ngoai-dan-so-dong,-dien-tich-lon,-nghe-an-va-thanh-hoa-co-gi-ma-bo-noi-vu-khong-de-xuat-sap-nhap?

Ngoài dân số đông, diện tích lớn, Nghệ An và Thanh Hoá có gì mà Bộ Nội vụ không đề xuất sáp nhập?

Thứ năm, ngày 10/04/2025 19:00 GMT+7

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 10/04/2025 19:00 GMT+7

Bàn về câu chuyện sáp nhập tỉnh, thành phố, đại diện Bộ Nội vụ cho diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, nhưng không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Dân số và diện tích không phải là yếu tố quyết định khi sắp xếp đơn vị hành chính

Trao đổi trong tọa đàm về sắp xếp đơn vị hành chính sáng 10/4, ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, vấn đề sáp nhập tỉnh thành là chủ trương lớn từ Đại hội 13 của Đảng.

Ông Phan Trung Tuấn cho biết, theo tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính có đề xuất 11 tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này. Tuy nhiên, các địa phương này mới dừng lại ở việc xem xét tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số.

Tỉnh Thanh Hóa không chỉ đáp ứng được điều kiện về quy mô dân số, diện tích mà còn đáp ứng được các điều kiện tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ảnh: Ngọc Đẹp 

Ông Tuấn cho rằng diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Yếu tố quyết định là làm sao tạo ra được nhiều dư địa phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong phương án Bộ Nội vụ tham mưu, trình Hội nghị Trung ương xem xét thì có một số tỉnh thuộc diện không đề xuất trong sắp xếp tỉnh lần này.

Ví dụ như: tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa… không đề xuất sắp xếp trong giai đoạn này. Ngoài yếu tố diện tích, dân số của hai tỉnh này, ban soạn thảo cũng tính đến tiềm năng, lợi thế nội tại để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng để tạo động lực phát triển cho địa phương, cho một vùng.

2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Đây là 1 trong 5 tiểu vùng của 6 vùng kinh tế. Hai tỉnh này chúng ta có thể ví von như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, cao tốc…

Như ông Tuấn đã nêu, không gian phát triển là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Các phương án phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án tối ưu nhất.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mở rộng dư địa phát triển nhưng bảo đảm được chính quyền gần dân, sát dân.

“Trong quá trình sắp xếp, chúng ta cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có diện tích tự nhiên, dân số thì có một số tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này. Bên cạnh diện tích tự nhiên, dân số, chúng ta cần tính đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế phải gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia”, ông Tuấn chia sẻ.

Sắp xếp địa giới hành chính phát triển hướng biển

Cũng như các chuyên gia nêu, ông Tuấn đồng ý Việt Nam là một quốc gia biển. Lợi thế đường bờ biển dài, có vùng biển rộng lớn do vậy, phát triển hướng biển vẫn là một định hướng lớn, định hướng chiến lược.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, từ lâu các cấp thẩm quyền đã hoạch định chiến lược, quy hoạch để tạo động lực cho sự phát triển. Bên cạnh định hướng biển, nước ta còn chú trọng đến những yếu tố phát triển vùng, liên vùng khác.

Ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) chia sẻ trong tọa đàm. ẢNh: Mạnh Quân

“Về yếu tố hướng biển vô cùng quan trọng, nên chúng tôi đề xuất sắp xếp các địa phương theo hướng kết nối tỉnh, thành nằm sâu trong nội địa, chưa có không gian biển với địa bàn duyên hải miền Trung. Trong lần sắp xếp này, định hướng này cũng được Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội”, ông Tuấn nói.

Vừa qua, việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng theo chủ trương hướng biển. Điều này thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm. Các tuyến đường này có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.

Vì vậy, theo ông Tuấn trong các phương án đề xuất sắp xếp tỉnh thành, Bộ Nội vụ đều cân nhắc hướng phát triển này nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương. Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài, hướng biển.

Ông Tuấn lấy ví dụ ở khu vực Tây Nguyên chưa gắn với biển về địa hình. Trong lần sáp nhập tỉnh này, chúng tôi cũng định hướng sắp xếp gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước.

Như vậy, gắn kết một địa phương có biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy thì sẽ có tương hỗ trong phát triển, gắn kết với địa phương.

Tương tự, ông Tuấn lấy ví dụ như tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk. Nếu 2 địa phương này mà có thể gắn trực tiếp với địa bàn có biển thì nông sản địa bàn này có thể được luân chuyển, đưa xuống cảng biển xuất khẩu.

Ngược lại, ông Tuấn cũng cho rằng việc vận hành này cũng hỗ trợ các tỉnh ven biển, có mối tương hỗ với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài sự tương hỗ trong xuất khẩu với khu vực có cảng biển, địa phương còn có thể phát triển thế mạnh du lịch.

Trong quy hoạch nội vùng, liên vùng chắc chắn sẽ phải tính toán để điều chỉnh lại về quy hoạch tổng thể quốc gia, địa phương, hạ tầng giao thông đồng bộ.

“Như vậy, chúng ta có những công cụ, phương tiện thực hiện chiến lược vùng biển tốt hơn. Trong đó, yếu tố quan trọng là kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông. Ví dụ một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên sáp nhập với 1 tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ thì yếu tố hạ tầng sẽ đóng vai trò quan trọng để kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *