Nghề ươm tơ Vọng Nguyệt: Người kinh doanh phải nhập kén để làm nghề. Clip: Trung Hiếu
Trời oi bức, người ươm tơ đeo khẩu trang, quấn khăn, đội mũ kín mít làm việc
7 giờ sáng, lò ươm tơ tại nhà của ông Ngô Văn Lộc (Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh) đã rộn rã thanh âm từ những guồng máy kéo tơ và tiếng nói cười rôm rả của các nhân công. Gắn bó với công việc này được 25 năm, ông Lộc chia sẻ, tơ Vọng Nguyệt được nhiều người biết đến bởi sự thanh mảnh, bền chắc và bóng mượt.
Theo ông Lộc, quy trình se tơ đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. “Kén tằm phải được phân loại rất nhanh nhưng vẫn loại bỏ sạch sẽ chất bẩn ở bề mặt. Nếu trước đây, người thợ mất gần 2 tiếng mới ươm được một guồng tơ thì hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thời gian hoàn thiện đã được rút gọn một nửa”, ông Lộc cho biết thêm.
Vừa bốc những kén tằm đã phơi khô để chuẩn bị cho công đoạn kéo tơ, bà Chu Thị Thanh (58 tuổi), người làm thêm cho ông Lộc vừa chuẩn bị sẵn khẩu trang, găng tay, mũ đội đầu trong khi chờ nước sôi. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Thanh cho hay: “Để làm tan keo tơ và quá trình rút sợi diễn ra dễ dàng, nước đun kén phải là nước sôi 100 độ C. Trông thì tưởng việc kéo tơ đơn giản nhưng thực tế đây là công việc rất vất vả, ai không quen thì sẽ không chịu được hơi nóng bốc lên từ nồi nước sôi, vừa nóng mắt vừa rát da mặt, nhất là vào những ngày trời oi bức”.
Cắm công tắc cho chiếc quạt điện được đặt ngay sát chỗ ngồi làm việc, bà Thanh tiếp lời: “Mùa hè lúc nào chúng tôi cũng phải có chiếc quạt máy ‘kè kè’ bên cạnh thế này mới làm bớt đi hơi nóng được. Găng tay cũng đâu phải chỉ đeo 1 cái, cần sử dụng 2 cái mới yên tâm làm mà không bị bỏng”.
Bà Thanh cùng 7 nhân công khác bắt đầu một ngày làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 17 giờ 30 phút chiều, họ có 1 tiếng rưỡi để nghỉ trưa. Khi được hỏi về thu nhập từ công việc này, bà Thanh đáp: “Mỗi người chúng tôi làm một công đoạn. 4 người phụ trách đánh kén và 4 người còn lại đứng máy để ươm tơ. Người đứng máy thì được trả công 240.000 đồng/ngày, còn ai làm tay sẽ nhận 220.000 đồng/ngày”.
Dù khẳng định đây là công việc rất vất vả nhưng chị Nguyễn Kim Liên (38 tuổi) vẫn gắn bó với “con tằm, cái kén” hơn 20 năm nay, chị chia sẻ: “Ngày xưa thì cả làng đều làm nghề này nhưng đến hiện tại, cả thôn Vọng Nguyệt chỉ còn 2 nhà tiếp tục đánh kén, ươm tơ thôi. Thu nhập từ công việc làm thuê này không thể đủ để tôi nuôi 3 con ăn học được. Do đó, bản thân tôi cũng phải ‘hai tay hai việc’, tôi còn tranh thủ đi làm ruộng vào những ngày nghỉ hoặc vào buổi tối nữa”.
Chị Liên tâm sự: “Những người làm công việc này đa phần là người ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi, người trẻ nhất cũng phải sinh trước năm 1990. Tôi cũng thuộc dạng ‘có tuổi’ rồi, không thể vào làm ở các công ty nữa nên mới quyết tâm gắn bó với công việc này”.
Nghề ươm tơ Vọng Nguyệt: Người kinh doanh phải nhập kén để làm nghề
Hộ gia đình ông Ngô Văn Hành là một trong hai cơ sở sản xuất tơ tằm còn sót lại tại thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ông Hành cho biết: “Trước đây người dân Vọng Nguyệt chủ yếu nuôi giống tằm ta cho tơ vàng. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi sử dụng giống tằm trắng cho tơ trắng để tạo ra năng suất cao hơn”.
Theo ông Hành, hình thức sản xuất tơ tằm tại cơ sở của ông không còn ‘khép kín’ như trước đây: “Ngày xưa, chu trình của chúng tôi là một vòng tuần hoàn, từ trồng dâu, nuôi tằm đến tạo kén, quay tơ. Những năm gần đây, do ô nhiễm từ các khu công nghiệp, chất lượng kén trong thôn làm ra không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để duy trì sản xuất, gia đình tôi tìm mua kén được tuyển chọn kỹ lưỡng từ Lâm Đồng hoặc các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn…”.
Cơ sở sản xuất tơ tằm của ông Ngô Văn Lộc (Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh) cũng phải nhập kén từ các tỉnh khác về lấy tơ. Ông Lộc cho hay: “Để ươm được 1kg tơ thì cần khoảng 10kg kén. Những kén đảm bảo chất lượn thợ mới dễ làm và đảm bảo yêu cầu về đầu ra. Giá bán của 1kg tơ tằm dao động từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Nếu trừ chi phí mua nguyên liệu, thuê nhân công, tiền lãi chẳng còn bao nhiêu”.
Ông Lộc chia sẻ, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông sản xuất được từ 5 đến 6 tấn tơ. “Tơ của chúng tôi sản xuất ra thường được thương lái ở nhiều nơi về tận chợ làng để mua. Sau đó, họ sẽ đem tới mọi miền tổ quốc để bán hoặc xuất khẩu đi một số quốc gia như Lào, Thái Lan…”, ông Lộc nói thêm.
Vừa đem những sợi tơ sau khi se ra sân phơi dưới nắng cho khô, ông Lộc vừa giải thích: “Mục đích của việc làm này là để giúp sợi tơ được thanh mảnh, màu sắc tươi sáng và bền đẹp”. Nói đến đây, đôi mắt của ông ánh lên nỗi trăn trở: “Còn sức khỏe, tôi vẫn mong muốn có thể duy trì công việc này. Tuy nhiên, sau thời điểm dịch Covid-19, nghề ươm tơ gặp nhiều khó khăn, đầu ra phải bán được hàng thì chúng tôi mới có tiền lương trả đủ cho thợ, nếu trả công thấp quá họ sẽ không làm nữa. Tôi đang tìm hiểu phương pháp để giúp nghề này trở nên năng động hơn”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng thôn kiêm Giám đốc Hợp tác xã thôn Vọng Nguyệt cho biết: “Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên động viên nhân dân tiếp tục duy trì nghề ươm tơ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi thu gom kén từ các nơi về làm nghề. Công tác quảng bá ngành nghề truyền thống của địa phương cũng được hỗ trợ tận tình. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần giữ gìn những nét đẹp trong cội nguồn dân tộc cho các thế hệ mai sau”.