nghe-sua-quan-ao-kin-lich-dip-cuoi-nam-am-lich-vi-cac-don-hang-khung

Nghề sửa quần áo kín lịch dịp cuối năm âm lịch vì các đơn hàng khủng

Nghề sửa quần áo kín lịch dịp cuối năm âm lịch vì các đơn hàng khủng. Clip: Trung Hiếu.

Cận Tết, lượng khách sửa quần áo tăng gấp 2 – 3 lần ngày thường

Cửa hàng sửa quần áo của chị Hoàng Lan (Đống Đa, Hà Nội) chỉ có chiều rộng 4m nhưng luôn tất bật vào thời điểm gần Tết Nguyên đán. Người phụ nữ 40 tuổi đang bận rộn tay cầm kéo, tay giữ chỉ khâu lại áo, cắt gấu quần mà khách đem tới sửa. Cứ vài phút trôi qua, điện thoại của chị lại có cuộc gọi đến: “Chị Lan ơi, quần áo của em được sửa xong chưa?”.

“Chiều đi làm về em ghé qua lấy nhé, nhiều đồ quá nên giờ chị chưa làm xong kịp”, chị Lan cười đáp. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chủ nhân cửa hàng sửa chữa quần áo cho biết: “Với mỗi sản phẩm, tôi có thể nhận được từ 10.000 – 60.000 đồng tiền công sửa, tùy thuộc vào thời gian làm, càng lâu thì mức giá càng cao”.

Lượng quần áo chị Lan sửa cho khách hàng dịp cuối năm âm lịch tăng gấp khoảng 2 - 3 lần ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu

Lượng quần áo chị Lan sửa cho khách hàng dịp cuối năm tăng gấp khoảng 2 – 3 lần ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu

Vào những hôm đông khách, chị Lan có thể nhận sửa hơn 30 sản phẩm/ngày, kiếm khoảng 400.000 – 500.000 đồng. “Trong 8 năm tôi gắn bó với công việc này, tôi thấy thời điểm cận Tết Nguyên đán, cụ thể là 3 tuần đầu tháng 12 âm lịch, lượng khách tới sửa quần áo sẽ tăng cao, gấp khoảng 2 – 3 lần ngày thường, năm nào cũng vậy”.

Chị Lan tiếp lời: “Bắt đầu từ thời điểm này là cuối tháng 11 âm lịch, lượng khách tới sửa quần áo chỗ tôi đã dần tăng lên, dự kiến sẽ tăng mạnh đến ngày cúng ông Công ông Táo, sau đó là chững lại vì lúc ấy sát Tết quá rồi, người ta phải lo nhiều việc gia đình nên không nghĩ đến sửa chữa quần áo nữa”.

Nhanh tay gấp gọn chiếc quần âu vừa chỉnh sửa vào trong chiếc túi có đánh dấu tên của khách, chị Lan vừa tâm sự: “Công việc của tôi bắt đầu từ 9 giờ đến 21 giờ. Nhà ở cách xa đây nên mỗi buổi sáng, tôi phải dậy sớm nấu cơm mang đi làm để tiết kiệm chi phí. Có hôm bận quá, tôi phải ở lại cửa hàng đến 0 giờ đêm để làm nốt cho khách”.

Tiền công sửa quần áo tùy thuộc vào thời gian làm, càng lâu thì mức giá càng cao. Ảnh: Trung Hiếu

Tiền công sửa quần áo tùy thuộc vào thời gian làm, càng lâu thì mức giá càng cao. Ảnh: Trung Hiếu

Mặc dù có trang bị máy khâu và các đồ dùng sửa chữa quần áo ở nhà, nhưng chị Lan cho biết, chị chỉ làm việc tại cửa hàng: “Nhà tôi ở xa, việc mang đi, mang về quần áo của khách rất bất tiện. Tôi cố gắng để sáng nhận đồ, tối trả luôn cho khách vì cửa hàng khá chật chội, không muốn chứa nhiều đồ đạc. Ngoài ra, tôi cũng hiểu tâm lý khách hàng đa phần muốn lấy luôn đồ sau 15 – 20 phút để tiết kiệm tiền xăng và không mất công đi lại”.

Đồng hồ chỉ quá 12 giờ trưa, nhưng vì lượng quần áo cần sửa quá nhiều nên chị Lan vẫn chưa kịp “đụng” đến hộp cơm trưa đã chuẩn bị từ sáng. Chị bộc bạch: “Những dịp cận Tết Nguyên đán các năm trước, tôi có con gái hỗ trợ nên dù công việc nhiều nhưng cũng được san sẻ phần nào. Năm nay, con gái tôi sắp sinh em bé nên không phụ giúp mẹ được. Tôi phải một mình gồng gánh cửa hàng, vất vả lắm nhưng vẫn phải cố thôi, tranh thủ thời điểm này có nhiều khách, kiếm thêm đồng ra, đồng vào để dành mua sữa, bỉm cho cháu ngoại”.

Cửa hàng 7 người cùng nhau sửa quần áo vẫn không hết việc

Quần áo đợi sửa chất cao trên bàn, khách hàng nườm nượp vào, ra quanh các bàn máy may đang hoạt động hết công suất. Đó là thực tế được phóng viên ghi nhận tại một cửa hàng sửa chữa quần áo trên đường Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bà Lê Thu Mừng, chủ cửa hàng cho biết, cùng làm với bà có 6 người khác nhưng khối lượng công việc vẫn rất nhiều, khiến những người thợ sửa quần áo “đâm sấp dập ngửa” ở thời điểm này.

Chị Đặng Thị Thu Hương, một “nhân công” tại cửa hàng của bà Mừng chia sẻ: “Mặc dù đông khách hơn ngày thường, nhưng chúng tôi cũng không tăng giá dịch vụ sửa chữa quần áo dịp cận Tết. Lý do là bởi đa số khách hàng là khách quen, chúng tôi muốn duy trì một mức giá để giữ chân các ‘thượng đế'”.

Có khách hàng mang nhiều bộ quần áo đến sửa một lúc tại cửa hàng chị Hương. Ảnh: Trung Hiếu

Có khách hàng mang nhiều bộ quần áo đến sửa một lúc tại cửa hàng chị Hương. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về loại quần áo được khách hàng mang tới để sửa nhiều nhất trong thời điểm này, chị Hương cho hay: “Dịp cận Tết, các sản phẩm mọi người mang tới thường là hàng da, hàng dạ, hàng vest… Đối tượng khách của cửa hàng tôi cũng rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên, tới người lao động, người cao tuổi… đều có cả”.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Hương tiếp lời: “Khách ở cửa hàng của chúng tôi chủ yếu đến trực sửa tiếp. Khung giờ từ 17 giờ đổ đi sẽ là thời điểm đông khách nhất trong ngày, vì nhiều người thường tranh thủ ghé qua cửa hàng sau khi đi làm về”.

Những người thợ sửa quần áo cho biết, công việc này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và hiểu ý khách. Ảnh: Trung Hiếu

Những người thợ sửa quần áo cho biết, công việc này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và hiểu ý khách. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Đinh Thị Thu Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang đứng chờ lấy đồ tại một cửa hàng sửa chữa quần áo, chị nói: “Tết Nguyên đán sắp tới rồi nên tôi tranh thủ đem quần áo đi sửa để mặc đi chơi những ngày đầu năm. Tôi phải chờ khá lâu mới lấy được đồ của mình vì lượng khách tại cửa hàng rất đông, nhưng khi nhìn thấy thành phẩm theo đúng ý mình, tôi rất hài lòng và cảm thấy công chờ đợi là xứng đáng”.

Tương tự chị Nga, anh Hoàng Hữu Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lựa chọn cách sửa lại trang phục cũ để mặc chơi Tết, thay vì mua quần áo mới. Anh tâm sự: “Lợi ích của việc sửa quần áo là giúp mình tiết kiệm tiền hơn so với việc mua mới. Ngoài ra, mình cũng rất thích những trang phục cũ, giờ đi tìm mua bộ khác giống hệt như vậy thì rất khó, nên chỉ cần sửa lại là y như mới ngay”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *