3.Chuyện bí mật
Ngày 23 tháng 5 năm 1994, thứ Hai, trời âm u nhiều mây.
Tôi biết ông trời sẽ chẳng quan tâm tới mình, trận mưa đó đã không rơi xuống.
Nhưng cũng không cần quá lo lắng, chuyện gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, còn tôi thì cũng đã làm được cái việc mình muốn làm mà mãi chưa làm được.
Hiện tại đang là tiết Địa lý vào buổi chiều. Vì thành tích của tôi luôn khá tốt, thế nên cô Diêu cho rằng tôi sẽ vượt qua kì thi Địa lý quốc gia mà không gặp chút vấn đề gì. Người cô hảo tâm ấy cho phép tôi được làm việc riêng trong giờ, nên tôi mới có thể ngồi viết ra những dòng nhật ký này.
Viết nhật ký đối với tôi mà nói, giống như một cách thổ lộ hơn là một thói quen. Tôi không có người để tâm sự, chỉ có cuốn sổ nhật ký này là người bạn đã đồng hành cùng tôi từ thuở bé. Huống chi, sự việc diễn ra ngày hôm nay, nhất định phải được ghi chép lại.
Sáng tỉnh dậy, tôi nhìn ra ngoài bầu trời âm u và mặt đất khô ráo, không thất vọng, cũng chẳng ủ rũ. Đây chẳng qua cũng chỉ là một trong vô số những điều ước không thành hiện thực của mình mà thôi. Điều tôi lo lắng lúc này chính là lớp kém đánh răng khô quắt và đôi giày trắng không có tương lai kia.
Đôi giày vẫn ổn, kem đánh răng và bụi phấn tạm thời đã che đi vết mực loang. Khuyết điểm là, một lớp vỏ cứng ngắc đã được hình thành bên ngoài bề mặt chiếc giày, chỉ cần chạm nhẹ, lớp vỏ ấy sẽ nứt ra rồi vỡ vụn. Tôi đành bất lực ngồi nhìn đôi giày “trắng” mỏng manh kia. Trong lúc còn đang do dự, thì từ nhà vệ sinh vọng ra tiếng la hét của mẹ. Xem chừng, mẹ đã phát hiện ra tuýp kem đánh răng bị tôi lãng phí. Tôi không muốn phải nghe thêm lời chỉ trích nữa vì trong lòng đã đủ phiền toái rồi. Thế là, tôi xỏ đôi giày lười, lấy giấy báo gói gém đôi giày thể thao trắng kia lại, khoác cặp sách lên rồi ra khỏi cửa. Khi đi qua nhà bếp công cộng, tôi nhìn thấy hai chiếc đĩa đang úp vào nhau, nhưng không còn thời gian nữa.
Trong văn phòng Đoàn trường, tôi mang đôi giày thể thao trắng ra thay. Thầy Châu Duy Quốc lấy lá cờ ra khỏi tủ, thúc giục chúng tôi mau ra thao trường. Tôi không dám đi nhanh, sợ rằng lớp vỏ kem đánh răng kia sẽ vỡ vụn. Thầy Châu Duy Quốc nhanh chóng phát hiện ra dáng đi kỳ lạ của tôi, chưa kịp mở miệng hỏi, thầy ấy đã trông thấy những mảnh vụn màu trắng rơi dưới chân tôi.
“Trời đất ơi!” Thầy Châu Duy Quốc tròn mắt ngạc nhiên, “Em đang đi cái gì thế? Giày thạch cao à?”
Không kịp giải thích nữa rồi, mà cũng chẳng có cách nào để giải thích. Tôi đỏ mặt, cúi gằm đầu, lết từng bước ra thao trường. Nhưng mà, vấn đề lớn hơn đã ập tới. Tôi và ba bạn khác trong đội kéo cờ, phải đi nghiêm đến chỗ cột cờ.
Bước đi nghiêm thứ nhất, tôi nhắm nghiền mắt lại.
Vài giây sau, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng xì xào bàn tán của đám người bên dưới. Kèm theo đó, là tiếng cười khúc khích mỗi lúc một to. Tôi biết, âm thanh chói tai nhất chắc chắn là của Mã Na. Con bé ấy cùng với bọn Tống Sảng, Triệu Linh Linh nhất định đang lấy tay chỉ vào đôi giày đang dần hiện ra những mảng màu sặc sỡ, cùng các mảnh vụn đang rơi xuống theo từng nhịp chân bước của tôi.
Được thôi, được thôi.
Cứ như thế, tôi dậm từng bước trang nghiêm trên phi trường phấn trắng dưới hàng trăm con mắt dị nghị, bất mãn và giễu cợt, vác theo bộ mặt không cảm xúc tiến đến bên cột cờ. Khi lá cờ Tổ quốc được phất lên, khuôn mặt tôi tạm thời được che khuất sau một màu đỏ rực rỡ. Tôi không kìm được mà mở mắt, và chỉ nửa giây sau thì bắt gặp khuôn mặt của cậu ấy.
Dương Lạc không cười, càng không nhìn chằm chằm vào đôi giày của tôi, khuôn mặt cậu ấy ngưng đọng trên lá cờ Tổ quốc. Tôi biết điều cậu ấy nghĩ lúc này, chắc chắn không phải là có bao nhiêu máu của những liệt sĩ đã ngã xuống để nhuộm đỏ lá cờ, mà chỉ là cậu ấy không muốn trở thành một trong số những ánh mắt đang làm tôi khó xử mà thôi.
Quốc ca vang lên, quốc kỳ cũng từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ. Tôi ngẩng mặt lên, dùng ánh mắt trang nghiêm để hướng về lá cờ Tổ quốc, trên nền cờ đỏ phấp phới ấy, tôi bắt gặp những đám mây đen đang chậm rãi gom lại với nhau.
Sau khi buổi lễ chào cờ kết thúc, tôi liền thay đôi giày lười để đi. Thế nhưng, đôi giày “trắng” kia vẫn trở thành chủ đề thảo luận của đám học sinh. Có những bạn thậm chí còn tranh thủ giờ giải lao, chạy đến chỗ ngồi của tôi, chỉ để được nhìn thấy đôi giày vỡ vụn được giấu dưới ghế. Tôi rất muốn vứt quách nó đi, nhưng lại không thể. Bởi chỉ cần đôi giày ấy chưa há mõm, bố mẹ nhất định sẽ không mua đôi mới cho tôi. Đối với họ, giày là để đi, chỉ cần đi được là được, mấy cái vết mực kia chưa là vấn đề gì. Đương nhiên, tôi cũng có thể phá hỏng đôi giày ấy, sau đó sẽ lại phải đối diện với một câu hỏi Toán học: Bố cần tháo bao nhiêu cái kính xe, mới đủ tiền mua một đôi giày?
“Hiệu ứng ngôi sao” mà đôi giày này mang đến cho tôi không kéo dài được bao lâu, đến giờ nghỉ trưa, sự hứng thú của mọi người dành cho đôi giày đã biến mất. Tôi cũng thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tuy nhiên, một phiền phức khác vẫn đang đợi tôi: Sáng nay ra khỏi nhà vội quá, tôi quên không đem theo đồ ăn trưa. Từ tối hôm qua đến giờ, tôi chưa có hột cơm nào vào bụng, đã thế lại không ngừng hoài niệm về hai chiếc đĩa úp vào nhau trong nhà bếp. Khi các bạn khác trong lớp bắt đầu mở phần cơm hộp của mình ra, những hương vị mĩ miều của đủ loại món ăn len lỏi qua từng dãy ghế, cũng là lúc tôi lẳng lặng rời đi.
Tôi chui vào nhà vệ sinh để vỗ nước lạnh vào mặt, tuy rằng không giải quyết được vấn đề thực tế, song cơn đói khát cũng giảm bớt phần nào. Tôi lau miệng, chậm rãi tiến về phía hội trường.
Hôm nay có buổi diễn tập vở nhạc kịch tiếng Anh — “Nàng tiên cá”, tiết mục khép màn của ngày hội tiếng Anh năm nay. Hiện đang là giờ ăn trưa, chắc là không có ai ở trong phòng diễn tập. Trốn ở đây, vừa đỡ bị người khác phát hiện ra mình không đem theo cơm trưa, vừa có thể ngồi yên lặng được một lúc.
Quả nhiên, hội trường vắng tanh không một ai. Tôi men theo hành lang được lát đá cẩm thạch, đi xuyên qua từng hàng ghế, tiến về phía sân khấu. Leo lên sân khấu bằng gỗ, dẫm lên mặt sàn kẽo kẹt, vòng qua tấm rèm sân khấu, rồi lại lách qua hành lang chật hẹp là tới phòng diễn tập.
Một khối đen tĩnh mịch. Tôi lần mò để bật công tắc đèn, dần thích nghi với luồng ánh sáng chói mắt ập tới đột ngột, phòng diễn tập trống trơn hiện ra trước mặt tôi. Cơn đói khiến tim tôi đập loạn xạ, chân tay rã rời không còn chút sức lực. Thế là, tôi ngồi xuống chiếc hòm đạo cụ để nghỉ ngơi. Sau đó, tôi mở tủ phục trang ra, tìm lấy chiếc váy in tên mình trong đám váy dài màu đỏ được xếp thành hàng rồi khoác lên người.
Tôi đóng vai một tì nữ của hoàng tử, sau phân cảnh thứ tư mới xuất hiện, lời thoại cũng chỉ vỏn vẹn có vài câu. Dù cho vậy, tôi vẫn lục tìm cuốn kịch bản từ trong hòm đạo cụ ra, đọc kĩ lại một lượt. Mấy phút sau, tôi đọc thuộc lòng những lời thoại vốn đã nắm rõ trong lòng bàn tay từ lâu. Tôi đóng cuốn kịch bản lại, nhắm nghiền mắt, bắt đầu diễn tập trong trí tưởng tượng của mình.
Tôi không muốn mình bị mất mặt trước Dương Lạc, bất chấp việc tôi đã đủ mất mặt trước cậu ấy trong buổi lễ chào cờ sáng nay. Thế cho nên, tôi cần một cơ hội, không phải với thân phận một cô gái nghèo hèn, rách nát, giống như một miếng rẻ lau không phân biệt nổi màu sắc, để đường đường chính chính nhìn thẳng vào mắt cậu ấy mà nói, dù cho chỉ là “Tì nữ C”.
Huống chi, tôi sẽ nhận được câu trả lời và nụ cười hồi đáp của cậu ấy. Mặc dù giữa hai chúng tôi vẫn là thứ quan hệ cao quý và hèn mọn, nhưng không phải là Dương Lạc và Tô Lâm.
Thật tốt biết bao.
Tôi bắt đầu cười mỉm, rồi lại thấy ủ dột.
Tôi ném kịch bản vào lại hòm đạo cụ, nó rớt lên trên một cuốn kịch bản khác được bọc bìa da. Không nhìn cũng biết cuốn đó là của Mã Na. Ồ, đúng rồi, con bé đó cứ bắt chúng tôi phải gọi nó là công chúa người cá, là bởi vai diễn mà nó đóng là nàng tiên cá. Tôi cầm lấy cuốn kịch bản công chúa người cá, lời thoại của con bé còn nhiều hơn cả tôi, đều được đánh dấu bằng bút bi đỏ. Nhưng mà, một đoạn lời thoại dài lê thê bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ làm khó Mã Na, thế nên, tôi đã viết thêm phiên âm bằng tiếng Trung bên cạnh những ô thoại đó.
“Ai đôn phia! (I don’t fear!) Tôi nhẩm đọc, lòng cười thầm, không ngừng tưởng tượng ra cảnh Mã Na dùng thứ ngôn ngữ tiếng Anh ngớ ngẩn này để diễn cùng Dương Lạc.
Con bé đó thích cậu ấy, chuyện này cả trường đều biết, cho nên con bé mới năm lần bảy lượt đòi đóng vai nàng tiên cá. Không biết ông bố lắm tiền của con bé đã làm cách nào, để cuối cùng vai diễn đó đã rơi vào tay Mã Na đúng như tâm nguyện của nó. Đúng, nó xinh xắn, thân hình cũng đẹp, mái tóc nâu dài uốn lọn càng khiến nó trông giống như một cô bé ngoại quốc.
Nhưng, nó thật sự có tư cách để đóng vai nàng tiên cá ư?
Tôi ngoái đầu, nhìn vào bản thân mình trong gương. Chiếc váy dài màu đỏ thẫm ren trắng, một tay cầm cuốn kịch bản, một tay chống xuống chiếc hòm đạo cụ, sắc mặt nhợt nhạt, mắt híp một mí, mái tóc đen xõa ngang vai.
Trong lần diễn tập đầu tiên, sau khi đọc xong lời thoại của mình, tôi đứng sau lưng hoàng tử, nhìn Dương Lạc một cách không hề giấu diếm. Thầy Châu phụ đạo sau khi hô dừng, tôi mới rời ánh mắt đi. Đồng thời, tôi phát hiện thầy Châu đang nhìn mình.
“Em lại đây một chút.” Thầy Châu giơ chiếc may quay đang cầm trên tay lên, ra hiệu cho tôi tới xem lại đoạn băng vừa được ghi.
Tôi không dám động tay vào món đồ đắt tiền ấy, chỉ biết khép nép ở một bên để nhìn qua màn hình.
Trong đoạn băng, tôi đứng hơi chếch về bên trái phần trung tâm, Mã Na chỉ để lộ có nửa khuôn mặt.
“Ánh mắt của em, kể ra còn giống nàng tiên cá hơn.” Thầy Châu phá lên cười, “Thật đáng tiếc.”
Tôi không thấy tiếc. Có thể được cùng cậu ấy hoàn thành một công việc, có thể đàng hoàng nhìn vào cậu ấy, với tôi như vậy là quá đủ rồi.
Nhưng mà, tôi chỉ có thể là một tì nữ, không thể là nàng tiên cá hay sao?
Tôi đánh mắt nhìn về phía chiếc tủ quần áo ở sau cùng.
Giây tiếp theo, tôi nhanh chóng hành động.
Đó là một chiếc váy trắng thuần khiết, vải sa tanh, kiểu cách đơn giản. Nhưng mà, nói theo cách của thầy Châu, khi nàng tiên cá khoác lên mình chiếc váy đó đứng giữa đám tì nữ, “Giống như nhụy hoa trắng giữa những cánh hoa đỏ vậy.”
Lúc này, cánh hoa đỏ đã bị tôi giũ bỏ, trút xuống nền nhà. Tôi chỉ mặc chiếc áo ngực và quần lót, cầm lấy chiếc nhụy hoa được treo trên móc. Khoảnh khắc đầu móng tay chạm vào chiếc váy ấy, toàn thân tôi run rẩy, dường như có một luồng điện chạy dọc tấm vải sa tanh ấy. Cùng lúc, một cảm giác chóng mặt ập tới, hai hàm răng va vào nhau cành cạch.
Cứ như thế, tôi chùm lên mình chiếc váy trắng trong tình trạng hai chân run rẩy, sắc mặt trắng bợt. Khi tôi hất mái tóc của mình ra khỏi cổ áo, một mùi thơm miên man cũng theo đó tỏa ra. Tôi rất quen với mùi hương này, đó chính là mùi nước hoa mà Mã Na hay dùng. Mặc dù con bé ấy rất đáng ghét, nhưng quả thực mùi hương này thật khiến con người ta say đắm. Nó làm tôi ngay lập tức đắm chìm vào trong thứ cảm xúc kỳ diệu.
Tôi là nhụy hoa. Tôi là cô người cá ngân nga giữa không trung. Tôi là nàng tiên cá đã đánh đổi giọng hát mỹ miều của mình để lấy đôi chân của loài người. Tôi là đứa trẻ mồ côi bị câm ở trong lòng hoàng tử.
Tôi đứng trước gương tập, lặng lẽ ngắm nhìn bản thân. Khoảnh khắc ấy, tôi tin là có một tia sáng từ đâu rơi xuống, chiếu lên cơ thể mình. Tôi cầm lấy búi tóc, mân mê nó trong tay rồi lại bỏ xuống. Mái tóc vốn thẳng đuột như sợi bún giờ đã hơi quăn, tôi nghiêng mặt, khẽ nhíu cặp chân mày.
Trời ơi, đây có thể là mình sao?
Tôi kiễng mũi bàn chân, xoay người một vòng. Chân váy xòe rộng, hương thơm lan tỏa. Cảm giác như có vô số bong bóng nước li ti đang bay lên xung quanh mình, rồi lại vỡ nát. Không khí biến thành nước biển trong veo, từ phương xa thấp thoáng vọng lại tiếng hát của cá kình, tôi ngửi thấy mùi hương ngọt ngào phảng phất của lá rong biển……
“Cậu đang làm gì thế?”
Tiếng hét vừa kinh vừa nộ ấy đã kéo tôi ra khỏi mặt biển. Tôi xoay người lại, nhìn thấy một nhóm người đang đứng ở cửa phòng diễn tập, ánh mắt họ đều đổ dồn về phía tôi, đứng đằng trước là Mã Na và Dương Lạc.
Tôi đứng chôn chân dưới đất, cảm giác tia sáng trên đầu mình càng lúc càng nóng bỏng.
Dương Lạc nhìn tôi với một vẻ mặt đầy ắp sự kinh ngạc, ánh mắt lần lượt nhìn từ đôi chân trần, nhích lên chiếc váy rồi đến mái tóc, cuối cùng dừng lại ở đôi mắt của tôi, cậu ấy cười: “Sao cậu đến sớm thế?”
Mã Na tiến lên trước vài bước, ngũ quan sắc sảo vốn dĩ của cậu ta bỗng chốc trở nên méo mó vì phẫn nộ: “Cởi ra!”
“Ờ.” Tôi như bừng tỉnh, giống như một tên trộm bị bắt tại trận, trong lòng tràn ngập sự sợ hãi, “Mình xin lỗi, mình xin lỗi.”
Lôi hớt ha hớt hải chạy vào phòng thay đồ, bỗng nhiên nhớ ra là chiếc váy đỏ ấy vẫn còn nằm trên sàn.
“Mình……”
Mã Na ôm hai bả vai, nhìn tôi đầy căm ghét, chiếc váy đỏ đang nằm dưới chân cậu ta. Tôi cúi đầu, nhích từng bước nhỏ, khom lưng xuống nhặt chiếc váy. Nhưng Mã Na lại dùng mũi bàn chân để khều chiếc váy lên, vứt sang một bên, coi nó như một món đồ dơ bẩn.
Tôi không nói gì, càng không thể phản kháng, chỉ biết nhặt váy lên, bước vội vào phòng thay đồ.
Đóng cửa lại, ngồi lên ghế, cơ thể tôi đột nhiên mất hết sức lực.
Tim tôi vẫn không ngừng đập mạnh, máu từ chân tay chạy dọc khắp cơ thể. Tôi nắm chặt lấy chiếc váy đỏ ấy, đứng bất động nhìn vào tấm cửa gỗ màu nâu thẫm của phòng thay đồ.
Tôi bỗng nhiên cảm thấy ân hận, không phải vì đã mặc trộm chiếc váy của Mã Na, mà vì tôi đã tỏ ra hoảng loạn và khuất phục trước mặt con bé. Tại sao tôi lại không ngạo mạn mà nói rằng “Thử một tí, thì làm sao”, tại sao khi chạm trán với ánh mắt của con bé, tôi lại trở nên đáng thương và bé nhỏ đến vậy?
Tôi ngồi ngây ra độ 5 phút, hoặc là hơn, mới chậm rãi cởi chiếc váy trắng đó ra, mặc lên người chiếc váy đỏ nhăn nhúm, bụi bặm.
Bước khỏi phòng thay đồ, tôi cụp mắt lại, không muốn gặp phải cái nhìn của bất kì ai. Dưới tầm nhìn hạn chế, tôi phát hiện ngoài Mã Na ra, mọi người đều đã thay xong đồ. Tống Sảng và Triệu Linh Linh đứng bên cạnh, dường như đang an ủi con bé.
Tôi cúi đầu, bước đến trước mặt Mã Na, đưa cho con bé chiếc váy trắng. Nhưng con bé lại quay ngoắt đi, không thèm nhận lấy.
“Đến câu xin lỗi mà cũng không nói được à?” Giọng của Tống Sảng văng vẳng bên tai, “Mặt dày gớm.”
Tôi duỗi thẳng tay, giữ nguyên tư thế ban nãy, không nói gì.
Dương Lạc đứng dậy khỏi hòm đạo cụ, đặt cuốn kịch bản đang cầm trong tay xuống: “Tranh thủ thời gian tập luyện thôi, buổi chiều chúng ta còn có tiết học đó.”
Lời nói của cậu ấy đã có tác dụng, Mã Na cuối cùng cũng chịu quay người lại. Không cần nhìn, tôi cũng biến là con bé đó đang lườm mình một cách đầy ấm ức, sau đó giật chiếc váy trắng về tay.
Tôi khẽ thở phào một cái, muốn tìm một góc nào đó để chui vào, vừa ngẩng đầu lên thì bắt gặp ánh mắt của Dương Lạc. Cậu ấy nhìn tôi cười, tôi miễn cưỡng nhếch miệng, cười đáp trả.
Lúc này, tôi nghe thấy một lời nói bậy bật ra từ miệng Mã Na, ngay sau đó, một thứ gì đấy bị ném lên người tôi.
Chính là chiếc váy trắng.
Tất cả đều ngớ người ra, bao gồm cả thầy Châu vừa bước vào.
“Có chuyện gì thế?” Thầy Châu đặt chiếc máy quay xuống bàn, nhặt váy lên, nhìn Mã Na một cách khó hiểu, rồi lại lần theo ánh mắt con bé và tìm thấy tôi, “Các em……”
“Nó mặc trộm chiếc váy của em!” Mã Na chỉ vào tôi, “Bị nó làm cho thối hoắc rồi, em không mặc!”
“Hả?” Thầy Châu tròn mắt ngạc nhiên, bất giác đưa chiếc váy lên mũi ngửi, sau đó liền cảm thấy không ổn, “Mặc có một chút thôi mà, làm gì đến mức. Em mau thay đồ chuẩn bị tập đi, còn có hai tuần nữa là……”
“Sao mà không đến mức!” Mã Na hét vào mặt thầy Châu, “Con bé đó không bao giờ tắm và thay quần áo!”
Thực ra, cho đến bây giờ tôi vẫn không nhớ rõ, mình đã vung tay lên bằng cách nào, đồng thời để cho lòng bàn tay đáp thật mạnh lên mặt Mã Na. Tôi chỉ nhớ ngay sau khi tiếng hét của nó vang lên, Mã Na từ kinh ngạc, chuyển sang sợ hãi và phẫn nộ. Sau đó, nó lao về phía tôi như một con hổ cái, nếu không có thầy Châu, Dương Lạc và các bạn học sinh khác ngăn lại, có lẽ tôi đã bị con bé đó xé ra thành trăm mảnh, chứ đừng nói là ngồi viết nhật ký trong giờ Địa lý như thế này.
Kể cũng lạ, khi viết ra những dòng này, tôi biết rõ Mã Na đang ngồi phía sau, dùng ánh mắt độc ác để nhìn mình. Nhưng, tôi lại rất vui, mặc dù tay phải của mình bị sưng vù cả lên, lại còn đau âm ỉ nữa chứ. Cuối cùng tôi cũng biết việc mà mình luôn muốn làm đó là gì. Dấu tay in lằn trên má con bé dường như đã gột sạch những uất ức và nhục nhã trong tôi. Hóa ra, cảm giác sảng khoái là như thế này. Tôi biết mình sẽ phải trả giá cho hành động đó, nhưng mà, để đổi lấy cảm giác sung sướng ấy, tôi cũng không thấy tiếc.
Vương Hiến Giang bám hai tay lên mặt bàn, đứng khom lưng ở trước bàn hội nghị. Trước mặt anh ta là một tấm bản đồ cỡ lớn, bên trên chằng chịt những nét vẽ ngang dọc, trông rất lộn xộn.
Tiết trời oi bức, khuôn mặt Vương Hiến Giang đầm đìa mồ hôi, khiến anh ta không ngừng lấy tay đẩy cặp kính lão bị trượt xuống đầu mũi. Trên bản đồ chỉ có một vòng tròn màu đỏ, đánh dấu đầu ra của con kênh Vệ Hồng. Vương Hiến Giang đã cầm chiếc bút bi đứng chần chừ ở đó cả nửa ngày, nhưng vẫn không biết nên bắt đầu từ đâu. Điều đó khiến anh ta cảm thấy bực bội, liền quẳng chiếc bút đi, nhấc cốc nước lên, uống một ngụm trà lài đã nguội ngắt từ lâu.
Cơn tức trong lồng ngực đã được giảm bớt. Vương Hiến Giang ngồi phịch xuống chiếc ghế ở đằng sau, châm điếu thuốc, túm lấy cổ áo để phe phẩy.
Làm cảnh sát được 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên anh ta gặp phải một vụ án tàn nhẫn như vậy. Một trận mưa dữ dội đã khiến toàn thành phố bị ngập úng. Sau khi trời quang mây tạnh, từ kênh Vệ Hồng cuốn trôi ra ba cái xác nữ.
Thân phận của cả ba nạn nhân đều chưa được xác định, độ tuổi khác nhau, cân nặng và thể trọng cũng không tương đồng. Cả ba thi thể đều không một mảnh vải che thân, bước đầu nhận định nguyên nhân tử vong là do bị một vật dạng như dây thừng siết cổ dẫn đến ngạt thở. Còn về những đặc trưng khác, cần được pháp y tiến hành giải phẫu mới có thể xác định được. Dựa vào bùn lắng và vết xước có trên thi thể, khả năng nạn nhân bị nước mưa cuốn trôi khỏi miệng cống ngầm. Việc cần làm của Vương Hiến Giang đó là xác định vị trí cống ngầm mà thi thể bị ném xuống, một là, có thể cho triển khai điều tra khám xét xung quanh khu vực này, xem có thể thu thập được vật chứng có giá trị nào hay không; Hai là, có thể xác định số lượng thi thể — Không ai dám chắc ba thi thể hiện nay đã là toàn bộ số nạn nhân hay chưa.
Lúc này, cánh cửa phòng họp được mở ra. Thái Vĩ bê mấy tập hồ sơ bước vào.
“Sư phụ, chỗ thầy thế nào rồi?” Thái Vĩ đặt đống hồ sơ lên tấm bản đồ, đưa tay lên lau mồ hôi, “Có chút manh mối về danh tính thi thể rồi.”
“Ồ?” Vương Hiến Giang đứng dậy, dập điếu thuốc, “Tình hình thế nào?”
“Em đã cho đối chiếu những vụ án mất tích trong năm nay, tìm ra được một vài người có đặc trưng diện mạo tương đồng với nạn nhân.” Thái Vĩ chỉ vào đống hồ sơ trên mặt bàn, “Đã cho liên hệ để nhận xác.”
“Mấy người?”
“Bảy người.” Thái Vĩ bĩu môi, “Xác nạn nhân đã bị phân hủy nặng nề, không rõ khuôn mặt, cho nên phạm vi tìm kiếm hơi rộng.”
“Được, mau chóng bắt tay vào làm đi.” Vương Hiến Giang mò lấy bao thuốc, “Tìm được danh tính thi thể rồi, công việc tiếp theo sẽ dễ bố trí hơn.”
“Hút của em này thầy.” Thái Vĩ vội móc bao thuốc từ trong túi áo ra, đưa cho Vương Hiến Giang một điếu, rồi lại giúp anh ta châm lửa, “Đây là bản đồ cống nước ngầm ạ?”
“Ừm, trông như quỷ họa phù(5), nhìn chẳng hiểu cả.” Vương Hiến Giang thở dài, “Còn phải xem xét lượng mưa, tốc độ dòng chảy, hướng chảy — Mau kiếm người tới phân tích đi.”
“Rõ, em sẽ tới Viện quy hoạch để tìm người.” Thái Vĩ lôi cuốn nhật ký ra, vừa viết được mấy chữ thì lão Đỗ bên pháp y mở cửa bước vào.
“Lão Vương, đã kiểm tra thi thể xong.” Lão Đỗ ngáp một cái, khuôn mặt phờ phạc, “Anh qua xem chứ?”
Phòng giải phẫu nằm ở tầng hầm thứ nhất, nhiệt độ thấp hơn nhiều, cộng thêm chiếc điều hòa công suất lớn gắn ở góc tường, vừa bước vào cửa, mồ hôi trên người Vương Hiến Giang đã bốc hơi gần một nửa. Thái Vĩ nép sau lưng anh ta, không ngừng run lên bần bật.
Ánh sáng phủ khắp căn phòng. Dưới ánh đèn trắng thê lương, những tấm vải trắng phủ lên thi thể càng trở nên nổi bật. Vương Hiến Giang và Thái Vĩ nhận lấy khẩu trang và găng tay mà lão Đỗ đưa cho để đeo.
“Tình hình thế nào?”
“Nạn nhân thứ nhất, nữ giới, 30~35 tuổi, chiều dài thi thể 162cm, nặng 51kg, ở phần xương mu, phát hiện có vết sẹo do sinh nở…….”
“Nói vào trọng tâm đi, lão Đỗ.” Vương Hiến Giang xoa mặt, “Tôi không có thời gian để nghe mấy lời vô bổ.”
“Đã từng sinh con.” Lão Đỗ mở to mắt, “Là một phụ nữ đã có gia đình.”
Vương Hiến Giang ngoảnh đầu nhìn Thái Vĩ. Cậu ta hiểu ý, liền lấy cuốn sổ ra để ghi chép lại.
“Nguyên nhân tử vong đều là ngạt cơ học do bị siết cổ.” Lão Đỗ vén tấm vải trắng phủ lên người một thi thể ra, chỉ vào vết sưng tấy màu xanh thẫm trên da cổ nạn nhân, “Hung khí có lẽ là một sợi dây thép hay vật gì đó tương tự.”
“Còn gì nữa không?”
“Các nạn nhân trước khi chết đều bị xâm hại, hung thủ là người có nhóm máu A.” Lão Đỗ cầm lấy một chiếc kẹp tài liệu bằng kim loại để trên bàn, lật giở, “Dựa vào thức ăn có trong bụng, bọn họ đều bị hại trong vòng 10 tiếng kể từ lần ăn cuối.”
Lão Đỗ đóng tập hồ sơ lại, bổ sung thêm một câu: “Hiếp xong giết.”
Vương Hiến Giang chửi thề một câu. Ông ta cúi người, giữ lấy khẩu trang, quan sát kĩ chân tay của một trong số các thi thể.
“Không cần nhìn đâu, bị phân hủy quá nặng nề.” Lão Đỗ biết anh ta định làm gì, “Nhưng mà, dấu vết do kháng cự và bị trói lại không nhiều.”
“Cũng có nghĩa là, nạn nhân bị hung thủ khống chế rất nhanh?” Thái Vĩ nghĩ ngợi, “Tên biến thái này cũng đô con ra phết.”
Vương Hiến Giang liếc nhìn Thái Vĩ, rồi quay sang nói với lão Đỗ: “Nạn nhân có dấu vết bị hành hạ không?”
“Không tìm ra.” Lão Đỗ lắc đầu, “Những vết xước trên thi thể đều xuất hiện sau khi nạn nhân đã tử vong.”
Ông ấy chỉ tay vào cái xác: “Khống chế – cưỡng bức – giết người, rất liền mạch, không có chi tiết thừa.”
“Xem ra tên biến thái này ra tay để thỏa mãn phần thân dưới của hắn?” Vương Hiến Giang nhíu mày, “Có lẽ là một kẻ thu nhập thấp, nếu không thì chẳng khó để kiếm được phụ nữ.”
“Để em đi điều tra nhân khẩu trọng điểm?” Thái Vĩ cắt ngang lời, “Những kẻ đã từng có tiền án tiền sự về tội cưỡng bức.”
“Được.” Vương Hiến Giang gật đầu, “Điều tra cả những kẻ từng bị đội trị an xử phạt nữa.”
Thái Vĩ đáp lại một tiếng, điền vào cuốn sổ ghi chép.
Lão Đỗ lại ngáp ngắn ngáp dài: “Bên các anh thế nào rồi?”
“Chưa có gì tiến triển.” Vương Hiến Giang thở dài, “Đợi sau khi tìm ra danh tính thi thể rồi bàn tiếp.”
“Khó đấy.” Lão Đỗ cau mày, “Ngoại trừ việc đã biết hiện trường vứt xác ở dưới cống nước ngầm, thì vẫn chưa xác định được đâu là hiện trường đầu tiên. Đường cống ngầm thì khác đếch gì cái mạng nhện chứ, tìm kiểu gì?”
Vương Hiến Giang cười đau khổ: “Ngày mai đến Viện quy hoạch để tìm người giúp chúng ta phân tích, nếu quả thực không được, chúng ta đành phải chui xuống đường cống ngầm để tìm kiếm từng ngóc ngách mà thôi.”
Hai cây bút chì. Một chiếc bút bi hai màu. Một bút bi đen. Một cục tẩy. Một cái thước kẻ. Một cái ê-ke. Một cái đo độ.
Khương Ngọc Thục lấy những món đồ này ra khỏi hộp bút, sắp xếp chúng lên mặt bàn. Sau đó, cô ấy ngắm nghía cái gọi là “hộp bút” này. Thực ra, nó là một chiếc hộp đựng lọ dung dịch thủy canh(6) của một nhãn hiệu nào đó, được làm bằng nhựa, cúc đóng mở ở viền hộp có gắn nam châm. Xem ra, chiếc hộp bút này đã dùng được rất lâu rồi, thương hiệu và chữ cái in trên nắp hộp đã bị bong tróc hết, những góc cạnh vuông vức cũng đã bị mài thành đường cong. Một vết nứt dài nằm chắn ngang chiếc hộp, chỉ cần khẽ dùng lực, cũng có thể bẻ gãy chiếc hộp ra làm đôi.
Khương Ngọc Thục nhẹ nhàng đặt chiếc hộp bút xuống, nhìn nó một cách say sưa.
Dùng đến ê-ke và đo độ, đứa bé này hẳn là đã học đến cấp hai hoặc cấp ba. Dùng hộp thuốc để làm hộp bút, hơn nữa những số đo trên chiếc đo độ đã mờ mà vẫn không nỡ thay, có vẻ điều kiện gia đình không được khá giả. Trên chiếc bút bi hai màu có một miếng dán hoạt hình, ngoài ra hai chiếc bút chì còn được gọt dũa cẩn thận (Một trong hai chiếc bút đã bị gãy ngòi).
Một cô bé học sinh cấp hai hoặc cấp ba có hoàn cảnh gia đình bình thường.
Khương Ngọc Thục khẽ thở dài, đặt những món đồ kia vào lại hộp thuốc. Sau khi đóng chiếc nắp lủng lẳng như sắp rơi, Khương Ngọc Thục tìm một tờ báo, cẩn thận gói ghém chiếc hộp thuốc kia lại, rồi dùng băng kéo để quấn lại chắc chắn.
Cô ấy không biết mình còn cơ hội để trả chiếc hộp bút này cho chủ nhân của nó hay không. Cô ấy thậm chí còn không biết “Cô bé bị kéo đi ấy” có thực sự tồn tại hay không. Nhưng mà, chiếc hộp bút từng được một cô bé sử dụng đã xuất hiện tại nơi đó, điều này khiến cho Khương Ngọc Thục không thể không móc nối hai sự việc ấy lại với nhau.
Có hai khả năng. Thứ nhất, chiều hôm ấy bản thân cô bị hoa mắt, đứa bé mặc đồng phục đó thực ra không tồn tại, chiếc hộp bút này chẳng qua là do một cô bé nào đó bất cẩn đánh rơi; Thứ hai, quả thực đã có một bé gái bị tấn công, sau đó bị bắt cóc tại góc tòa nhà, cô bé đã giằng co với kẻ xấu, chiếc hộp bút đã văng khỏi cặp sách và rơi xuống bãi cỏ.
Com-pa.
Cái từ này đột nhiên xuất hiện trong đầu Khương Ngọc Thục. Trong hộp bút không hề có thứ đó. Nếu như có tiết Hình học thì phải dùng đến com-pa mới đúng. Nhưng mà, khi Khương Ngọc Thục nhặt được chiếc hộp bút này, cô đã cố tình quan sát xung quanh nhưng không hề phát hiện ra thứ gì khác.
Có khi nào con bé cầm com-pa để tự vệ?
Khương Ngọc Thục khẽ thốt lên một tiếng. Một đứa bé gái, cần phải dùng tới com-pa để tự vệ, vậy thì đứa bé đó đã phải đối mặt với sự nguy hiểm như thế nào đây?
Cô ấy không dám nghĩ tiếp, tự an ủi bản thân.
Chắc là mình đã nghĩ nhiều quá rồi. Chưa biết chừng chỉ là một cô bé nào đó đã bất cẩn đánh rơi chiếc hộp bút mà thôi. Cả ngày đọc sổ sách, chắc hoa mắt mất rồi……
Khương Ngọc Thục đứng dậy, cầm lấy chiếc hộp bút được gói ghém trong giấy báo, nhét vào ngăn kéo bàn học.
Khương Đình hôm nay lại về nhà muộn nửa tiếng. Vừa bước vào cửa, Khương Ngọc Thục liền phát hiện ra sắc mặt con bé có gì đó không ổn. Gặng hỏi mấy câu, Khương Đình mới ấp úng bảo là tiết Thể dục hôm nay phải chạy 1000m, nên hơi mệt. Bỏ cặp sách xuống, con bé liền chui vào phòng ngủ, đến bữa tối mới chịu ló đầu ra.
Trên bàn ăn, Khương Đình vẫn không chịu nói năng gì cả, chỉ biết cắm đầu vào bát cơm. Khương Ngọc Thục định trò chuyện với con bé xem ngày hôm nay ở trường của nó thế nào, nhưng con bé chỉ đáp lại bằng những câu “Vâng” “Dạ” “Vẫn ổn”. Khương Ngọc Thục cụt hứng, tự nhẩm tính trong bụng, Khương Đình vẫn chưa đến kỳ, cảm xúc tiêu cực đột nhiên tới này của con bé quả thật rất kỳ lạ. Hai người yên lặng dùng bữa, đúng lúc đang thu dọn bát đũa thì Tôn Vĩ Minh đến.
Trước giờ Tôn Vĩ Minh chưa từng tới thăm vào tầm này, lại càng không đến khi chưa báo trước một tiếng. Khương Ngọc Thục cảm thấy kỳ lạ, nhưng vẫn mời anh ta vào nhà ngồi, bảo Khương Đình đi pha trà rồi đem ra.
Hai bố con ngồi gần bàn ăn, nói với nhau dăm ba câu một cách hết sức bình thường. Khương Đình vẫn tỏ ra ủ dột, mí mắt trùng xuống, Tôn Vĩ Minh hỏi gì thì con bé cũng chỉ đáp lại ngắn gọn. Anh ta không mở miệng thì Khương Đình cũng chẳng hé lời. Khương Ngọc Thục rửa sạch bát đũa, liền lui vào phòng khách xem ti-vi. Mười mấy phút sau, không khí trên bàn ăn trở nên trầm lặng. Sau đó, Khương Đình cúi đầu bước về phía phòng ngủ của mình, khi đi qua phòng khách thì nói với một câu “Con đi làm bài đây mẹ”, rồi đóng cửa lại, không ra ngoài nữa.
Tôn Vĩ Minh ngồi một mình trên bàn ăn. Khương Ngọc Thục nghĩ một hồi, đứng dậy đi ra, rót nước vào cốc trà đã vơi một nửa đang được đặt trước mặt anh ta.
Tôn Vĩ Minh hỏi: “Khương Đình hôm nay làm sao thế?”
“Không biết. Tôi hỏi rồi, con bé bảo là nó mệt.” Khương Ngọc Thục đặt phích nước xuống, “Để tối nay tôi hỏi lại.”
“Ờ.” Tôn Vĩ Minh có vẻ cũng không muốn loanh quanh với cái vấn đề này, “Em dạo này thế nào?”
“Rất tốt.”
“Công việc có bận rộn không?”
“Cũng bình thường.”
“Vẫn khỏe chứ?”
“Ừm, ổn.”
Khương Ngọc Thục ngẩng đầu nhìn người chồng cũ, anh ta đang dùng tư thế và biểu cảm cứng nhắc để nói chuyện với mình một cách thiếu tự nhiên, hệt như cái cách mà đôi tay anh ta đặt trên bàn. Quả thực, cô không muốn cuộc nói chuyện khó xử như này tiếp tục diễn ra, bèn mở miệng nói: “Đình Đình không sao cả, đến kỳ thôi, cảm xúc bất ổn là chuyện bình thường.” Khương Ngọc Thục đứng dậy, “Anh đừng lo.”
Tôn Vĩ Minh ngồi im không động đậy, nụ cười trên khuôn mặt càng thêm bỡn cợt: “Bao nhiêu năm nay rồi, em không định tính đến…… cái chuyện đó hay sao?”
Khương Ngọc Thục nhíu mày kinh ngạc. Ly hôn mấy năm nay, Tôn Vĩ Minh chưa từng quan tâm đến cái chuyện đó, sao hôm nay lại hỏi dò mình có ý định đi bước nữa hay chưa?
“Cũng được đồng nghiệp giới thiệu cho một người, điều kiện khá tốt.” Khương Ngọc Thục không rõ ý đồ của Tôn Vĩ Minh là gì, để giữ lòng tự trọng, ngôn từ của cô có phần úp mở, “Đợi tiếp xúc dần xem sao.”
“Ừm, cũng đâu còn trẻ nữa, cuộc sống thì vẫn cứ phải tiếp diễn.” Tôn Vĩ Minh cũng không hỏi sâu, “Chưa kể, một mình em chăm sóc cho Đình Đình cũng chẳng dễ dàng gì.”
“Không sao, dù có không dễ dàng thì nó cũng đến rồi.” Khương Ngọc Thục cười, “Cảm ơn vì đã quan tâm.”
“Nếu người ta không tệ thì lấy luôn đi.” Ngược lại, Tôn Vĩ Minh tỏ ra rất ủng hộ, “Cuộc đời giữa hai chúng ta coi như đã sang trang, mọi người đều cần phải sống thật tốt, nói không chừng em lại đẻ thêm một đứa nữa.”
“Tôi lớn tuổi rồi……” Khương Ngọc Thục đột nhiên cảm thấy có gì đó bất thường, “Hôm nay anh đến, phải chăng có chuyện gì?”
Tôn Vĩ Minh cười một cách miễn cưỡng: “Ừm, có chuyện này muốn thương lượng cùng em.”
“Anh nói đi.” Khương Ngọc Thục đứng thẳng dậy, hai tay khoanh trước ngực.
“Chắc em biết, mấy năm nay, anh công tác cũng ổn.” Tôn Vĩ Minh sáp lại gần, “Đơn vị cũng đánh giá cao năng lực của anh, định sẽ điều anh tới nhà máy mẹ ở Bắc Kinh.”
“Chuyện tốt còn gì.” Khương Ngọc Thục nhìn Tôn Vĩ Minh, sự cảnh giác vẫn không thuyên giảm, “Chúc mừng anh trước nhé.”
“Ừm, cảm ơn em.” Tôn Vĩ Minh gật đầu, “Lần này đi, có lẽ anh sẽ định cư luôn ở Bắc Kinh.”
“Ồ.” Khương Ngọc Thục đang đợi Tôn Vĩ Minh nói tiếp, lòng tự nhủ chuyện đó thì có liên quan gì tới mình? Không nhẽ anh ta đến đây chỉ để khoe với mình thôi sao?
“Bắc Kinh mà, chắc em biết, điều kiện giáo dục ở đó cũng phong phú hơn.” Tôn Vĩ Minh cúi đầu, lấy tay vẽ lên mặt bàn, “Đình Đình cũng lên cấp 2 rồi, anh muốn……”
“Anh muốn cái gì?” Sắc mặt Khương Ngọc Thục trở nên trắng bệch, “Định cướp Đình Đình khỏi tay tôi à?”
“Sao lại là cướp?” Tôn Vĩ Minh giải thích, “Anh cũng chỉ muốn tốt cho con thôi mà?”
“Không cần anh muốn.” Khương Ngọc Thục lại đứng phắt dậy, “Đứa bé này bây giờ họ Khương. Anh đi đi.”
“Ngọc Thục, em nghĩ xem, hộ khẩu Bắc Kinh đấy. Em có biết điểm sàn Đại học của dân ở đó thấp hơn ở Tỉnh chúng ta thế nào không?” Tôn Vĩ Minh cất nụ cười trên khuôn mặt mình lại, “Ví như, thi vào Thanh Hoa, trẻ em Bắc Kinh chỉ cần……”
“Đình Đình thi giữa kỳ được bao nhiêu điểm anh có biết không? Con bé xếp thứ mấy trong lớp anh có biết không?” Khương Ngọc Thục đưa tay ra túm lấy người anh ta, “Anh đi đi, mẹ con tôi không cần cái hộ khẩu Bắc Kinh của anh.”
“Em nói chuyện có đạo lý chút được không?” Tôn Vĩ Minh cũng sốt ruột, “Hay là thế này, chúng ta để cho Đình Đình tự quyết định.”
“Tôi là mẹ con bé, tôi thay con bé quyết định.” Khương Ngọc Thục cũng không biết mình lấy sức lực từ đâu, đẩy phắt Tôn Vĩ Minh ra khỏi cửa, “Anh đi mau. Ai cũng đừng hòng cướp Đình Đình khỏi tay tôi.”
“Ngọc Thục, em nghĩ lại đi.” Tôn Vĩ Minh bám vào thành cửa, ngữ khí cũng trở nên ôn hòa, “Anh sẽ liên lạc với em sau.”
Khương Ngọc Thục mở khóa cửa, chỉ tay ra ngoài: “Cút!”
Sau khi đuổi người chồng cũ đi, Khương Ngọc Thục bỗng cảm thấy toàn thân mềm nhũn. Cô ấy dựa lưng vào cửa, thở hổn hển. Cảm giác uất ức, phẫn nộ, sợ hãi lần lượt ập đến, cô mau chóng ngồi tụt xuống nền nhà, gục trán vào đầu gối, khóc thút thít.
Khóc một hồi, Khương Ngọc Thục thấp thoáng nghe thấy tiếng mở cửa phòng ngủ của cô con gái. Cô vội bò dậy, ngồi vào bàn ăn, xoay người lại, quay lưng về phía phòng ngủ. Vài giây sau, cô cảm giác có đôi bàn tay chạm vào vai mình.
“Mẹ, mẹ làm sao thế.”
Hơi thở của Khương Đình thổi vào tai Khương Ngọc Thục, ấm áp, ngưa ngứa.
Điều đó càng làm cô muốn khóc. Khương Ngọc Thục miễn cưỡng kìm nén cơn nghẹn ngào đang trực trào nơi cuống họng, vỗ vào tay cô con gái, giọng khàn khàn: “Không sao, mẹ vừa nói chuyện với bố một chút, thấy không được vui.”
“Thật là phiền phức, lần sau mẹ đừng cho ông ấy đến nữa.”
“Bậy nào, đó là bố của con.”
“Con không quan tâm, cứ bắt nạt mẹ con là không được.” Vừa nói, hai tay Khương Đình vừa vòng qua cổ của Khương Ngọc Thục, má áp má, khẽ vuốt ve.
Khương Ngọc Thục nhấc một tay lên, xoa đầu cô con gái bé bỏng. Mái tóc dày cọ sát vào đầu ngón tay, cảm giác tê tái dần dần lan đi khắp cơ thể. Khương Ngọc Thục từ từ dùng lực, ôm chặt cô con gái vào lòng, cảm giác như chỉ vài giây nữa thôi là con bé sẽ biến mất.
Khoảng 11 giờ tối, hai mẹ con lần lượt vào phòng ngủ. Tâm trạng của Khương Đình có vẻ đã tốt lên, nhưng vẫn sa sút hơn bình thường. Sau khi chúc Khương Ngọc Thục ngủ ngon, cô bé bắt đầu đi ngủ. Khương Ngọc Thục chuẩn bị nguyên liệu cho bữa sáng ngày mai, sau đó ngồi một mình trên chiếc ghế sô-fa một lúc rồi quay về phòng ngủ.
Lên giường nằm, cô cứ lục xục mãi mà không ngủ được. Cô rất hiểu tính cách của Tôn Vĩ Minh, mặc dù hôm nay có hậm hực bỏ đi, nhưng chắc chắn anh ta sẽ không chịu để yên. Chả mấy bữa mà anh ta sẽ lại mò đến nhà, nghĩ đủ mọi cách để thực hiện mục đích của mình.
Nghĩ đến đây, Khương Ngọc Thục lại cảm thấy khó chịu ở lồng ngực. Năm xưa, Tôn Vĩ Minh đã vứt bỏ vợ con để lấy người phụ nữ khác. Sau khi có được cậu con trai, anh ta càng trở nên lạnh nhạt với con bé. Bây giờ, khi hai mẹ con sống yên ổn được một chút, anh ta lại đến để gây sóng gió, định đem đứa bé mà Khương Ngọc Thục coi bằng cả tính mạng đi — Thật là quá đáng!
Bất luận Tôn Vĩ Minh xuất phát từ động cơ gì, cũng đừng có nằm mơ giữa ban ngày là sẽ cướp được Khương Đình từ tay tôi. Khương Ngọc Thục tức giận nghĩ, anh ta đã biến một gia đình từ ba người trở thành hai, giờ lại định bắt tôi sống cô độc một mình, anh ta dựa vào cái gì — Định hủy hoại cuộc sống của tôi thêm lần nữa chắc?
Cô ấy không muốn đánh mất Khương Đình. Đó là điều mà Khương Ngọc Thục chưa từng nghĩ đến. Đó không chỉ là vấn đề thói quen, còn là toàn bộ những hy vọng hiện tại của cô ấy, là chất keo duy nhất mà cô kỳ vọng trong cuộc sống vỡ vụn này, là lý do cuối cùng để cô có thể chống chọi lại với những nỗi sợ của tương lai. Nhưng mà, càng nghĩ vậy, một âm thanh nhỏ bé khác càng lớn dần trong lòng cô.
Có phải mình quá ích kỷ không? Đình Đình là một đứa trẻ, không phải món tài sản cá nhân của mình.
Không! Không được!
Khương Ngọc Thục dùng lực lắc lắc đầu, dường như đang cố hết sức để đuổi cái âm thanh đó đi.
Tôi là mẹ của con bé, con bé vẫn còn vị thành niên, tôi có quyền quyết định thay con bé! Huống chi, Đình Đình thích sống cùng tôi hơn!
Cô ấy không thể nằm tiếp được nữa, xoay người bước xuống giường, đi thẳng vào phòng ngủ của cô con gái.
Ngay lúc này đây, cô rất muốn được nhìn thấy con bé, cô thậm chí không ngần ngại gọi con bé dậy, để được nghe chính miệng con bé chứng thực điều này.
Nhưng mà, khoảng khắc cửa phòng mở ra, Khương Ngọc Thục như chết lặng.
Trên giường Khương Đình không một bóng người.