Nghiên cứu lịch sử cần bỏ tinh thần Chauvin hay Nationlist?
Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn thường tự cảnh tỉnh mình và đồng nghiệp, nghiên cứu lịch sử cần bỏ tinh thần Chauvin hay Nationlist (1)
Chúng ta nay có làm được như vậy? Tôi thấy nhiều người Kinh chật ních tinh thần tự mãn và rất Đại Kinh. Ít nhất ở khía cạnh này từng có một tôi. Tôi cũng từng suy tưởng rằng người Việt cổ là chủ nhân của triết học phương Đông của Kinh dịch, của Hà Đồ, Lạc Thư… Và rằng chúng ta cần Minh triết trống đồng.
Nhưng càng đi tìm càng về gốc càng thấy trống. Một loạt câu hỏi đặt ra, rằng tại sao người Kinh ta lại không có sử thi, không có trường ca như những người hàng xóm Thái, Tày, người anh em Mường, người Chăm, thậm chí Tây Nguyên ngút ngàn cũng vẫn có trường ca? Tại sao hồi những năm 1406 – 1407 lại có việc “Kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản”, hàng ngàn nhà Nho, hàng ngàn nam phụ lão ấu đệ đơn xin Minh Chu Đệ đưa Giao chỉ thành quận huyện nhà Minh (2)?
Và còn rất nhiều nữa những hồ nghi về trống đồng?
Giáo sư Trần Quốc Vượng với Cham và Thái
Trong một tham luận nhan đề: Dấu vết người Chăm và văn hóa Champa trên đất Bắc, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói: “Ít nhất trong sáu thế kỷ, văn hóa Chăm pa đã có ảnh hưởng về nhiều mặt ca- múa nhạc, kiến trúc, điêu khắc, lên văn hóa Đại Việt.
Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng bày tỏ mong muốn rằng ông có thể dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn để viết nhiều hơn ảnh hưởng của Chăm pa lên văn hóa sông Hồng: “Tôi sẽ dành một bản báo cáo khác để nói về ảnh hưởng của Chàm đến thơ ca dân gian Việt, đặc biệt là thể thơ ca quan họ Bắc Ninh và thể thơ 6 – 8. Tôi đã viết và sẽ dành nhiều sức lực hơn nữa để viết về các nữ thần Cham được dân gian Kinh Việt thờ phụng, đặc biệt là các bà tổ nghề dệt lụa, dệt gấm ở ngay quanh Hà Nội”.
Đọc những dòng này không khỏi xúc động bồi hồi. Vì sao thế? Vì văn hóa Cham ảnh hưởng lên vùng Trung châu vì mười vạn tù binh Chăm ra Bắc đã hòa chung vào văn hóa Việt. Những con người của xứ Chăm Pa, dù là Phật Thệ hay Vijaya đều đã góp công định hình văn hóa Kinh – Việt. Định hình ra context Đông Nam Á của Việt Nam.
Chưa kể nền nông nghiệp lúa nước ở miền Nam Việt Nam còn có ảnh hưởng, nền móng rất nhiều từ những cư dân Champa.
Con đường Giáo sư còn dang dở! Giá trị văn hóa Chăm còn gặp nhiều trắc trở, nhiều phủ định nơi người Kinh Việt vốn nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa và Đại Kinh chủ nghĩa.
Giáo sư Trần Quốc Vượng như tôi biết cũng là người tìm hiểu về văn hóa Mường, văn hóa Thái cổ. Ông là lớp nghiên cứu tiên phong trong việc “không nên kết luận đơn giản rằng người Việt là chủ nhân duy nhất của nền văn hóa Đông Sơn thì mặt khác cũng không nên kết luận rằng người Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của riêng người Mường và người Việt” (3).
PGS.TS Hoàng Lương đang đến gần hơn với việc khẳng định ít nhất Thái cổ có đóng góp rất nhiều vào sự hình thành và phát triển của văn hóa Đông Sơn (4). Và Tiến sĩ Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) cũng cung cấp những bằng chứng khảo cổ để làm vững chắc thêm quan điểm của PGS Hoàng Lương.
Đừng quy kết về một âm mưu
Khi đặt vấn đề một cách nghiêm túc, tôi cũng rất cố gắng để viết bình thản nhất có thể. Tôi từng rất choáng váng khi Áo dài quốc phục Việt lại giống với Aw Kamei của Cham. Thế nên phần nào những phản ứng khốc liệt từ cộng đồng tôi cũng hiểu được.
Việc tranh biện có thể giúp ta mở mang kiến thức, hiểu rõ mình hơn, hiểu về cội nguồn hơn (đôi khi chỉ là cách hiểu mà mình thích). Chứ còn có cãi cả trăm năm nữa cũng chẳng thể nào thống nhất được.
Nhưng sự tranh cãi khiến ta mạnh hơn. Chỉ có điều đó không phải là sự thóa mạ, hay quy kết vào một âm mưu nào đó? Khi quá nhiều người sẵn sàng kết tội ai dám nói khác mình, điều đó chỉ có thể giải thích bằng sự yếu đuối, thiếu kiến thức!
Trở lại với tinh thần không Chauvin. Tôi cho rằng Đoàn kết dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng những giá trị văn hóa, những đóng góp của các dân tộc phi Kinh. Vì Kinh thật sự là một khái niệm quá mới mẻ, chỉ bắt đầu vào quãng TK X, XI khi Châu thổ sông Hồng đã mở rộng và trở nên hấp dẫn hơn.
Riêng việc “thiên đô” từ Cổ Loa, Luy Lâu sang đến Tống Bình, Đại La và Kinh thành Thăng Long cũng mất ngàn năm. Rõ ràng có Kinh đô thì mới có người Kinh Lộ.
Hồi còn là sinh viên khoa Sử trường KHXH và NV tôi có cái may mắn là được nghe Gs Trần Quốc Vượng giảng một vài tiết. Sau lại tham dự hội Thảo Đông Nam Á – Đông Bắc Á những vấn đề Lịch sử và hiện tại (2003). Chỉ nội cái tham luận nhỏ nhoi: “Ghi chú về những tương đồng và dị biệt về những giá trị văn hóa Đông Á giữa Việt Nam và các nước ĐÔng Nam Á khác”cũng gợi mở rất nhiều vấn đề.
Chú thích
1. Trần Quốc Vượng: “Ghi chú về những tương đồng và dị biệt về những giá trị văn hóa Đông Á giữa Việt Nam và các nước ĐÔng Nam Á khác”
2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký Toàn Thư
3. Gs Trần Quốc Vượng: Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt. Khoa Lịch sử, Đại học KHXH và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. PGs Ts Hoàng Lương Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội