nghe-det-chieu-ca-hom-o-tra-vinh-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia

Nghề dệt chiếu Cà Hom ở Trà Vinh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thông tin từ UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa nghề dệt chiếu Cà Hom của người dân tộc Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với loại hình nghề thủ công truyền thống.

Nghề dệt chiếu Cà Hom ở Trà Vinh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Nghề dệt chiếu Cà Hom ở Trà Vinh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: H.X

Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nghề dệt chiếu Cà Hom được hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX. Từ chỗ tự sản xuất, tự tiêu thụ, làm quà biếu, chiếu Cà Hom dần dần nổi tiếng, được nhiều người biết đến vào những năm 1960.

Hiện nay, nghề dệt chiếu Cà Hom tập trung ở các ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Người dân tận dụng nguyên liệu cây lác ở địa phương để dệt chiếu.

Nghề dệt chiếu Cà Hom ở Trà Vinh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Nghề dệt chiếu Cà Hom tập trung ở các ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: H.X

Sản phẩm chiếu Cà Hom nổi bật gồm chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in chữ, in hoa. Trong đó nổi bật nhất là chiếu hoa với 5 màu chủ đạo là trắng, xanh, vàng, đỏ và tím. Hình ảnh, hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu nên cơ bản đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như thương lái gần xa.

Chiếc chiếu Cà Hom không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thủ công mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer. Với những hoa văn tinh xảo, màu sắc tươi tắn, chiếu Cà Hom còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, năm 2014, nghề dệt chiếu được tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề. Làng nghề cũng được đưa vào danh mục cần bảo tồn và phát triển của tỉnh do có nguy cơ bị mai một (sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng và việc thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ).

Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt chiếu không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Đến nay, Trà Vinh đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nghệ thuật “Chầm riêng chà pây” của đồng bào dân tộc Khmer; lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh; nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”; “Lễ hội cúng biển Mỹ Long” thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; nghệ thuật Rô Băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè; lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer và nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *