-Hàng ngàn du khách tới làng Buscalan mỗi năm để được gặp Whang Od Oggay, vị ‘mambabatok’ (nghệ nhân xăm hình Kalinga cổ) lớn tuổi nhất Philippines.
Được bao bọc bởi những bậc thang lúa nước tươi tốt và phong cảnh núi đồi nhấp nhô, ngôi làng núi Buscalan là nơi trú ngụ của khoảng 200 hộ dân. Tuy nằm ở tỉnh Kalinga, Philippines và cách Manila 15 tiếng lái xe về phía Bắc nhưng hàng ngàn du khách vẫn tới đây mỗi năm để được gặp Whang Od Oggay, vị ‘mambabatok’ (nghệ nhân xăm hình Kalinga cổ) lớn tuổi nhất Philippines.
Bà Whang Od nói với CNN Travel: “Truyền thống sẽ được tiếp tục chừng nào mọi người vẫn tiếp tục đến đây để xăm hình. Và chừng nào mắt tôi còn nhìn rõ, tôi sẽ tiếp tục xăm hình. Tôi sẽ chỉ dừng chỉ khi nào mắt mình bị mờ đi.”
Một biểu tượng của vẻ đẹp và sức mạnh
Theo truyền thống, các hình xăm bằng tay này thường được các chiến binh Butbut bản địa xăm lên mình.
Còn đối với phụ nữ thì sao? Hình xăm được coi là một món phụ kiện thẩm mỹ.
“Hồi xưa họ thường nói: ‘Đi xăm đi để trông cô đẹp hơn,” Whang Od hoài niệm lại thời kì niên thiếu của mình, khi các bạn của bà vẽ những hình xăm lên khắp tay chân bà.
Nhưng ngày nay những chiến binh đã không còn, những hình xăm bằng tay này được dành cho tất cả mọi người – và nhiều khách quốc tế đổ về đây, một ngày bà khắc khoảng tám hình xăm. Mỗi biểu tượng – từ hình in một chuỗi hạt cho đến những hình tròn, động vật và hình bộ lạc – mang một ý nghĩa sâu sắc riêng. Một số thiết kế mang biểu tượng của núi hay mặt trời, một số khác thể hiện sự sinh trưởng và sức mạnh.
“Tôi thích việc khách du lịch và khách thăm quan tới đây bởi vì việc này thực sự giúp ích cho chúng tôi [về mặt tài chính],” bà Whang Od nói. “Tôi hi vọng du khách sẽ tiếp tục đến.”
Một hình xăm được tạo nên như thế nào?
Bà Whang Od sử dụng kĩ thuật từ ngàn năm trước, chỉ vài dụng cụ: một cái gai từ cây bưởi, một que trúc dài 1 foot (khoảng 30 cm), than cạo từ nồi, và nước.
Với sự tập trung cao độ, bà vẽ hình thiết kế lên da với mực tự chế từ than và nước. Tiếp đó, bà sử dụng chiếc gai và que trúc như một cái búa gõ để đẩy mực vào sâu trong da. Với kĩ thuật đơn giản này, bà Whang Od có thể tạo nên những hình khối mang đậm ý nghĩa – và tất nhiên kèm theo những cơn đau – điều khác biệt với kiểu xăm hiện đại.
Nghề xăm truyền thống trong tương lai
Để duy trì được môn nghệ thuật này phức tạp hơn ta tưởng. Phương pháp xăm hình này chỉ có thể được truyền xuống cho người ruột thịt, bởi quan niệm những hình xăm này sẽ bị nhiễm trùng nếu làm trái truyền thống. Dù Whang Od không có con bà đã mất cả vài năm trời để hướng dẫn cho người cháu họ Elyang Wigan và Grace Palicas.
“[Những người bạn cùng làm nghề xăm với tôi] đã đều mất cả rồi,” bà Whang od nói. “Tôi là người duy nhất còn sống mà vẫn làm nghề xăm hình. Nhưng tôi không lo lắng về việc truyền thống sẽ mất đi bởi vì [Tôi đã đang đào tạo] những nghệ nhân bậc thầy tiếp theo.”
Theo CNN Travel