Công việc bấp bênh nên khó tiếp cận với an sinh xã hội
Hơn 1 nửa lực lượng lao động trong cả nước là lao động tự do. Tuy nhiên, đa phần trong số này chưa tiếp cận được với vấn đề an sinh – xã hội.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) là lái xe ôm công nghệ. Anh Tuấn làm công việc này đã được 3 năm nay nhưng vẫn không được ký hợp đồng, được tham gia BHYT hay BHXH.
Anh Tuấn kể: “Trước đây tôi làm nghề phụ hồ, công việc vất vả có lần còn bị ngã giàn giáo, tai nạn nằm viện nửa năm sức khỏe suy giảm nên phải chuyển nghề”.
Mặc dù từng bị tai nạn lao động, sức khỏe suy giảm, phải điều trị nửa năm trời nhưng vì không có BHYT, không có BHXH nên anh không được hưởng bất cứ chế độ gì. Lúc xảy ra tai nạn chủ thầu xây dựng chỉ hỗ trợ anh một khoản tiền nhỏ là hơn 1 triệu đồng. Chi phí khám điều trị lên tới gần 50 triệu đồng, khiến vợ anh phải bán chiếc xe máy và chạy vạy vay mượn khắp nơi để lấy tiền điều trị bệnh cho anh.
“Làm lái xe công nghệ tuy phải chạy ngoài đường cả ngày nhưng dù sao cũng bớt vất vả hơn. Hy vọng bên công ty có thể ký hợp đồng, đóng BHYT hoặc cho chúng tôi mua BHXH để sau này còn có nơi nương tựa lúc về già”, anh nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, 50 tuổi (Nam Định), là lao động di cư đã chục năm nay. Bà thuê trọ và sống ở làng chài ven sông Hồng (Long Biên, Hà Nội). Mặc dù là lao động tự do, đã đăng ký tạm trú nhưng từ nhiều năm nay việc tiếp cận mua BHYT của bà cùng các lao động di cư khác ở đây rất khó khăn. Chỉ 5 lao động di cư được hội phụ nữ bảo trợ là được tiếp cận và mua BHYT.
“Chúng tôi được truyền thông khá nhiều về ý nghĩa của việc mua BHYT và tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thực sự để tiếp cận với các chính sách này quả là khó khăn”, bà Hồng nói.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 33 triệu lao động tự do (trên tổng số 52 triệu lao động), chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Tuy nhiên có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Ðiều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH (chiếm tới 97,9%), chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện.
Bà Hồng chia sẻ thêm vì là lao động tự do, di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định vì thế bàcùng nhiều lao động khác khó có thể đóng BHXH tự nguyện được. Chưa kể lúc ốm đau, đăng ký BHYT ở một nơi nhưng có khi lúc khám bệnh ở một nơi khác nên khi BHYT còn chưa liên thông trong cả nước thì việc khám chữa bệnh của bà Hồng rất khó khăn.
Giải pháp giúp lao động tiếp cận với an sinh – xã hội
Chia sẻ về giải pháp để lao động tự do tiếp cận được với an sinh – xã hội, TS.Lê Duy Bình- Chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam) cho rằng khu vực kinh tế phi chính thức đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó, đóng góp lớn nhất là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% lao động.
“Ðể giảm bớt sự bấp bênh về an sinh cho lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của người lao động. Cần hướng tới tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc, chứ không phải là tự nguyện như hiện nay”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, hiện ngày càng có nhiều lao động không có quan hệ lao động, được thể hiện qua hình thức hợp đồng lao động có tính ổn định dài hạn. Ðồng thời, những lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ ngày càng đông đảo về số lượng. Do vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có hợp đồng lao động.
“Nói cách khác, là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ, mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức”, ông Bình đề xuất.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hồ Thị Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, hiện nay thị trường lao động có sự chuyển dịch liên tục. Lao động có thể đang làm ở khu vực chính thức nhưng ngay lập tức có thể chuyển sang khu vực phi chính thức và ngược lại. Cho nên vấn đề an sinh – xã hội cần bao trùm hơn và mở rộng hơn cho nhiều đối tượng trong đó có cả nhóm lao động tự do không có quan hệ lao động.
Theo bà Ngân, cơ quan quản lý nhà nước nên bỏ tư duy đóng – hưởng khi thiết kế chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động tự do. Bản thân họ là những người có đóng góp công sức xây dựng xã hội thì họ cũng phải được hưởng thành quả lao động bằng cách được nhà nước chăm lo để tiếp cận với chính sách an sinh – xã hội.
Ví dụ như trong câu chuyện BHXH, lao động tự do rất muốn đóng BHXH nhưng không có khả năng và không tiếp cận được cách thức đóng. Vậy thì nhà nước và người sử dụng lao động cần có chính sách hỗ trợ họ.
“Các chính sách an sinh – xã hội cần hướng tới việc những đối tượng cần được tiếp cận an sinh phải được tiếp cận an sinh. Còn vấn đề ngân sách nào đảm bảo, ai đóng để đảm bảo cho quỹ đó thì cần phải có những bài toán khác. Tôi cho rằng cần phải bỏ tư duy có đóng mới có hưởng khi tiến hành sửa đổi các chính sách về an sinh – xã hội trong thời gian tới”, bà Ngân nói.
Chia sẻ thêm với PV, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thừa nhận nhiều lao động khu vực phi chính thức và gia đình họ đang phải chịu thiệt thòi, vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động…
Ông Bùi Sỹ Lợi kiến nghị cần sửa đổi một số luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động, nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm); đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật BHXH).
“Cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp”, ông Lợi đề nghị.