Câu chuyện được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai chia sẻ. Bệnh nhân là Đ.Đ.Kh., 17 tuổi, ngụ Đồng Nai mắc bệnh viêm não tự miễn. Đây là một căn bệnh khá hiếm gặp, diễn biến phức tạp và có khả năng gây ra nhiều thay đổi nhanh chóng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Căn bệnh hiếm gặp
Vào khoảng tháng 3, bệnh nhân Kh. có dấu hiệu đau đầu, sốt nhẹ kèm theo nôn mửa. Những triệu chứng này, thoạt nhìn không có gì quá nghiêm trọng và dường như chỉ là một cơn cảm cúm thông thường.
Lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình đưa con gái đến một cơ sở y tế tư nhân để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị cảm nắng và kê đơn thuốc điều trị.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tình trạng của Kh. không thuyên giảm. Khoảng một tuần sau, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi em bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường, không thể ngủ được và liên tục nói sảng suốt đêm.
Gia đình đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để khám bệnh. Các bác sĩ xác định người bệnh bị viêm não, nhưng chưa biết được cụ thể viêm não loại gì nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Sau khi thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra chi tiết, bác sĩ đã chẩn đoán em Kh. bị viêm não tự miễn, một căn bệnh hiếm gặp gây ra bởi sự xuất hiện của khối u quái ở cả hai bên buồng trứng. Lúc này, em đã rơi vào trạng thái hôn mê, cơ thể liên tục bị những cơn gồng giật giày vò, đau đớn.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Tình trạng em Kh. có cải thiện. Gia đình quyết định chuyển em về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) để tiếp tục điều trị.
Điều trị lâu dài, chi phí tốn kém
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết viêm não tự miễn xuất phát từ sự rối loạn trong cơ thể, khi hệ miễn dịch tự tạo ra các kháng thể tấn công chính các cơ quan của mình.
Trong trường hợp của em Kh., cơ thể đã tự sản sinh kháng thể gây tổn thương não, dẫn đến tình trạng viêm não tự miễn.
Việc điều trị cho em Kh. dự kiến sẽ kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì không chỉ trong việc sử dụng thuốc, mà còn ở quá trình tập luyện vật lý trị liệu liên tục. Điều này kéo theo chi phí điều trị rất tốn kém, đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục trong thời gian dài.
Sau một thời gian điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã chuyển biến tích cực. Bệnh nhân tỉnh táo, có thể tự ăn được và nói chuyện được.
Bà N.Đ.Đ.D. – mẹ bệnh nhân, chia sẻ sau 5 tháng chữa trị, chỉ riêng tiền tạm ứng viện phí cho em Kh. đã lên tới khoảng 1,6 tỷ đồng (do nhiều loại thuốc đặc trị đắt tiền không thuộc danh mục được bảo hiểm y tế chi trả).
Số tiền này chưa kể đến các khoản chi phí khác như: thuốc men, vật dụng y tế, sữa và tã… Dù bà D. đã dành dụm được khoảng 500 triệu đồng từ trước, cộng thêm sự hỗ trợ từ người thân, thầy cô và bạn bè của em Kh., phần lớn chi phí còn lại vẫn phải vay mượn từ nhiều nơi.