Trong một lớp học mình mới tham dự có một bài tập là giới thiệu nghề nghiệp của mình một cách độc đáo. Mình nói là : mình là họa sĩ, mình vẽ tranh bằng những con số.
Họa sĩ và người phân tích tài chính nghe qua có vẻ không có gì liên quan nhưng theo mình có ít nhất một điểm chung ạ.
Bạn có biết mục tiêu sau cùng của việc phân tích các chỉ số tài chính là gì không :Đó là vẽ nên một bức tranh tổng quát của doanh nghiệp.
Nếu bạn đã biết ý nghĩa của từng chỉ số trong báo cáo tài chính đã rất tốt, nhưng việc sâu chuỗi các chỉ số này với nhau và đưa ra tổng thể về doanh nghiệp mới là bước quan trọng. So sánh với nghề họa sĩ, những chỉ số giống như những tuýp màu mà bạn đang cầm trên tay. Sở hữu những tuýp màu chất lượng chưa đủ, bạn phải biết kết hợp, pha trộn chúng với nhau để cho ra một bức tranh hoàn thiện.
Một bài học mà mình có được sau mấy năm đi làm là khi bạn nộp một bài phân tích kết quả tài chính, nếu bạn chỉ nhăm nhăm phân tích một cách chi tiết từng chỉ số một, và đọc xong người ta chả biết vấn đề của doanh nghiệp đang nằm ở đâu? Có giải Pháp gì cho những vấn đề đó? thì bài báo cáo đó có dài đến đâu cũng coi như chỉ đạt yêu cầu 50%.
Hãy cùng lấy một ví dụ minh họa nhé.
Một công ty có hàng kho giảm hàng năm, một cách logic nó sẽ giúp cải thiện free cash-flow( dòng tiền tự do) của công ty.
Cùng lúc đó, doanh thu, lợi nhuận của họ tăng trưởng mỗi năm.
Nếu nhìn hai thông tin này một cách độc lập thì bạn sẽ đánh giá công ty này rất tốt đúng ko ạ?
Nhưng một công ty tăng trưởng hàng năm mà hàng kho giảm đều chưa chắc đã là một dấu hiệu tốt. Đó có phải là dấu hiệu của việc công ty thiếu nguồn cung cấp và rủi ro không có đủ hàng phục vụ cho tăng trưởng của mình?
Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác cần xem xét nữa. Nhưng mình đưa ra ví dụ đơn giản vậy để thấy tầm quan trọng của việc sâu chuỗi các thông tin.
Tranh Van Gogh lúc nào cũng đẹp bởi nó luôn cho mình nhiều cảm xúc khác nhau.
Theo: Chau Vu