1. Biết người là trí, biết mình là minh. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.
2. “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”: Người có trí tuệ thì không khoa trương về bản sự của mình, quân tử có đức lớn dung mạo như ngu ngơ, cũng như một thương nhân giỏi có đầu óc thanh tỉnh thì luôn biết cất giữ hàng hóa của mình không cho đạo tặc bên ngoài biết. Khoa trương bản thân cũng như khoe khoang hàng hóa của mình sẽ chỉ dẫn đến sự chú ý của người khác, tự rước hoạ vào thân.
3. Hãy làm những việc khó khi chúng còn dễ và làm những việc lớn khi chúng còn là việc nhỏ. Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân.
4. Càng làm vì người khác nhiều thì càng sở hữu nhiều.
5. Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo.” Ý nói rằng: Cảnh giới cao nhất của thiện hạnh là giống như đặc tính của nước. Nước không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở nơi mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất
6. Càng nói nhiều, càng không sao nói hết được, thà là giữ lấy cái Trung. Lão Tử viết, nói nhiều thì 5 lần 7 lượt sẽ gặp lúc lúng túng không nói gì, chẳng thà tuân thủ đạo trung dung (trung là không ngả về một thái cực nào, dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh).
7. Người khi mới sinh thì mềm yếu, mà khi chết thì cứng và mạnh. Lão Tử viết: Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm dịu; Mà khi chết thì khô héo. Nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sự sống. Cho nên binh mạnh thì không thắng, cây mạnh thì ắt gãy. Cứng và mạnh ở bậc dưới còn mềm và yếu là ở bậc trên. “Nhu nhược thắng cương cường”.
8. Giỏi dùng người là hạ mình ở dưới người. Người lãnh đạo giỏi dùng người là phải đặt mình ở dưới người. Còn nếu như chỉ cân nhắc tư lợi cho bản thân mình, không tôn trọng người khác, không thiện với người làm cho mình thì chính là đang đặt mình ở “vị thế cao”.
9. “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” – Bậc trí huệ vui với nước, người nhân từ vui với núi non.
10. “Trong họa có phúc, trong Phúc có họa” (Họa hề phúc sở ỷ, Phúc hề họa sở phục). Không có điều gì là tuyệt đối tốt hoặc xấu, chính và phản luôn tương trợ cho nhau, bao hàm và chuyển hóa lẫn nhau. Do đó vạn vật phát triển tới mức cực đoan sẽ thể hiện ra những trạng thái tương phản.
11. “Tri túc giả phú”, nghĩa là: “Người biết đủ mới là người giàu có nhất”.
“Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc, cố tri túc chi túc thường túc hĩ”. Ý nói là: “Không biết đủ là tai họa lớn nhất, tham lam là sai lầm nghiêm trọng nhất. Chỉ có những người biết đủ mới có thể chân chính đạt được vui vẻ”.
12. “Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hoá thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh? Thậm ái tất đại phí đa tàng, tất hậu vong cố. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi khả dĩ trường cửu”
Dịch nghĩa: Danh tiếng và sinh mệnh thứ nào quan trọng hơn? Tiền tài và sinh mệnh thứ nào đáng quý hơn? Đạt được tiền tài danh vọng nhưng lại đánh mất sinh mệnh, điều nào sẽ có hại cho chúng ta? Vì vậy khi quá chú trọng danh tiếng sẽ khiến chúng ta mất đi cuộc sống thật sự, đạt được nhiều tiền bạc thì đánh mất càng nhiều thứ quan trọng hơn. Biết đủ, biết hài lòng với những gì đang có không có gì đáng xấu hổ, những người biết đủ, biết hài lòng sẽ biết khi nào nên dừng lại, tránh khỏi nguy hiểm, chỉ có như vậy sinh mệnh mới được dài lâu.
13. Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi.
14. “Từ cố năng dũng… phu từ, dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố. Thiên tương cứu chi, dĩ từ vệ chi.” Nghĩa là: Nhân từ mới có thể dũng cảm, người đàn ông nhân từ chiến có thể thắng, coi đây là nguyên tắc của mình. Trời sẽ cứu họ, dùng sự nhân từ mà bảo vệ họ.