều phối và Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức, cháu M. hiến tạng đã mang lại cơ hội sống cho 4 người. Hiện nay, các ca ghép thành công, sức khỏe của người được nhận tạng đã tốt lên theo từng ngày.
“Gia đình chúng tôi hiến tạng cháu không mong nhận lại bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất dành cho những người nhận tạng của cháu: Hãy trân trọng và sống một cuộc đời thật rực rỡ. Cháu M. ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, khi những ước mơ vẫn còn dang dở. Vì thế, chúng tôi hy vọng những phần cơ thể của cháu sẽ tiếp thêm sức mạnh để các cô, chú, anh, chị tiếp tục sống khỏe mạnh, sống ý nghĩa hơn mỗi ngày.
Tôi mong muốn những người nhận tạng của cháu hãy viết tiếp những ước mơ mà cháu M. chưa kịp thực hiện, hãy yêu thương, hãy cống hiến, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đó chính là cách đẹp nhất để giữ cháu mãi mãi hiện diện trên cuộc đời này”, chị T. chia sẻ thêm.