Theo đó, độ chính xác của việc tự chẩn đoán bệnh tăng lên sau khi tìm kiếm lời khuyên trực tuyến.
Mặc dù các bác sĩ thường khuyên các bệnh nhân không nên sử dụng Internet trước khi đến phòng khám, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy rằng việc sử dụng nguồn thông tin trực tuyến để nghiên cứu các triệu chứng không có hại như bạn nghĩ, thậm chí chúng còn có thể cải thiện một số thiếu sót trong việc chẩn đoán.
Tư vấn “bác sĩ Google” cho mục đích sức khoẻ luôn là vấn đề gây tranh cãi. Một số người bày tỏ lo ngại về việc nó có thể dẫn đến các chẩn đoán không chính xác hay thậm chí đưa ra các chỉ dẫn sai về việc điều trị hoặc khiến người bệnh lo lắng thái quá.
Các nghiên cứu trước đây về chủ đề này thường chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu hành vi tìm kiếm trên Internet. Vì vậy, các nhà khoa học từ Đại học Harvard đã tìm cách đo lường thực nghiệm về mối liên hệ giữa việc chẩn đoán bệnh với quá trình tìm kiếm trên Internet.
5000 người ở Hoa Kỳ có hàng loạt triệu chứng bệnh với độ tuổi trung bình là 45 tham gia thí nghiệm này. Họ được yêu cầu đưa ra chẩn đoán bệnh dựa trên thông tin đã cho. Sau đó, họ tiến hành tìm kiếm các triệu chứng bệnh (từ nhẹ đến nặng hoặc mô tả các bệnh thông thường như virus, đau tim cho đến đột quỵ) trên Internet và một lần nữa đưa ra chẩn đoán.
Những người tham dự cũng được yêu cầu chọn mức độ phân loại tình trạng của mình, từ mức “để sức khoẻ tự cải thiện” cho đến việc phải gọi các dịch vụ cấp cứu khẩn cấp. Họ cũng phải theo dõi và ghi chép về mức độ lo lắng trong cơ thể.
👉Kết quả cho thấy độ chính xác của việc chẩn đoán tăng nhẹ, từ 49,8% đến 54% ở thời điểm trước và sau khi tìm kiếm. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về độ chính xác của việc phân loại bệnh hoặc sự lo lắng, theo kết quả đã được đăng trên tạp chí JAMA Network Open.
Tiến sĩ David Levine, đến từ bệnh viện Brigham and Women chi nhánh Boston và trường y khoa Harvard cho biết:
“Khoảng 3/4 số người tham gia có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng cũng như biết cách để lựa chọn thời điểm cần chăm sóc một cách thích hợp. Ngoài ra, những người có kinh nghiệm về sức khỏe trước đó, ví dụ như phụ nữ, người lớn tuổi thường chuẩn bị kỹ càng hơn trong việc chẩn đoán”
Những phát hiện này cho thấy các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách có lẽ không cần phải cảnh báo bệnh nhân tránh xa Internet khi muốn tìm kiếm thông tin sức khỏe hoặc tiến hành tự chẩn đoán. Có vẻ như việc sử dụng Internet cũng có thể giúp bệnh nhân nhận ra điều gì không ổn.
Tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ:
“Sau khi tìm kiếm, mọi người không lo lắng hơn và thường đến phòng khám để được chăm sóc. Nhiều bác sĩ tin rằng sử dụng Internet để tìm kiếm các triệu chứng là ý tưởng tồi và thí nghiệm này dường như đang chứng minh điều ngược lại”
Thí nghiệm cũng bác bỏ ý kiến cho rằng những người “bắt bệnh” trên Google đa phần nhận các lời khuyên vớ vẩn từ nguồn dữ liệu kém như diễn đàn hoặc mạng xã hội 🥴
Cyberchondria là hội chứng chỉ những người truy cập quá nhiều vào các trang web y học trên Internet để mang tâm lý lo sợ, từ đó tự chuẩn đoán sai về sức khoẻ và tìm kiếm những biện pháp chữa trị không cần thiết. Marcantonio Spada, nhà tâm lý học tại Đại học London South Bank, người đã nghiên cứu về hội chứng này cho biết:
“Thí nghiệm này được thiết kế tốt và nêu bật lợi ích của việc tìm kiếm trên internet khi đối mặt với các triệu chứng sức khỏe. Dù vậy, câu hỏi ở đây là lượng tìm kiếm trên Internet bao nhiêu là đủ để có thể đạt được mục tiêu tìm hiểu về các triệu chứng sức khỏe bởi việc không có ‘tín hiệu dừng’ có thể khiến phát triển hành vi cyberchondriac. Các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét câu hỏi then chốt này”