Tôi có một đứa con trai đang học tiểu học, trước khi sinh nó ra, tôi không hề biết là mình bị trầm cảm.
Ngay từ nhỏ, nó đã giỏi kiềm chế tình cảm và ham muốn hơn những đứa trẻ khác rồi. Thích cái gì nó không nói luôn mà sẽ thử thăm dò đầu tiên. Ví dụ như trước khi đi ngủ thằng bé đột nhiên muốn ăn một miếng bánh ngọt, nó sẽ không nói thẳng điều đó ra mà chỉ bảo rằng con vẫn chưa đánh răng. Nếu như bạn không hiểu thì nó sẽ thôi, còn giả như bạn hiểu ý của nó rồi, thằng bé sẽ rất vui sướng. Thằng nhỏ rất thông minh, suy xét vấn đề cũng rất sâu sắc, mới bé tí xíu đã biết phân biệt những thứ chiếu ở trên TV, đâu là thật và đâu là giả rồi.
Tôi chưa từng cho con đi học thêm, thằng bé cũng chẳng được học tiếng Anh từ bé như nhiều bạn khác, thế nhưng khi đi thi vẫn luôn vững vàng trong 3 vị trí đầu của lớp, trở thành đứa trẻ “con nhà người ta”. 6 tuổi nó đã biết nói mấy câu đại loại như thế giới này không có thiên tài, chỉ cần chăm chỉ nỗ lực làm mãi một chuyện thì ắt sẽ làm tốt, cũng rất biết phân tích, nhìn nhận đánh giá bản thân mình: không có năng khiếu về hát nhảy, nhưng có trí nhớ tốt.
Thằng bé hiểu chuyện, nhưng cũng trầm lặng hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Tôi đã đưa con đi du lịch rất nhiều nơi, cho nó vào thăm thú viện bảo tàng, đi ngắm tuyết, tới khu bảo tồn động vật hoang dã để tìm hiểu, thậm chí còn cho con đi học taekwondo, đi nhảy quảng trường, trượt ván…Tất cả nó đều không hứng thú, chỉ thích đi câu cá mà thôi. Tôi chưa từng phải trải qua cảm giác bị con quấy khóc đòi mua bằng được đồ chơi hay đồ ăn trong siêu thị. Thậm chí tôi còn từng lo rằng thằng bé cũng bị trầm cảm di truyền từ tôi, thế nên tôi đã đưa nó tới nhiều bệnh viện để thăm khám, may mắn là các bác sĩ đều nói rằng thằng bé rất khỏe mạnh.
Có một ngày con đi học về rồi đột nhiên nói với tôi: “Mẹ là người mẹ dịu dàng nhất thế giới này. Mẹ của Vương XX cho bạn ấy một trận vì tội tè ra quần; mẹ của Dương YY mắng bạn ấy vì làm bài sai, còn mẹ thì chưa từng làm thế với con bao giờ”. Tôi đột nhiên ý thức được một chuyện, có lẽ căn bệnh trầm cảm này cũng không hoàn toàn tồi tệ và chỉ toàn mang đến những điều tiêu cực như tôi nghĩ.
Tôi sẽ không quở trách con chỉ vì thằng bé làm rơi vỡ một cái cốc khiến tôi giật mình thức giấc, có lẽ thằng bé chỉ là đang khát và muốn uống nước chứ không phải là cố tình đánh thức tôi. Tôi đã quen với việc tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự việc từ bản thân mình đầu tiên, mỗi lần thằng bé hỏi tôi một vấn đề gì đó, tôi đều suy nghĩ kỹ rồi mới trả lời. Tôn trọng lựa chọn của con dù biết rằng có đôi khi, đó không phải là lựa chọn tốt nhất, quan tâm tới sự khỏe mạnh của con hơn là đặt nặng thành tích. Mỗi ngày thằng bé đều tặng cho tôi một cái ôm, nói với tôi là “con yêu mẹ”. Những lúc tâm trạng tôi sụp đổ, tôi cũng sẽ lựa chọn tránh xa con vì không muốn để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới nó. Căn bệnh trầm cảm này hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc tôi trở thành một bà mẹ tốt.
Trở lại với câu hỏi ban đầu, gốc rễ của vấn đề nằm ở căn bệnh trầm cảm, có rất nhiều người ban đầu không bị bệnh này, thế nhưng vẫn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Căn bệnh này hoàn toàn có thể được kiểm soát và được chữa lành. Có bệnh thì chữa, bị bệnh thì uống thuốc. Nếu như bạn bị trầm cảm, trước tiên cứ cố gắng điều chỉnh tâm lý cho thoải mái, sau đó chữa trị dần dần rồi hãy nghĩ tới việc nên có con hay không sau. Bởi vì muốn chăm sóc một đứa trẻ cần rất nhiều sức lực. Đặc biệt là mỗi khi con ốm, có thể bạn sẽ rơi vào khủng hoảng, tự trách mình không chăm sóc con khỏe mạnh, chuyện này có thể sẽ khiến tâm lý bạn đổ vỡ. Vậy nhưng mỗi khi được nhìn thấy con cười, lần đầu được nghe con gọi mẹ, nói rằng nó rất yêu bạn, niềm hạnh phúc đó quả thật không thể diễn tả được hết bằng lời.
-Cá-